Thông điệp ngừng chiến của ông Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo ở Matxcơva ngày 22-12 - Ảnh: REUTERS
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa khẳng định muốn chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine bằng phương án ngoại giao "càng sớm càng tốt".
- 11-10-2022Giữa lúc OPEC+ hứng chịu nhiều chỉ trích vì giảm sản lượng, Tổng thống UAE tới Nga để gặp ông Putin
- 02-10-2022Tổng thống Nga Putin gọi nhập ngũ thêm 120.000 công dân
- 16-09-2022Tổng thống Putin sắp có “vũ khí lợi hại” để đối phó phương Tây
Kể từ khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2-2022, ông Putin và các quan chức Nga không ít lần đề cập tới giải pháp chấm dứt xung đột bằng đàm phán. Và cũng giống như những lần trước, phương Tây không coi phát biểu của ông Putin hôm 22-12 là một đề nghị nghiêm túc.
Ai rồi cũng đàm phán!
Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho rằng ông Putin "hoàn toàn không cho thấy dấu hiệu sẵn sàng đàm phán", rằng lời nói và hành động trên thực địa của lãnh đạo Nga rất mâu thuẫn.
Có thể thấy phát biểu của ông Putin không lập tức tạo ra ảnh hưởng đáng kể nào lên cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay. Tuy nhiên đó là một thông điệp chạm vào vấn đề được quan tâm nhất ở phương Tây.
Đầu tiên, dư luận chú ý tới phản ứng của Nga sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kết thúc chuyến thăm Mỹ. Ở Washington, ông Zelensky được chào đón cùng các thỏa thuận hỗ trợ Ukraine tiếp tục cuộc chiến, bao gồm việc cung cấp hệ thống tên lửa tiên tiến Patriot.
Chữ "đàm phán" mà ông Putin nhắc lại ngay sau chuyến đi của ông Zelensky được giới quan sát phương Tây nhìn nhận như một cách đá "quả bóng" sang phần sân Ukraine: đàm phán hay xung đột, hòa bình hay không là quyết định của Ukraine. Các động thái như việc Ukraine nhận tên lửa Patriot với Nga là một biểu hiện đẩy căng thẳng leo thang, kéo dài cuộc chiến.
Thứ hai, ông Putin hiểu rõ có những bất đồng về cách thức chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine trong nội bộ Mỹ cũng như châu Âu.
Cuộc giao tranh này đã tác động tệ hại lên kinh tế toàn cầu vốn đang chịu nhiều áp lực từ dịch COVID-19, lạm phát, và giá năng lượng tăng. Viện trợ cho Ukraine vì vậy trở thành gánh nặng.
Trong khi Ukraine dĩ nhiên phải chiến đấu đến cùng, các bên viện trợ lại muốn chấm dứt chiến tranh sớm, hoặc cực đoan hơn, như Dân biểu Andy Biggs (Đảng Cộng hòa) tại Arizona, còn kêu gọi chấm dứt viện trợ cho Ukraine. Vừa qua ông Zelensky đến gặp các thành viên Quốc hội Mỹ cũng để nhằm kêu gọi sự kiên nhẫn ở những nghị sĩ như ông Biggs.
Trong phát biểu nêu trên, ông Putin đã ngầm "nhắc nhở" các bên rằng kết cục của tất cả các loại xung đột đều là đàm phán ngoại giao, vì vậy tại sao không đàm phán sớm để đỡ tổn thất!
"Sớm hay muộn, mọi bên trong một xung đột đều ngồi lại để thỏa thuận. Đối với những người chống lại chúng tôi, việc họ nhận ra điều này càng sớm sẽ càng tốt thôi", tổng thống Nga nói.
Ván cờ cân não
Dấu hỏi lớn nhất vào lúc này là bao giờ xung đột Ukraine chấm dứt, và nó có thể chấm dứt bằng cách nào. Học giả và quan chức Mỹ thời gian qua đã tố cáo Nga cố tình câu giờ, kéo dài cuộc chiến nhằm khiến Ukraine kiệt quệ và các nước phương Tây cạn kiên nhẫn. Đây là kịch bản tệ nhất cho những người ủng hộ Ukraine.
Vấn đề ở chỗ liệu Ukraine có chấp nhận đàm phán khi Nga kiên quyết giữ các vùng sáp nhập "mãi mãi" hay không. Kịch bản dễ chịu nhất cho phương Tây là gây áp lực buộc Nga xuống thang, đàm phán trong thế bất lợi, hoặc nhượng bộ ở một mức nào đó được Ukraine chấp thuận. Nhưng đến thời điểm này, dường như Matxcơva chưa có dấu hiệu chùn bước.
Khi phương Tây áp mức giá trần với dầu Nga, Matxcơva phản ứng bằng cách dọa cắt giảm sản lượng. Phát biểu trên truyền hình ngày 23-12, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Nga có khả năng cắt sản lượng từ 5 - 7% trong đầu năm 2023, đồng thời ngừng bán cho các nước ủng hộ giá trần nói trên.
Nếu Nga giảm sản lượng, trong khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng đã giảm, giá dầu sẽ tăng. Hiện tại châu Âu chưa có phương án tốt hơn để thay thế dầu Nga ngay lập tức. Việc giá dầu tăng sẽ ảnh hưởng tới hàng loạt chi phí khác, và đây là lúc các bên thử thách sức chịu đựng của nhau.
Ông Harlan Ullman, cố vấn cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Atlantic Council, cho rằng hiện nay chiến lược của Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu là cung cấp viện trợ quân sự và phi quân sự cho Ukraine. Các viện trợ này có thể giúp Ukraine chống trả, nhưng không đủ để đẩy Nga ra khỏi các khu vực họ đã kiểm soát như Crimea hay Donbass. Kể cả hệ thống Patriot cũng chỉ đóng vai trò tín hiệu chính trị hơn là tác động chiến thuật trên thực địa, theo ông Ullman.
tuổi trẻ