MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thông tin được giải toả, vì sao VN-Index vẫn mất 46 điểm với hàng loạt mã giảm sàn?

Thông tin được giải toả, vì sao VN-Index vẫn mất 46 điểm với hàng loạt mã giảm sàn?

Mặc dù thông tin đã được giải toả, song tâm lý nhà đầu tư có vẻ vẫn chưa được “cởi trói”. VN-Index đóng cửa với mức giảm mạnh hơn 46,21 điểm (4,19%) xuống 1.055 điểm.

Cú “đánh úp” của VN-Index trong phiên sáng 26/10 khiến giới đầu tư choáng váng không hiểu có chuyện gì đang xảy ra. Tâm lý thận trọng kích hoạt lực bán bung mạnh sau phiên ATO.

Tâm điểm dồn về cổ phiếu VHM khi bị bán mạnh ngay đầu phiên xuống mức giá sàn với lượng chất sàn lên đến hơn 20 triệu cổ phiếu, trong khi khớp lệnh chỉ hơn 6 triệu đơn vị. Hai thành viên còn lại cũng thuộc "họ Vin" gồm VIC và VRE cũng đồng loạt “nằm sàn”. Diễn biến trồi sụt bất ngờ của nhóm cổ phiếu này tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư và kéo thị trường giảm sâu.

Thông tin được cho là tác động đến nhóm cổ phiếu này là việc Vingroup hoàn thành giao dịch chào bán 250 triệu USD trái phiếu quốc tế vào tối ngày 25/10. Trái phiếu này có thể hoán đổi thành cổ phiếu Vinhomes do Vingroup sở hữu, đáo hạn vào năm 2028.

Ngay sau đó, đại diện Vingroup đã lên tiếng giải thích lệnh bán sàn sáng nay cổ phiếu VHM là do việc bán Hedging giữa các nhà đầu tư với một số lượng hạn chế, và Vinhomes không phát hành thêm cổ phần mới nên không có pha loãng. Thêm vào đó, nhà đầu tư trái phiếu hoán đổi cũng đã tìm được nhà đầu tư cho đa số khối lượng cổ phiếu cần bán, nên ảnh hưởng đến thị trường được đánh giá sẽ ngắn hạn và không đáng kể.

Mặc dù thông tin đã được giải toả, song tâm lý nhà đầu tư có vẻ vẫn chưa được “cởi trói”. VN-Index đóng cửa với mức giảm mạnh hơn 46,21 điểm (4,19%) xuống 1.055 điểm. Toàn bộ thị trường được nhuộm màu đỏ với gần 932 cổ phiếu giảm giá, trong đó có đến 172 mã giảm sàn. Đây cũng là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số từ sau phiên giảm 55 điểm điểm ngày 18/8, toàn bộ thành quả tăng giá của thị trường trong nửa năm trở lại đây gần như đã bị xóa sạch.

Thông tin được giải toả, vì sao VN-Index vẫn mất 46 điểm với hàng loạt mã giảm sàn? - Ảnh 1.

Diễn biến giảm sốc này kích hoạt lực cầu bắt đáy, đẩy thanh khoản thị trường tăng cao với khối lượng giao dịch vượt ngưỡng 1,1 tỷ cổ phiếu, giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE đạt 22.200 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với phiên trước đó.

Lý giải về phiên giao dịch biến động, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng nguyên nhân chính là tác động tâm lý kém tích cực từ cổ phiếu và nhóm cổ phiếu dẫn đầu thị trường. Mặt khác, trong bối cảnh tin xấu bủa vây khi thị trường chứng khoán thế giới trồi sụt, căng thẳng địa chính trị còn nhiều ẩn số, lợi suất trái phiếu, đồng Dollar Index tăng mạnh, chỉ một thông tin kém tích cực cũng có thể kích hoạt đà bán lan trên diện rộng.

Về tác động từ cổ phiếu VHM, sau khi Vingroup công bố thông tin về việc kết quả phát hành trái phiếu, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng cổ phiếu VHM sẽ thu hút dòng tiền vào “đỡ giá”, song thực tế hàng chục triệu cổ phiếu vẫn chất tại giá sàn khiến tâm lý nhà đầu tư chưa được giải toả. Ngoài ra, nhiều lo ngại về 250 triệu USD trái phiếu hoán đổi ra lượng cổ phiếu VHM là rất lớn nên có thể tạo áp lực không nhỏ.

Tuy nhiên, theo quan sát của ông Minh, thị giá VHM đang dần về đáy thấp nhất từ đầu năm và cổ phiếu này có thể sẽ có lực cầu xuất hiện, khi đó thị trường có "cửa" hồi phục kỹ thuật.

Thanh khoản tăng cao cho thấy dòng tiền lớn cũng dần nhập cuộc. Tuy nhiên, sau chuỗi giảm mạnh, giá đi trước khối lượng và cần xuất hiện tuần thanh khoản tăng 30-50% so với trung bình 1 tháng (4-5 tuần) để xác nhận lực cầu xuất hiện và khả năng thị trường tạo đáy. Đặc biệt, dòng tiền chỉ thực sự tự tin trở lại khi hàng T+ về có lãi, do đó cần quan sát thêm diễn biến thị trường trong vài phiên tới.

Theo chuyên gia, điểm sáng là VN-Index vẫn giữ được vùng 1.050 – 1.060 và nhìn lại lịch sử lực cầu tại vùng này khá tốt. Khi thị trường đi vào vùng quá bán sẽ kích hoạt dòng tiền bắt đáy nhập cuộc.

Mai Chi

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên