Thời tiết cực đoan, thiên tai ngày càng tồi tệ trên thế giới
Nhiều nơi trên thế giới đang chật vật hứng chịu các hình thái thời tiết cực đoan từ lũ lụt cho đến nắng nóng chết người. Các chuyên gia thời tiết cảnh báo, biến đổi khí hậu có thể khiến tần suất xảy ra các thảm họa thiên tai ngày càng dày đặc hơn.
- 12-05-2024Tòa nhà cao tầng ở Belgorod (Nga) sụp đổ một phần sau cuộc tấn công của Ukraine
- 12-05-2024Mạnh nhất trong 20 năm, bão mặt trời năm nay có thể "nướng cháy" cả điện thoại trên tay: Thực hư ra sao?
- 12-05-2024Hỏa hoạn thiêu rụi gần như toàn bộ khu chợ đông người Việt kinh doanh tại Ba Lan
Thời tiết cực đoan gồm lũ lụt, nắng nóng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, từ Đông Á, Nam Á cho đến Nam Mỹ...
Lũ lụt do mưa lớn bất thường ở tỉnh Baghlan, Afghanistan đã khiến hơn 300 người thiệt mạng, phá hủy hơn 1.000 ngôi nhà. Baghlan, Badakhshan, Ghor và Herat là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Người phát ngôn của chính quyền Taliban Zabiullah Mujahid dẫn số liệu cho biết, mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng tại 4 tỉnh, tàn phá 2.500 đến 3.000 ngôi nhà, giết chết hàng trăm gia súc, đồng thời làm hư hại nhiều đường sá và các cơ sở hạ tầng khác. Chính quyền Taliban đã ra lệnh huy động mọi nguồn lực sẵn có để cứu người, vận chuyển những người bị thương và tìm kiếm các nạn nhân thiệt mạng.
Mưa lớn cũng gây lũ lụt trên diện rộng ở bang Rio Grande do Sul của Brazil, khiến gần 140 người thiệt mạng, khoảng 537.000 người phải di dời, ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 2,1 triệu người, gây thiệt hại ước tính khoảng gần 3,7 tỷ USD. Những cơn mưa xối xả trút xuống bang Rio Grande do Sul khiến các con sông tràn bờ và giới chức Brazil đã gọi tình trạng này là "đáng lo ngại".
Nhiều người dân rơi vào cảnh khốn đốn vì bão lũ buồn bã chia sẻ: "Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng chẳng lâu nữa Mucum sẽ trở thành một dòng sông. Trận lũ này gây tàn phá nặng nề, cuốn trôi nhiều đất đai và cây cối. Chúng tôi nghĩ rằng sẽ rất khó để sống ở đây.”
"Đó là một cảnh tượng kinh hoàng. Mọi người đều đang trông chờ được giúp đỡ. Hãy xem nhìn ngôi nhà kia khác gì một cây cầu nước chảy qua”.
Mấy ngày gần đây, mưa lớn kéo dài đã gây ra tình trạng ngập úng nghiêm trọng và lở đất ở nhiều địa phương thuộc Khu Tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Đoạn phim do Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV phát sóng cho thấy, đường phố ngập lụt và xe cộ ngâm trong biển nước ở thành phố Khâm Châu. Các đội cứu hộ khẩn trương dùng thuyền sơ tán người dân ở thành phố Phòng Thành Cảng đến nơi an toàn. Dự báo, trong 10 ngày tới, mưa lớn sẽ còn tiếp diễn tại khu vực miền nam Trung Quốc, trong đó có Quý Châu, Vân Nam.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) trong tuần này cũng thông báo, lũ lụt và lở đất do mưa lớn đang ảnh hưởng đến gần 1 triệu người ở khu vực Đông Phi. Các trận mưa lớn bất thường trong khu vực Đông Phi, trầm trọng hơn do hiện tượng thời tiết El Nino giai đoạn 2023-2024, đã khiến hàng trăm người thiệt mạng và cho thấy nhu cầu cấp thiết về hỗ trợ nhân đạo.
Không chỉ đối mặt với tình trạng bão lũ, thế giới vừa trải qua tháng 4 nóng nhất từ trước đến nay và nhiều khả năng, năm 2024 sẽ phá vỡ kỷ lục nhiệt độ của 2023 để trở thành năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại. Theo dữ liệu mới từ Copernicus, chương trình giám sát khí hậu toàn cầu của Liên minh châu Âu, nhiệt độ trong tháng 4 năm nay đã cao hơn 0,67 độ C so với mức nhiệt độ trung bình của tháng 4 trong giai đoạn từ năm 1991 đến 2020. Điều này đánh dấu 11 tháng liên tiếp nhiệt độ toàn cầu tăng cao lên mức chưa từng thấy.
Nhiều quốc gia tại châu Á đang phải vật lộn với cái nóng chết người, các trường học tại Bangladesh, Philippines phải đóng cửa, trong khi nhiều người dân tại Ấn Độ phải vật lộn để mưu sinh dưới cái nóng lên đến 43 độ C.
Để đối phó với tình trạng nắng nóng gay gắt, anh Khelji - một chủ cửa hàng xe máy ở thành phố Ahmedabad của Ấn Độ cho biết: “Hễ trời nóng, nhiệt độ lên tới trên 40 độ C là tôi lại phải mở vòi phun sương để làm mát xung quanh đây. Tôi muốn giúp mọi người tránh bị say nắng, tôi tình nguyện làm vậy để giúp mọi người xung quanh trong thời tiết oi bức này”.
Giới chuyên gia về thời tiết cho rằng, nhiệt độ toàn cầu tăng cao chưa từng thấy đang bị thúc đẩy bởi xu hướng nóng lên trên Trái Đất, chủ yếu do con người đốt nhiên liệu hóa thạch, kết hợp với El Nino, một hiện tượng khí hậu tự nhiên có xu hướng khiến nhiệt độ Trái Đất nóng lên. Và khi thế giới nóng hơn, cũng đồng nghĩa với việc có thể xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan hơn, bao gồm nhiệt độ cao và lượng mưa kỷ lục. Trong bối cảnh thế giới ngày càng chứng kiến những thay đổi thất thường của thời tiết, những tuần vừa qua dường như đã đưa những thái cực về môi trường đó lên mức báo động mới.
VOV