MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thông tin mới nhất về siêu dự án tháp phật giáo cao nhất thế giới của Tỷ Phú Xuân Trường

08-06-2016 - 09:12 AM | Bất động sản

Mục tiêu triển khai dự án ngay trong năm nay của tỷ phú Xuân Trường đã sắp tới đích khi UBND tinh Thái Nguyên đã đồng ý ứng vốn xây dựng đường vào Đền Gàn-Hồ Núi Cốc, khu vực sẽ đặt tháp phật giáo cao nhất thế giới.

Mới đây có thông tin tỷ phú Xuân Trường - Giám đốc Công ty Xuân Trường sẽ xây dựng Tháp phật giáo cao nhất thế giới 10 nghìn tỷ đồng tại khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc, Thái Nguyên đã gây xôn xao dư luận.

Theo như kế hoạch thiết kế xây dựng, thuyết trình và mô hình Tháp của tỷ phú Xuân Trường thì chùa Tháp tại tỉnh Thái Nguyên sẽ là chùa Tháp hội tụ đầy đủ linh khí của đất nước Việt Nam và sẽ là một Tháp phật giáo lớn nhất thế giới.

Chùa Tháp có chiều cao 150m, nền móng Tháp có diện tích 10.000m2. Chùa Tháp được thiết kế bằng cách đổ bê tông phần thô (do thợ Việt Nam đảm nhiệm), còn toàn bộ nội thất trang trí bên trong và bên ngoài Tháp sẽ do các nghệ nhân, thợ của 2 nước Indonesia và Ấn Độ chế tác tại nước Indonesia, Ấn Độ. Riêng phần móng của Tháp là do các chuyên gia và thợ của Nhật Bản đảm nhiệm.

Chùa Tháp Phật giáo cao nhất thế giới dự kiến được đặt tại khu vực Đền Gàn, thuộc xóm 10, xã Vạn Thọ (Đại Từ). Có hai cách để đi đến Đền Gàn: một là đi cano từ Bến thuyền Du lịch Hồ Núi Cốc, hai là từ tỉnh lộ 261 đi theo một con đường đất nhỏ ven hồ.

Nhà đầu tư cũng đặt mục tiêu đặt móng công trình này ngay trong năm 2016, phần thô sẽ được làm xong trong 5 năm để đón khách vãng cảnh, bái Phật và sẽ hoàn thành chùa Tháp trong vòng 10 năm.

Mục tiêu triển khai dự án ngay trong năm nay của tỷ phú Xuân Trường đã sắp tới đích khi UBND tinh Thái Nguyên đã đồng ý ứng vốn xây dựng đường vào Đền Gàn-Hồ Núi Cốc, khu vực sẽ đặt tháp phật giáo cao nhất thế giới.

Cụ thể, theo thông tin từ UBND tỉnh Thái Nguyên, trong cuộc họp ngày 5/6 Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc đã yêu cầu Sở Tài chính và Sở Kế hoạch & Đầu tư cân đối nguồn lực thực hiện ứng vốn đầu tư cho công trình giao thông đường vào Đền Gàn do doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư.

Trước đó, Xuân Trường đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh tạm ứng nguồn kinh phí khoảng 20 tỷ đồng để có thể triển khai việc giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ.

Ngay sau khi UBND tỉnh Thái Nguyên đồng ý ứng vốn cho dự án hạ tầng vào khu Hồ Núi Cốc, ngày 6/6 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đoàn Văn Tuấn đã có cuộc họp yêu các sở, ngành, địa phương yêu cầu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đoạn đường trục nối ĐT.261 với Hồ Núi Cốc vào đến đền Gàn trước ngày 30/6 và khu diện tích xây dựng siêu dự án khu du lịch Hồ Núi Cốc 200ha trước ngày 30/7.

Được biết, đường ven hồ, đoạn từ Đền Gàn đến đầu đường trục nối ĐT.261 với Hồ Núi Cốc (đường 27m) được thiết kế theo hạng đường phố gom, cấp kỹ thuật 50, tốc độ 50km/giờ. Nền đường có bề rộng 27m, bề rộng mặt đường 15m (có đan rãnh hai bên); hệ thống thoát ngang có 11 vị trí xây cống và 1 vị trí xây dựng cầu có khẩu độ dài 66m... Tổng chiều dài của tuyến đường ven Hồ Núi Cốc khoảng 2,66km, điểm đầu giao với đường trục nối ĐT.261 với hồ Núi Cốc, điểm cuối tại Đền Gàn.

Hiện tại, dự án đường trục nối ĐT.261 với Hồ Núi Cốc và dự án đường ven hồ đoạn từ đường trục nối ĐT.261 với Hồ Núi Cốc đến khu vực đền Gàn đã được Sở Giao thông vận tải triển khai xong công tác khảo sát thiết kế lập dự án đầu tư và công tác cắm cọc giải phóng mặt; việc trích đo bản đồ địa chính cũng đang được triển khai. Tuy nhiên, do chưa được bố trí nguồn vốn nên công tác giải phóng mặt bằng chưa được triển khai.

Dự kiến, mức kinh phí đầu tư xây dựng 2 công trình đường trục và đường ven hồ trong vùng Dự án xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc gần 500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.

Lan Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên