MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thời tới không cản nổi, lợi nhuận các doanh nghiệp găng tay y tế Việt Nam tăng phi mã lên vài trăm tỷ sau nhiều năm lãi "bèo bọt"

06-09-2021 - 08:54 AM | Doanh nghiệp

Thời tới không cản nổi, lợi nhuận các doanh nghiệp găng tay y tế Việt Nam tăng phi mã lên vài trăm tỷ sau nhiều năm lãi "bèo bọt"

Chia sẻ với báo giới, CEO VRG Khải Hoàn Dương Duy Phú cho biết trước khi có dịch Covid-19, nhà máy hoạt động khoảng 70-80% công suất (80% sản phẩm xuất khẩu, 20% bán trong nước). Sang năm 2020, trước nhu cầu đột biến của thị trường, nhà máy hoạt động 100% công suất với sản lượng 2,5 tỷ chiếc/năm. Thậm chí, Công ty có lúc phải từ chối đơn hàng găng tay cao su.

Dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt với sự xuất hiện của nhiều biến thể mang nguy cơ sát thương cũng như mức độ lây lan cao hơn, đang trở thành nỗi lo ngại của toàn thế giới về một đợt bùng dịch mới!. Tâm lý bi quan sớm phản ánh lên thị trường giao dịch hàng hoá cũng như cổ phiếu toàn cầu, đỉnh điểm từ phiên hôm 19/7/2021.

Riêng tại Việt Nam, từ cuối tháng 4/2021, Tp.HCM nói riêng và cả nước nói chung vẫn đang trong cuộc chiến bền bỉ với làn sóng bùng phát lần thứ tư nghiêm trọng hơn.

Những diễn biến của dịch bệnh đang tạo ra một sức nóng lớn về sản phẩm thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) trên toàn cầu. Trong đó, dù sớm chuẩn bị thông qua các kế hoạch M&A, mở rộng hợp tác xuyên biến giới nhằm gia tăng công suất sản xuất, các doanh nghiệp găng tay y tế tiếp tục đối mặt với sự gia tăng của nhu cầu thị trường.

Là một trong những quốc gia gia công hàng may mặc lớn, Việt Nam đang trở thành điểm đến cho cuộc đua sản xuất trong mảng găng tay y tế. Đơn cử, từ năm 2020, nhà sản xuất găng tay lớn nhất của Malaysia - Top Glove – lên kế hoạch mở nhà máy đầu tiên tại Việt Nam. Trong đó, Top Glove dự kiến đầu tư 24,5 triệu USD, nhà máy tại Việt Nam sẽ bắt đầu sản xuất găng tay PVC từ giữa năm 2020, sản lượng khoảng 4 tỷ chiếc/năm.

Mới nhất, tổ chức IFC - thành viên thuộc Ngân hàng Thế giới – cũng phát đi thông báo sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất PPE ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo ước tính IFC, tại Việt Nam, năng lực sản xuất PPE đã tăng mạnh với sản lượng tăng gấp 6 lần trong năm 2020 và nổi lên là một trong những nhà cung cấp PPE mới cho thị trường toàn cầu. Nguồn cung tăng mạnh này ban đầu xuất phát từ việc các công ty may mặc chuyển hướng sản xuất để đối phó với tình trạng khẩn cấp về y tế cũng như giảm thiểu các khoản lỗ do các đơn hàng may mặc bị hủy bỏ.

IFC cho rằng, nhu cầu sản phẩm PPE trên toàn cầu đã tăng gấp 3 - 4 lần giai đoạn 2019 - 2020 và dự kiến tiếp tục tăng từ 6 - 9%/năm tối thiểu cho đến năm 2025. Không chỉ doanh nghiệp ngoại, PPE cũng đang mở ra cơ hội cực kỳ lớn và có một không hai cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Thời tới không cản nổi, lợi nhuận các doanh nghiệp găng tay y tế Việt Nam tăng phi mã lên vài trăm tỷ sau nhiều năm lãi bèo bọt - Ảnh 1.

Một thống kê từ năm 2020, nguồn: VRG.

Đơn cử, CTCP VRG Khải Hoàn (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) – đơn vị sản xuất găng tay y tế có công suất lớn nhất Việt Nam với thương hiệu Vglove – hiện đã kín đơn hàng trong năm 2021 và chốt toàn bộ sản lượng đến năm 2022. Hầu hết hàng chủ yếu xuất đi sang các nước Mỹ, châu Âu, Nhật và phần còn lại phục vụ cho thị trường nội địa.

Chia sẻ với báo giới, CEO Dương Duy Phú cho biết trước khi có dịch Covid-19, nhà máy hoạt động khoảng 70-80% công suất (80% sản phẩm xuất khẩu, 20% bán trong nước). Sang năm 2020, trước nhu cầu đột biến của thị trường, nhà máy hoạt động 100% công suất với sản lượng 2,5 tỷ chiếc/năm. Thậm chí, Công ty có lúc phải từ chối đơn hàng.

Hiện, 30% sản phẩm Vglove phục vụ thị trường nội địa, trong đó có nhiều đơn hàng ưu đãi cho các bệnh viện; 70% còn lại chủ yếu xuất đi các thị trường như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand…

Cơ trong nguy từ dịch bệnh đã mang về cho VRG Khải Hoàn hơn 500 tỷ lợi nhuận trong năm 2020, cao đột biến từ trước đến nay, CEO phấn khởi chia sẻ.

Cũng theo vị này, găng tay y tế vẫn tiếp tục cao trong 5 năm tới, dù có thể giá không còn sốt như thời gian qua. Do đó, để đáp ứng nhu cầu mới của thị trường, VRG Khải Hoàn đã liên kết với đối tác để nâng công suất nhà máy lên 5 tỷ chiếc/năm (gấp đôi hiện tại) và dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 10/2021.

Thống kê chỉ số hoạt động của VRG Khải Hoàn cũng cho thấy, doanh thu năm 2020 tăng mạnh hơn gấp 2 lần, từ mức 884 tỷ lên 1.800 tỷ đồng. Thậm chí, lãi ròng thu về đạt đến 440 tỷ đồng, trong khi các năm liền trước đều đặn thu về chỉ 1 tỷ đồng/năm.

Một đơn vị khác, CTCP Găng Việt (VietGlove) cũng tăng gấp đôi doanh thu trong năm 2020, từ 807 tỷ (năm 2019) lên 1.533 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế nhảy vọt lên 361 tỷ đồng, cao gấp 32 lần con số lãi năm ngoái.

Thời tới không cản nổi, lợi nhuận các doanh nghiệp găng tay y tế Việt Nam tăng phi mã lên vài trăm tỷ sau nhiều năm lãi bèo bọt - Ảnh 2.

Được biết, VietGlove được xây dựng vào 2013 trên diện tích đất hơn 3ha, tọa lạc tại Khu công nghiệp Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Tổng số vốn đầu tư hơn 40 triệu USD, với gần 600 lao động.

Hiện, Công ty vận hàng tổng 10 dây chuyền sản xuất tự động, tổng năng suất sản xuất lên đến gần 200 triệu chiếc găng/ tháng tương ứng 2,4 tỷ chiếc mỗi năm. Trong đó, không chỉ phục vụ thị trường trong nước, sản phẩm VietGlove cũng đã đến được với khách hàng khó tính như Mỹ, Nhật, và Tây Âu.

Nhìn chung, có thể nói dù gây nên ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sức khoẻ và đặc biệt nền kinh tế toàn cầu, dịch bệnh cũng mở ra cơ hội cho nhiều mặt hàng liên quan. Thời tới cản không nổi, VRG Khải Hoàn và VietGlove không chỉ ghi nhận lãi lớn từ năm 2020, hiệu suất kinh doanh cũng được cải thiện đáng kể, từ mức sinh lời chỉ 1 con số đã tăng lên hàng chục % trên tổng doanh thu (biên lãi gộp từ mức 5% (năm 2019) lên hơn 32% (năm 2020)).

Tri Túc

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên