Yêu cầu trình Luật Biểu tình tại Kỳ họp thứ XI của Quốc hội
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan liên quan phối hợp chuẩn bị kịp thời, trình Quốc hội dự án Luật Biểu tình theo nội dung chương trình.
- 17-02-2016Xin lùi dự án Luật biểu tình là thiếu nghiêm túc
- 17-02-2016Chính phủ lại xin lùi dự án Luật biểu tình
- 09-06-2015Quốc hội đồng ý lùi Luật Biểu tình
- 21-05-2015Chính thức đề nghị lùi Luật Biểu tình
Sáng nay (24/2), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe vào thảo luận về việc chuẩn bị kỳ họp thứ XI, Quốc hội khoá XIII.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết dự kiến Kỳ họp thứ XI, Quốc hội khoá XIII diễn ra trong 16 ngày.
Không lùi Luật Biểu tình
Tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ XI do Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày nhấn mạnh, mặc dù đây là kỳ họp chủ yếu tập trung cho công tác tổng kết nhiệm kỳ khóa XIII, nhưng khối lượng các dự án luật trình Quốc hội cũng tương đối nhiều.
Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, gồm: Luật tiếp cận thông tin; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).
Đối với dự án Luật biểu tình dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, Uỷ ban đã lên kế hoạch thẩm tra sơ bộ và thẩm tra chính thức, tuy nhiên đến nay Chính phủ chưa có chương trình xem xét dự án luật này.
“Cần có kết luận để Chính phủ báo cáo rõ ràng để Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội. Nếu tháng này Chính phủ không có chương trình xem xét thì đề nghị lùi dự án luật vì không đủ thời gian thẩm tra trong khi luật này rất nhạy cảm. Nếu không kịp thì khuyết điểm sẽ báo cáo Quốc hội”, ông Nguyễn Kim Khoa nói.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận: Dự án Luật Biểu tình đã có ý kiến của Bộ Chính trị cũng như có trong chương trình kế hoạch xây dựng luật nên không có cớ gì không trình Quốc hội. Việc chuẩn bị chưa xong thì tiếp tục phối hợp giữa các bên để thực hiện đúng nội dung chương trình như kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại đầu phiên họp 45 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Báo cáo nhiệm kỳ sẽ truyền hình trực tiếp cho cử tri theo dõi
Một trong những nội dung trọng tâm của Kỳ họp Quốc hội thứ XI là nghe và thảo luận về các báo cáo tổng kết của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bố trí thời gian thoả đáng, khoa học để truyền hình trực tiếp các phiên báo cáo để nhân dân và cử tri theo dõi.
Liên quan đến nội dung này, Tờ trình nêu rõ, để đánh giá sâu sắc hơn những kết quả đã đạt được, hạn chế trong nhiệm kỳ 2011-2015 và kiến nghị, đề xuất về việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ tới, bên cạnh việc tập trung xem xét một cách toàn diện việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, Quốc hội cần đi sâu thảo luận, đánh giá và kiến nghị những vấn đề cụ thể, các giải pháp để triển khai thực hiện về cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan này.
Dự kiến bố trí 3,5 ngày cho việc xem xét các báo cáo và định hướng rõ những vấn đề cần tập trung thảo luận, đánh giá, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm, vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới trong nhiệm kỳ tới.
Cũng theo dự kiến nội dung chương trình, Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.
Quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020; kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020.
Công tác thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí cũng sẽ được báo cáo Quốc hội tại kỳ họp này./.
VOV