Thống đốc: 22 ngân hàng cho các dự án BOT, BT giao thông vay hơn 92.000 tỷ, trong đó nợ xấu chiếm 3,83%, nợ nhóm 2 tới 26,52%
Đây là thông tin được Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết tại Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 6/11.
- 06-11-2023Đại biểu chất vấn lý do tăng trưởng tín dụng thấp và lộ trình xóa bỏ cơ chế phân bổ room tín dụng, Thống đốc nói gì?
- 04-11-2023Tăng khả năng tiếp cận tín dụng kinh doanh, đầu tư vẫn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng
- 04-11-2023Tăng trưởng tín dụng chậm, ngân hàng ngay ngáy lo đọng vốn
Chiều 06/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục tiến hành Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn.
Trong phiên chất vấn chiều nay, các Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục trả lời các câu hỏi cũng như làm rõ các vấn đề đang tranh luận liên quan đến nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp: gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) cho biết, các dự án hạ tầng giao thông có tổng mức đầu tư lớn. Bởi vậy, bên cạnh nguồn vốn ngân sách, cần huy động thêm các nguồn lực khác để thực hiện. Tuy nhiên, các dự án giao thông lớn, trọng điểm hiện nay chủ yếu đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công.
"Một trong các nguyên nhân là do huy động nguồn vốn tín dụng ngân hàng còn gặp khó khăn", đại biểu Thắng nêu và đề nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp để tháo gỡ, thu hút các nguồn vốn tín dụng cho đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trong thời gian tới.
Trả lời về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhu cầu vốn cho những các dự án về cơ sở hạ tầng giao thông cần khối lượng vốn rất lớn và với kỳ hạn dài trong khi tính chất nguồn vốn của hệ thống tổ chức tín dụng là nguồn vốn huy động ngắn hạn nên việc cho vay với khối lượng lớn và dài hạn cũng bị ràng buộc bởi tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
"Vừa qua, kinh nghiệm từ việc đổ vỡ của các ngân hàng tại Mỹ cho thấy, nếu huy động bằng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có thể dẫn tới rủi ro và hệ lụy cho ngân hàng", Bà Hồng cho biết.
Theo Thống đốc, tính đến ngày 30/9, có 22 tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, tổng dư nợ 92.319 tỷ đồng, chiếm 0,72% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, điều đáng chú ý nợ xấu chiếm 3,83%, đáng chú ý nữa, nợ nhóm 2 chiếm đến 26,52% - đây là nhóm nợ sát với nợ nhóm 3 - nợ xấu. Nguyên nhân chủ yếu là các phương án tài chính của các dự án thường không đúng như với phương án tài chính xây dựng ban đầu.
"Do vậy, chính sách huy động vốn cũng cần phải huy động nhiều nguồn lực tài chính khác, kể cả là trong nước và nước ngoài", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Nhịp sống Thị trường