Thông qua Luật Đấu giá tài sản: Giữ quy định đấu giá nợ xấu
Gồm 8 chương, 81 điều, Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017...
- 06-11-2016Nợ xấu ngân hàng “cấp độ thứ ba”
- 04-11-201613 ngân hàng với gánh nặng 48 nghìn tỷ nợ xấu
- 03-11-20165 năm nợ xấu và những con số
- 03-11-2016Đại biểu Quốc hội: Cần giải pháp hữu hiệu đối với xử lý nợ xấu
Với đa số phiếu thuận, chiều 17/11 Quốc hội đã thông qua Luật Đấu giá tài sản.
Một trong những nội dung còn ý kiến nhiều chiều khi thảo luận là đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với dự thảo luật quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC).
Một số ý kiến đề nghị không quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cũng như các quyền, nghĩa vụ liên quan đến đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để đảm bảo cơ chế thị trường và nguyên tắc đấu giá theo quy định của luật này.
Tại báo cáo giải trình, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dẫn yêu cầu tại nghị quyết Trung ương 4, nhấn mạnh việc giao thẩm quyền và nâng cao năng lực của VAMC trong mua bán nợ theo giá thị trường gắn với xử lý tài sản thế chấp, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ nợ. Đồng thời, bố trí nguồn lực phù hợp để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu trong nền kinh tế.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, giữ quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam tại dự thảo luật.
Và bổ sung tại một số điều, khoản quy định chung một cách chặt chẽ, minh bạch, khách quan, tránh thất thoát tài sản Nhà nước, tăng cường trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và cơ quan có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm nợ xấu của tổ chức này.
Cụ thể là không cho phép tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam bán đấu giá theo trình tự, thủ tục rút gọn. Mà, giao Chính phủ quy định chi tiết việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn.
Đồng thời bổ sung nghĩa vụ của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam ngoài các nghĩa vụ như yêu cầu cuộc đấu giá phải do đấu giá viên điều hành nhằm đề cao trách nhiệm cá nhân...
Theo hướng này, dự thảo luật giữ mục 3, chương 4 về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Theo điều 65 quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng trong hoạt động đấu giá tài sản thì tổ chức này có nghĩa vụ báo cáo Bộ Tư pháp và Ngân hàng nhà nước Việt Nam hoạt động đấu giá tài sản định kỳ hàng năm hoặc trong trường hợp đột xuất theo yêu cầu.
Biểu quyết riêng về điều 65, có 15 vị đại biểu không tán thành, 5 vị không biểu quyết, 413 vị tán thành.
Gồm 8 chương, 81 điều, Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017.
VnEconomy