Thời 'tự tung tự tác' của Binance chấm dứt: Không còn vô sự sau nhiều năm lách luật, nếu bị kiểm soát sẽ tạo ra 1 cơn địa chấn
Sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới đang phải đối mặt với áp lực pháp lý ngày càng gia tăng.
- 31-03-2023Bí mật động trời về Binance: 6 năm che giấu hành tung, 'bịt miệng' nhân viên, khẳng định mình không phải công ty Trung Quốc
- 29-03-2023Nhà đầu tư rút hơn 2 tỷ USD khỏi Binance trước cáo buộc hoạt động bất hợp pháp
- 28-03-2023Nóng: Binance bị kiện ra tòa
Trong nhiều năm, Binance liên tục né tránh cơ quan quản lý và loạt quy tắc tài chính, song vẫn ‘bình an vô sự’.
Thực tế giờ đã khác. Sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới này đang phải đối mặt với áp lực pháp lý ngày càng gia tăng, sau khi hoạt động công ty bị Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) soi xét.
Changpeng Zhao, sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Binance, đã thuê luật sư bào chữa của công ty luật Latham & Watkins trong khi Bộ Tư pháp điều tra sàn giao dịch với cáo buộc rửa tiền. Tháng trước, Ủy ban Giao dịch hàng hóa Tương lai CFTC cũng cáo buộc CZ không tuân thủ quy định, đồng thời cho phép tội phạm rửa tiền trên Binance.
Binance theo đó đối mặt với giai đoạn khó khăn nhất lịch sử. Các cáo buộc hình sự đối với ông Zhao và công ty này có thể khiến thị trường tiền số hoảng loạn, nhất là sau sụp đổ của sàn giao dịch FTX. Được biết, Binance lớn hơn nhiều so với FTX và xử lý hàng chục tỷ USD giao dịch mỗi ngày.
Hilary Allen, một chuyên gia tiền số tại Đại học Mỹ cho biết: “Đây là sàn giao dịch tiền số lớn nhất và nếu nó bị kiểm soát thì chắc hẳn đây sẽ là một vấn đề lớn. Phần còn lại của ngành công nghiệp tiền số khó có thể bình an vô sự”.
Ông Zhao, 46 tuổi, phản ứng với scandal bằng cách cam kết giúp các cơ quan thực thi pháp luật ngăn chặn tội phạm tiền số. Các giám đốc điều hành của Binance đang gặp gỡ phóng viên để xoa dịu tình hình, trong khi chi nhánh ở Mỹ của Binance thành lập một ủy ban thúc đẩy chương trình nghị sự tại Washington.
Ông Zhao cho rằng vụ kiện của CFTC rất “bất ngờ và đáng thất vọng”, đồng thời mô tả nó như là một “câu chuyện không đầy đủ sự thật”. Phát ngôn viên Binance từ chối bình luận về các cuộc điều tra. Đại diện của Bộ Tư pháp, CFTC và SEC cũng có động thái tương tự.
“Thật không may, các nguồn ẩn danh đang trích dẫn những thông tin và sự kiện có tính sai lệch nghiêm trọng. Đây không phải là bức tranh chính xác về hoạt động của Binance”, CZ khẳng định.
Áp lực ngày càng tăng đối với Binance đã gây ra nhiều chấn động. Chi nhánh hoạt động tại Mỹ của sàn giao dịch này mới đây còn mất đi một đối tác ngân hàng lớn là Signature Bank - ngân hàng gặp khó khăn về tài chính và buộc ngừng hoạt động vào tháng trước. Binance cũng đã mất công ty kiểm toán Mazars vào năm ngoái sau khi doanh nghiệp này tuyên bố tạm dừng liên kết với các khách hàng tiền số.
Đa số khách hàng của Binance đều hoảng sợ. Chỉ trong 7 ngày cuối tháng 3, hơn 2 tỷ USD tiền số trên mạng Ethereum bị rút, theo công cụ theo dõi dữ liệu tiền số Nansen. Nansen cho biết Binance vẫn đang nắm giữ khoảng 66,5 tỷ USD của khách hàng.
Vụ kiện CFTC nhằm vào Binance đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh. Aitan Goelman, một đối tác tại công ty luật Zuckerman Spaeder, người trước đây từng là giám đốc thực thi của CFTC, cho biết mức độ vi phạm khiến Binance trở nên khác biệt so với các đồng tiền số khác. “Hành vi sai trái nghiêm trọng đến mức bạn nghĩ rằng Bộ Tư pháp sẽ quan tâm”, Aitan Goelman nói.
Tuy nhiên, Binance có một loạt các công ty luật phối hợp bảo vệ. CZ đã thuê ít nhất 4 luật sư của Latham & Watkins, theo hồ sơ tòa án.
Được thành lập vào năm 2017, Binance phát triển nhanh chóng bằng cách cho phép khách hàng thực hiện hình thức đặt cược rủi ro có đòn bẩy, khi tiền số vẫn chưa chính thức được công nhận tại Mỹ. Theo CCData, ⅔ các giao dịch tiền số đã diễn ra trên nền tảng Binance.
Trong giới tiền số, Zhao nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng như Bankman-Fried, song lại khó nắm bắt. Người đàn ông này là công dân Canada gốc Hoa, hiện dành phần lớn thời gian đi lại giữa Dubai và Paris. Nguồn tin thân cận cho biết ông Zhao đến Mỹ ít nhất 1 lần vào năm 2022.
Binance từ lâu đã bị cáo buộc vi phạm các quy tắc rửa tiền toàn cầu, đồng thời liên tục tìm cách trốn tránh quy định của giới chức. Nó không được phép hoạt động tại Mỹ, vì vậy Zhao thành lập Binance.US và cho biết nó hoạt động tách biệt với sàn giao dịch mẹ. Tuy nhiên, khách hàng của Binance.US vẫn có thể truy cập vào nền tảng chính bằng cách sử dụng mạng ảo ngụy trang.
Binance đã phải đối mặt với sự giám sát của cơ quan quản lý trong nhiều năm, trong đó có CFTC. Cơ quan này trước đó đã đệ đơn kiện các chi nhánh của Binance có trụ sở tại Quần đảo Cayman và Ireland; rằng ông Zhao phải chịu trách nhiệm với các lỗ hổng trên sàn tiền số lớn nhất thế giới.
CFTC cũng kiện cựu quan chức hàng đầu của Binance, Samuel Lim, tuyên bố rằng người đàn ông này đã giúp khách hàng Mỹ trốn tránh các hệ thống ngăn chặn rửa tiền.
Binance còn cho phép 3 công ty thương mại Mỹ giấu tên hoạt động trên nền tảng, bất chấp các quy định cấm.
Quay trở lại hồi năm 2017 - thời điểm Binance phát hành đồng tiền số của riêng mình có tên BNB và huy động được 15 triệu USD. Người dùng đến từ khắp mọi nơi, bao gồm cả những quốc gia có hệ thống tài chính kém phát triển hơn như Nam Phi hay Ấn Độ.
Sự bành trướng quá nhanh khiến Binance lọt vào tầm ngắm của giới chức quản lý. Mùa hè năm 2017, chính phủ Trung Quốc manh nha ban hành lệnh cấm đối với các sàn giao dịch tiền số do lo ngại chúng sẽ được sử dụng để chuyển tiền bất hợp pháp ra khỏi đất nước. Vào năm 2018, cơ quan quản lý tài chính Nhật Bản cũng cảnh báo Binance không nên thực hiện các giao dịch cho người dân nếu không có giấy phép.
“Khi một thứ gì đó trong hệ thống tài chính đang phát triển nhanh và không được kiểm soát, các cơ quan quản lý cần phải cần đặc biệt chú ý”, Jon Cunliffe, quan chức thuộc Ngân hàng Trung ương Anh, nói.
Theo: The New York Times, WSJ
Nhịp sống thị trường