Yêu cầu thu hồi 14 dự án thủy điện tại Gia Lai
Sau quá trình thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng một số dự án trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Thanh tra Chính phủ kiến nghị có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến các sai phạm
Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ (TTCP), từ năm 2004 đến nay, UBND tỉnh Gia Lai có nhiều cố gắng trong công tác quản lý nhà nước về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 12,9%; tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2012 đạt 3.400 tỷ đồng, tăng gấp 4,3 lần so với năm 2005; kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đạt 380 triệu USD, tăng gấp 9,6 lần so với năm 2005. Tuy nhiên, việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân còn xảy ra nhiều vi phạm.
Quy hoạch chắp vá, lãng phí tài nguyên
Điển hình, giai đoạn 2001 - 2010 có 16/17 huyện và 166/222 xã không có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003. Đặc biệt, TP Pleiku là Trung tâm chính trị văn hóa của tỉnh, nơi đất đai có giá trị sử dụng cao, phải quản lý chặt theo quy hoạch, song UBND thành phố không lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dẫn đến kiến trúc đô thị chắp vá, không phù hợp với quy chuẩn thành phố đô thị loại II.
Mặt khác, việc thu hồi đất, giao đất bị TTCP xác định là thiếu căn cứ, gây lãng phí tài nguyên đất. Tại TP Pleiku, thị xã An Khê và huyện Chư Păh giao đất không đúng quy hoạch; không tổ chức đấu giá đất, giao đất theo khung giá cho các đối tượng không đủ tiêu chuẩn, vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai, gây thất thu ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền ký quỹ phục hồi môi trường, thuế tài nguyên, chưa được quan tâm, đôn đốc, xử lý kịp thời theo đúng các quy định của nhà nước, dẫn đến số tiền nợ đọng ở các huyện và các dự án trồng cao su, thủy điện, khoáng sản đến 31/12/2012 còn nợ gần 75 tỷ đồng. Các dự án được giao đất để kinh doanh phát triển nhà cũng xảy ra tình trạng nợ tiền sử dụng đất, như Cty Cổ phần GP.Highland nợ hơn 134 tỷ đồng, Cty FBS nợ hơn 6 tỷ đồng.
Buông lỏng quản lý
Đáng chú ý, TTCP xác định có dấu hiệu buông lỏng quản lý rừng và lâm sản tận thu khi chuyển rừng nghèo sang trồng cây cao su; buông lỏng quản lý đất đai tại tỉnh Gia Lai. Điển hình, địa phương này để Cty TNHH Cao su Chư Sê thỏa thuận đền bù đất sản xuất để lấy đất trồng cao su trái quy định, dẫn đến đồng bào dân tộc không có đất sản xuất gây nguy cơ tiềm ẩn khiếu nại, tố cáo.
Cũng qua công tác thanh tra phát hiện, từ năm 2005 - 2012, UBND tỉnh đã cấp 67 giấy phép khai thác khoáng sản với diện tích hơn 105 ha và 5.804m dọc theo suối khi chưa có quy hoạch. Hơn nữa, các mỏ được cấp phép đều không được các sở chuyên ngành thẩm định thiết kế cơ sở, vi phạm Nghị định 112/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Gia Lai tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân; đồng thời xử lý về tài chính hơn 132 tỷ đồng; ban hành quyết định thu hồi 14 dự án thủy điện do chậm tiến độ; xem xét xử lý việc Cty Cao su Chư Sê tự thỏa thuận đền bù để lấy 233,7ha đất nông nghiệp của đồng bào dân tộc.>>>Có dấu hiệu sai phạm tại Dự án Thủy điện Mường Kim