MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thông tin chính thức nguyên nhân giá thanh long thê thảm

21-11-2018 - 11:41 AM | Thị trường

Ngày 21-11, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn trả lời đại biểu HĐND tỉnh liên quan đến việc trái thanh long rớt giá thê thảm, thậm chí phải bỏ cho trâu bò, gia súc ăn vào tháng 9-2018.

Cụ thể, HĐND tỉnh yêu cầu trả lời việc trái thanh long rớt giá sâu nhưng các ngành của tỉnh phản ứng rất chậm và bị động, phải chờ Bộ NN&PTNT lên tiếng thì mới thấy tình hình ổn định lại. Trách nhiệm của UBND tỉnh về vấn đề này, đặc biệt là Sở Công Thương được giao nhiệm vụ xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, hàng năm được tỉnh giao nhiệm vụ và thường đi nước ngoài xúc tiến thương mại, trách nhiệm và giải pháp thời gian tới thế nào?

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, những năm trước đây, vào dịp tết Trung thu giá thanh long thường khá cao nên một số nông dân bố trí chong đèn để thu hoạch và bán vào dịp này. Năm 2018, mặc dù đang là giai đoạn cuối mùa chính vụ nhưng do thời tiết thuận lợi nên thanh long ra hoa rất nhiều.

Do trùng hợp cả hàng chính vụ (hàng mùa) với hàng chong đèn nên trong giai đoạn cuối tháng 9-2018 đến khoảng 10 ngày đầu tháng 1-2018, sản lượng thanh long cho thu hoạch khá lớn, ước có trên 120 ngàn tấn thanh long.

Không riêng tại Bình Thuận, hai tỉnh Long An và Tiền Giang, sản lượng thanh long thu hoạch vào giai đoạn này cũng khá lớn (Long An khoảng 50.000 tấn, Tiền Giang khoảng 30.000 tấn).

Việc tăng sản lượng đột biến trong khoảng thời gian ngắn, với thị trường tiêu thụ chủ lực là Trung Quốc . Trong khi giai đoạn này lại trùng với Lễ Quốc khánh của Trung Quốc (1-10) nên các thương nhân Trung Quốc nghỉ lễ và tạm ngừng các hoạt động kinh doanh (nghỉ trên 10 ngày).

Kể cả việc thông quan hàng hóa cũng khó khăn (các cơ quan chức năng của Trung Quốc: Hải quan, Kiểm dịch… cũng nghỉ lễ) nên lượng thanh long tồn đọng ngày càng nhiều.

Ngoài ra, qua thống kê, trên địa bàn tỉnh có gần 100 doanh nghiệp, cơ sở thu mua, sơ chế đóng gói có kho lạnh với tổng sức chứa khoảng 20 ngàn tấn.

Các doanh nghiệp kinh doanh thanh long của tỉnh mặc dù tập trung thu mua nhưng do sản lượng sản xuất quá lớn, thị trường tiêu thụ bị ách tắc nên các kho lạnh dự trữ đầy, buôn bán cầm chừng nên giá xuống thấp.

Từ nhiều lý do trên, việc tiêu thụ gặp khó khăn nên đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ, nhiều nông dân phải cắt bỏ trái vì không có người mua. Giá thu mua càng ngày càng sụt giảm, từ 5 - 7 ngàn đồng/kg giảm xuống 2-3 ngàn rồi 1 - 2 ngàn đồng/kg nhưng cũng không ai mua.

Ngoài ra, trong vài năm gần đây, nhiều diện tích thanh long bị nhiễm các loại nấm bệnh, đặc biệt là thán thư, đốm nâu nhất là trong mùa mưa nên trái thanh long rất dễ bị hư, thối, do đó các doanh nghiệp không dám ký kết hợp đồng xuất khẩu thanh long vào các thị trường có thời gian vận chuyển dài ngày.

Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc tiêu thụ với số lượng nhiều, yêu cầu về mẫu mã, chất lượng cũng không cao, loại thanh long bị nhiễm nấm nhẹ vẫn tiêu thụ… nên các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu thanh long vào thị trường Trung Quốc; thanh long xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường khác (Singapore, malaysia, Indonesia, UAE…) ngày càng ít dần đi.

Các cơ sở chế biến các sản phẩm từ trái thanh long (rượu thanh long, thanh long sấy khô, sấy dẻo, nước ép thanh long…) công suất chế biến quá nhỏ, tiêu thụ thanh long tươi với sản lượng không đáng kể.

Trước thực trạng trên, nhiều cơ sở thu mua thanh long đã chủ động thu mua và vận chuyển thanh long đến gần các khu đông dân cư, khu công nghiệp,… ở các tỉnh để bán, số lượng tiêu thụ cũng vài chục tấn/ngày.

Đồng thời, nhằm tăng cường hỗ trợ nông dân tiêu thụ thanh long, Sở Công thương đã đề nghị Liên hiệp HTX Thương mại thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các siêu thị trong hệ thống Coopmart tăng cường các hoạt động kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ thanh long Bình Thuận ; giới thiệu doanh nghiệp kết nối với mạng lưới siêu thị Big C…

Tuy nhiên, với sản lượng sản xuất quá lớn và thu hoạch rộ trong cùng một thời điểm nên việc tồn đọng thanh long là không thể tránh khỏi; việc triển khai thực hiện các giải pháp “giải cứu” chỉ góp phần tăng thêm số lượng tiêu thụ nhưng không đáng kể so với sản lượng thu hoạch vừa qua.

Kể từ ngày 8-10-2018, trái thanh long trên vườn hầu như không còn và cho đến nay giá đã tăng lên, dao động từ 8.000 - 12.000 đồng/kg (tuỳ loại) và sau đó tiếp tục tăng lên 16.000 - 18.000 đồng/kg.

Trong thời gian đến, nhằm hạn chế sản lượng thanh long tăng đột biến trong thời gian ngắn, tránh tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ, phát triển thanh long bền vững, nâng cao năng suất chất lượng, đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương , Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Hội Nông dân tỉnh, Hiệp hội thanh long khuyến cáo đến người dân cần bố trí sản xuất rải vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất và tiêu thụ theo mô hình chuỗi liên kết để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Đồng thời, tích cực tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thanh long đầu tư xây dựng, mở rộng các kho lạnh bảo quản thanh long nhằm tăng khả năng dự trữ để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và góp phần khắc phục việc hư hại khi thanh long trúng mùa, thu hoạch rộ.

Thông tin chính thức nguyên nhân giá thanh long thê thảm - Ảnh 1.

Thanh long đổ cho bò ăn. Ảnh FB

Thông tin chính thức nguyên nhân giá thanh long thê thảm - Ảnh 2.

Nhiều nơi ở Bình Thuận do thanh long không ai mua phải tìm nơi đổ cho gia súc ăn. Ảnh PN

Theo Phương Nam

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên