MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thời tiết cực đoan tàn phá nhiều nước

11-05-2024 - 17:18 PM | Tài chính quốc tế

Sự nóng lên toàn cầu trong thời gian dài đã làm trầm trọng thêm thời tiết cực đoan tại miền Nam Brazil

Số người thiệt mạng vì lũ lụt nghiêm trọng tại bang Rio Grande do Sul ở miền Nam Brazil đã tăng lên 107 hôm 9-5 trong lúc chính quyền địa phương tiếp tục nỗ lực khắc phục hậu quả và bắt đầu tính toán thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra. 

Thiên tai cũng khiến ít nhất 136 người mất tích, hơn 165.000 người phải sơ tán và ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 1,5 triệu người.

Đã xuất hiện dự báo sẽ có nhiều mưa hơn trong những ngày tới làm dấy lên lo ngại nước sẽ dâng cao hơn nữa ở thủ phủ Porto Alegre của bang và một số địa phương khác. 

Thống đốc Eduardo Leite cho biết các tính toán ban đầu cho thấy Rio Grande do Sul sẽ cần ít nhất 3,68 tỉ USD để khắc phục hậu quả và xây dựng lại. Trong khi đó, chính phủ liên bang ước tính tác động tài chính của lũ lụt là 1,49 tỉ USD. 

Số tiền này chủ yếu được dùng để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva nhấn mạnh thiệt hại tại Rio Grande do Sul sẽ chỉ được biết đầy đủ hơn sau khi nước rút.

Thời tiết cực đoan tàn phá nhiều nước- Ảnh 1.

Một khu vực ngập lụt ở TP Canoas, bang Rio Grande do Sul - Brazil hôm 9-5. Ảnh: REUTERS

Lượng mưa kỷ lục xảy ra tại khu vực có liên quan đến El Nino - hiện tượng khí hậu tự nhiên có xu hướng mang lại lượng mưa lớn cho miền Nam Brazil. Sự nóng lên toàn cầu trong thời gian dài, chủ yếu do con người đốt nhiên liệu hóa thạch, cũng làm trầm trọng thêm thời tiết cực đoan tại khu vực này. 

Mưa lũ cũng hoành hành nhiều khu vực ở nước láng giềng Uruguay, khiến hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa và sống trong cảnh mất điện.

Tại khu vực Trung Mỹ, Costa Rica đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 5 thập kỷ. Nước này hôm 9-5 công bố kế hoạch cắt điện luân phiên sau khi cho biết tình trạng thiếu mưa nghiêm trọng khiến các nhà máy thủy điện gặp khó khăn.

 Công ty Điện lực nhà nước Costa Rica (ICE) cho rằng tình trạng hạn hán một phần là do El Nino, đồng thời thúc giục người dân giảm tiêu thụ điện càng nhiều càng tốt. 

Lần gần đây nhất Costa Rica áp dụng biện pháp cắt điện luân phiên là vào năm 2007. Việc cắt điện trên diện rộng do nắng nóng xảy ra ở Mexico vào đầu tuần này. Vấn đề tương tự cũng xảy ra ở Colombia và Ecuador.

Trung tâm Dự báo Khí hậu của Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ hôm 9-5 cho biết có El Nino có thể được thay thế bởi hiện tượng La Nina vào nửa cuối năm nay. 

Theo Reuters, El Nino là sự nóng lên của nhiệt độ bề mặt đại dương ở khu vực trung tâm và Đông Thái Bình Dương. Trong khi đó, La Nina là hiện tượng nhiệt độ đại dương lạnh bất thường ở khu vực xích đạo Thái Bình Dương và có liên quan đến lũ lụt và hạn hán. 

Theo một số chuyên gia, hiện tượng La Nina có liên quan đến hạn hán kéo dài trên khắp châu Mỹ, dẫn đến chất lượng cây trồng kém và năng suất trung bình giảm, từ đó đe dọa đến nguồn cung toàn cầu.

Còn tại Thái Lan, thời tiết nắng nóng trong những tuần gần đây khiến chính quyền phải đưa ra cảnh báo gần như hằng ngày. Bộ Y tế Thái Lan hôm 10-5 cho biết 61 người đã tử vong vì sốc nhiệt kể từ đầu năm 2024, so với 37 trường hợp năm 2023. 

Theo hãng tin EFE, hầu hết nạn nhân là nam giới trung niên hoặc cao tuổi. Nhiều người trong số họ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc xây dựng. Thái Lan ghi nhận nhiệt độ cao trong phần lớn tháng 4 và đầu tháng 5. 

Nhiệt độ tại tỉnh Lampang có lúc lên đến 44,2 độ C, kém một chút so với kỷ lục 44,6 độ C. Trong khi đó, thủ đô Bangkok trải qua nhiều ngày có nhiệt độ 40 độ C. 

Theo Hoàng Phương

Người Lao Động

Trở lên trên