Thông luồng hàng hải Quy Nhơn sau 40 ngày ách tắc
Sau khoảng 40 ngày ách tắc, luồng hàng hải Quy Nhơn, tỉnh Bình Định chính thức được khơi thông trở lại để đón những con tàu lớn hoạt động bình thường như trước đây.
Chiều 13-12, Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn ra thông báo mới về khai thác luồng hàng hải Quy Nhơn trong điều kiện khí hậu thủy văn khu vực bình thường. Cụ thể, luồng hàng hải Quy Nhơn là luồng hàng hải một chiều, có độ sâu 9m, được phép đón tàu có chiều dài đến 200m, trọng tải từ 30.000-50.000 tấn vào luồng 24/24 giờ. Trong điều kiện thời tiết bất lợi và trường hợp không nằm trong quy định trên, giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn sẽ quyết định cho từng trường hợp cụ thể.
Tàu hàng bị chìm trên luồng hàng hải Quy Nhơn khiến nhiều tàu lớn không ra vào được cảng
Trước đó, sáng 4-11, cơn bão số 12 đã nhấn chìm 9 tàu hàng đang neo đậu tại phao số 0 trên vùng biển Quy Nhơn, làm 13 thuyền viên bị chết và mất tích. Sự cố này đã khiến các tàu có tải trọng 30.000 - 50.000 tấn không vào được cảng Quy Nhơn bình thường như trước đây, do luồng hàng hải bị thu hẹp. Đặc biệt, vị trí tàu Biển Bắc 16 bị chìm án ngữ ngay khu vực luồng, trong khi đó công tác trục vớt quá chậm khiến lưu thông hàng hải bị ảnh hưởng, gây thiệt hại đáng kể cho lĩnh vực vận tải biển.
Trước tình trạng trên, Cục Hàng hải Việt Nam đã quyết định tạm dịch luồng hàng hải Quy Nhơn về phía bên trái tàu Biển Bắc 16 bị chìm nằm án ngữ ở luồng cảng. Ngay sau đó, đơn vị được giao nhiệm vụ nạo vét là Công ty Cổ phần Nạo vét đường biển 1 đã sử dụng các tàu hút, xả đáy cùng hơn 70 cán bộ, công nhân viên khẩn trương thực hiện công tác nạo vét.
Hiện công tác tìm kiếm 5 thuyền viên trên tàu hàng Jupiter mất tích trong cơn bão số 12 vẫn đang được triển khai trên vùng biển Quy Nhơn
Trong một diễn biến khác, hiện toàn bộ tàu chìm ở vùng biển Quy Nhơn trong cơn bão số 12 đã hoàn thành việc hút dầu an toàn, không còn nguy cơ tràn dầu. Cơ quan chức năng đã phê duyệt phương án trục vớt 5 tàu, riêng tàu Jupiter vẫn đang tìm kiếm 5 thuyền viên mất tích nên chưa trình phương án trục vớt. Đây được xem là vụ chìm tàu lớn nhất của ngành Hàng hải Việt Nam từ trước đến nay.
Người lao động