Thời trẻ phải đi nhặt ve chai kiếm sống, lúc về già lại được sống như triệu phú vì quyết định đầy cảm tính từ 27 năm trước
Quyết định cưu mang đứa trẻ bị bỏ rơi ven đường cách đây 27 năm khiến cuộc đời người đàn ông này thay đổi hoàn toàn.
- 13-08-2024Thuở còn trẻ là triệu phú nổi tiếng, tiền tiêu cả quyển, về già lại tay trắng bĩ cực: Khi có thành quả, đừng mù quáng tất tay đầu tư vào một thứ quá mơ hồ!
- 13-05-2024Cô vợ triệu phú từng được nhận 255 tỷ hồi môn nghĩ ra cách hiểm hóc nếu chồng ngoại tình khiến MXH đồng loạt: "Quá thông minh"
- 06-05-2024Nam sinh được trường Đại học Hà Nội cử đi thi "Ai là triệu phú", tâm sự về ước mơ nghề nghiệp và cái kết bất ngờ
Chú Vượng là một người đàn ông sinh ra và lớn lên ở tỉnh thôn Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Không được may mắn như những đứa trẻ khác, kể từ khi mới lọt lòng, chú đã bị bỏ rơi và được người dân trong làng gửi vào trại trẻ mồ côi.
Dù đã 65 tuổi, nhưng đến giờ này, chú Vượng vẫn không thể quên được cảm giác hụt hẫng xen lẫn chút ghen tị khi nhìn những người anh, chị, em trong trại trẻ được nhận nuôi. Chú cũng ước ao bản thân được một lần trải qua cảm giác có bố, có mẹ. Nhưng cuộc đời vẫn nhất quyết bất công với chú đến tận cùng.
Không có gia đình nào nhận nuôi chú Vương vì từ bé tới lớn, chú luôn là đứa trẻ còi cọc, thấp bé nhất ở trại trẻ mồ côi ấy. Cộng thêm làn da đen nhẻm, nhiều người đánh giá chú là đứa trẻ khó nuôi, hay ốm. Sự thật này, mãi tới khi trưởng thành, chú Vương mới thấm thía.
Đến năm 18 tuổi, khi đã qua độ tuổi được chính phủ trợ cấp nuôi dưỡng, chú Vương phải tự đi làm kiếm sống. Nhưng với chiều cao 1m50 và cân nặng 42kg, chú chẳng thể xin được bất kỳ công việc nào. Dù có tha thiết được làm việc đến đâu, người ta cũng chỉ đáp lại chú bằng những cái lắc đầu. Thậm chí, có người còn phũ phàng buông lời cay đắng: “18 tuổi mà trông èo uột yếu ớt thế kia thì nhận vào có ích gì”.
Cuối cùng, ở độ tuổi 18, chú Vương quyết định sống ở gầm cầu và đi nhặt ve chai để kiếm sống qua ngày.
01
Năm 1997, sau 20 năm làm nghề nhặt ve chai, bán phế liệu và sống ở gầm cầu, chú Vương đã có đủ tiền để thuê một ngôi nhà nhỏ ở tỉnh Hà Nam. So với nhiều người, cuộc sống của chú Vương khi ấy vẫn gói gọn trong một từ cực khổ, nhưng so với những ngày đầu tiên khi mới rời khỏi trại trẻ mồ côi, chú Vương cảm thấy đời mình cũng không đến nỗi nào.
Điều duy nhất khiến chú phiền lòng là cảm giác cô đơn chưa khi nào dịu lại. Hồi nhỏ thì cô đơn vì không có bố mẹ, trưởng thành thì cô đơn vì không đủ điều kiện để có một gia đình của riêng mình.
Khi ấy, ở độ tuổi 38, chú Vương đã nghĩ mình sẽ sống cô quanh cả đời. Ốm đau không ai chăm, có chết cũng chẳng ai biết. Nhưng lần này, cuộc đời có vẻ đã bắt đầu nương tay hơn với chú.
Vào một ngày tuyết phủ trắng xóa cả tỉnh Hà Nam năm 1997, trong lúc đi bới bãi rác, nhặt phế liệu, chú Vương nghe thấy tiếng trẻ con khóc như xé vải. Lần theo tiếng khóc, chú Vương thấy một bé gái sơ sinh bị bỏ trong thùng các tông bên vệ đường. Không suy nghĩ, chú ôm đứa bé vào lòng, bế về nhà và tự nhủ “từ nay đây sẽ là con gái mình”.
Sau khi chú Vương nhận nuôi đứa trẻ bị vứt bỏ này, không ít người hàng xóm buông lời xì xào, cho rằng một người đàn ông nhặt ve chai, lo thân còn chưa xong thì làm sao có thể nuôi nổi một đứa trẻ. Nhưng chú Vương chẳng bận tâm tới những tiếng vo ve ấy. Hàng ngày, chú địu con gái đi nhặt ve chai, Thời gian đầu, vì không có tiền nên chú chỉ có thể đun nước gạo cho con uống. Được một thời gian, có người thấy hoàn cảnh 2 cha con quá đáng thương nên đã rủ nhau mua sữa, tặng bỉm để hỗ trợ chú nuôi con.
Kể từ khi nhận nuôi đứa trẻ bị bỏ rơi này, chú Vương không chỉ đi nhặt ve chai mà còn đi cày ruộng, rửa bát thuê. Dù vất vả, cực nhọc đến đâu, chú Vương cũng không nản lòng, càng không có ý định bỏ rơi đứa trẻ đáng thương này.
Với chú, con gái chính là ánh dương rực rỡ sưởi ấm cuộc đời cô quạnh, bất hạnh của chú.
02
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, con gái chú Vương biết chạy, biết bập bẹ gọi cha và rồi cũng đến tuổi đi học. Dù cuộc sống bộn bề khó khăn, chú Vương vẫn nhất quyết cho con đi học bằng mọi giá. May mắn, vì bản thân từng là trẻ mồ côi, lại không có công việc ổn định nên chú được liệt vào danh sách hộ nghèo, nhà nước sẽ hỗ trợ học phí cho con gái của chú.
Đến khi con gái tốt nghiệp trung học, chú Vương rất muốn cho con học lên Đại học nhưng thực tình là không thể. Khi ấy, chú đã có tuổi, tiền kiếm được từ việc nhặt ve chai chỉ đủ ăn, không dư dả để trả nổi học phí ở những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải. Con gái chú cũng biết thương cha, nên học xong cấp 3, cô cũng lao đi kiếm tiền.
Ban đầu, con gái chú Vương chỉ làm phục vụ bàn cho quán ăn. Tháng lương đầu tiên được 800 NDT, cô quyết định mua tặng cha một chiếc nệm. Ngày nhận được món quà của con gái cũng là lần đầu tiên chú Vương có một giấc ngủ ngon trong mấy chục năm cuộc đời.
Làm phục vụ bàn được vài năm, con gái chú Vương gia nhập một công ty bán mỹ phẩm. Bản thân cô và cả người cha già cũng không thể ngờ đó là quyết định giúp cuộc sống của hai cha con bước sang một trang mới.
Thời điểm đó, xu hướng mua hàng trực tuyến bắt đầu nở rộ, ngành thương mại điện tử phát triển như vũ bão. Con gái chú Vương nắm bắt nhanh xu hướng này. Cô làm việc không quản ngày đêm, từ nhân viên thời vụ thành nhân viên chính thức, rồi lên trưởng nhóm và thăng chức thành quản lý, giám đốc khu vực chỉ trong vòng 2 năm.
Làm việc ở công ty đó thêm gần 2 năm nữa, con gái chú Vương quyết định thành lập công ty riêng. Công việc thuận lợi, con gái chú Vương quyết định mua 1 căn nhà ở thành phố và đón chú lên sống cùng. Cô cũng không tiếc tiền đưa cha đi du lịch bằng máy bay, ở trong những khách sạn 5 sao và thưởng thức những món ăn ngon nhất.
Ban đầu khi thấy con gái đột nhiên kiếm được nhiều tiền, chú Vương không hề vui mừng mà chỉ cảm thấy lo lắng. Cả đời nhặt ve chai kiếm từng đồng lẻ, chú Vương nghĩ rằng chỉ có làm những việc phi pháp mới có thể giàu lên nhanh chóng như vậy. Nhưng sau khi nghe con gái chia sẻ về công việc, đặc biệt là khi sống cùng con, chú mới dần an tâm, tận hưởng cuộc sống ấm no đủ đầy.
Cả đời vất vả, không ngại khó khăn để nuôi con gái, cuối cùng, chú Vương cũng đã được đền đáp. Dù con gái dư tiền mua cho chú những bộ quần áo hàng hiệu, những đôi giày vài triệu NDT, nhưng chú Vương vẫn duy trì thói quen cũ. Chú đi dép lê, mặc quần áo cũ, cùng con gái du lịch khắp thế giới.
Đi qua quá nửa cuộc đời, chú Vương mới thấm thía câu nói “trời không phụ lòng người”, cuộc đời lấy đi của bạn thứ này thì sẽ đền đáp cho bạn thứ khác. Cuối cùng, cảm giác hiu quạnh, tủi hờn mà chú phải chịu đựng suốt thời thơ ấu và những năm tháng tuổi trẻ cũng đã buông tha cho chú.
Theo Sohu
Nhịp sống thị trường