Thông tin mới nhất về việc đưa Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ lên thành phố
Theo đó, định hướng huyện Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh sẽ phát triển thành TP trực thuộc Tp.HCM và huyện Nhà Bè sẽ phát triền thành quận đô thị vệ tinh và đặt mục tiêu duyệt quy hoạch lên quận cho huyện Nhà Bè trước năm 2025.
Sáng 2/6, tại hội nghị triển khai các đề án khoa học thuộc đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc TP trực thuộc Tp.HCM giai đoạn 2021-2023 vấn đề này tiếp tục được đề cập.
Theo đó, định hướng huyện Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh sẽ phát triển thành TP trực thuộc Tp.HCM và huyện Nhà Bè sẽ phát triền thành quận đô thị vệ tinh và đặt mục tiêu duyệt quy hoạch lên quận cho huyện Nhà Bè trước năm 2025.
Theo PGS.TS Vũ Tấn Hưng, phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ kiêm phó giám đốc Học viện Khoa học xã hội trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhu cầu chuyển đổi và nâng cấp các đơn vị hành chính từ huyện lên quận hoặc thành phố trực thuộc Tp.HCM ngày càng trở nên cấp thiết.
Qua đối chiếu các tiêu chuẩn khi chuyển huyện thành quận hoặc thành phố, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè đã đạt phần lớn tiêu chí nhưng vẫn còn nhiều tiêu chí chưa đạt.
Trong đó, huyện Bình Chánh là địa phương đạt nhiều tiêu chí nhất với 26/30 tiêu chí, huyện Cần Giờ là địa phương đạt thấp nhất chỉ có 19/30 tiêu chí. Việc chuyển huyện thành quận hoặc thành phố sẽ thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thu hút nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện thể chế và cơ cấu tổ chức tinh gọn.
Theo đề án, Huyện Bình Chánh định hướng chuyển huyện thành TP trực thuộc Tp.HCM giai đoạn 2021-2025. Theo đó, huyện này đề ra các chương trình đột phá gồm chương trình đột phá đổi mới phát triển, đột phá hạ tầng, phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản phẩm chủ lực…
Huyện Cần Giờ phát triển thành TP trực thuộc Tp.HCM, phát triển thành phố xanh, du lịch sinh thái thân thiện môi trường, trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao, có đủ sức cạnh tranh và thu hút khách du lịch với các trung tâm du lịch khác tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Huyện Củ Chi đề xuất phát triển thành TP trực thuộc Tp.HCM. Huyện định hướng phát triển đô thị sinh thái thông minh, phát triển các khu du lịch sinh thái ven sông; xây dựng, phát triển các trung tâm khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị...
Huyện Hóc Môn định hướng phát triển thành TP thuộc Tp.HCM giai đoạn 2021-2030. Huyện sẽ phát triển thương mại, dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp. Tận dụng tiềm năng đất đai và nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị; phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển ngành logistic.
Trong khi đó, huyện Nhà Bè định hướng phát triển thành quận đô thị vệ tinh. Huyện này đang tập trung xây dựng quy hoạch đô thị mang tính chiến lược, linh hoạt có tính đa địa phương, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và lành mạnh, giao thông thông suốt, tập trung xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số.
Theo các chuyên gia, thông tin này lần nữa tạo "sóng" cho thị trường BĐS các khu vực này. Trong đó, tại huyện Bình Chánh, một số chủ đầu tư có sản phẩm BĐS đưa ra thị trường thời điểm này được xem là lợi thế, khi đón đầu thông tin quy hoạch. Tuy vậy, ghi nhận cho thấy, chỉ một vài dự án mở bán giai đoạn tiếp theo xuất hiện tại thị trường khu vực này. Chẳng hạn như khu căn hộ biệt lập cao cấp Flora Panorama và The Mizuki thuộc KĐT Mizuki Park quy mô 26 ha của Nam Long Grup. Trong đó, giá loại hình căn hộ dao động khoảng trên dưới 50 triệu đồng/m2. Hay, dự án Westgate của An Gia quy mô hơn 3,1 ha với 2.000 căn hộ. Đây là các dự án BĐS "hiếm hoi" xuất hiện tại khu vực Bình Chánh ở giai đoạn này.
Trong khi đó, tại Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ thị trường đất nền cũng rục rịch ngay từ đầu năm 2022. Nhất là khi các hội nghị họp bàn để đưa các huyện này lên TP liên tục diễn ra từ cuối năm 2021 đến nay.
Lượng quan tâm BĐS 5 huyện ven Sài Gòn tăng vọt trước thông tin quy hoạch.
Báo cáo của các đơn vị phân tích chỉ ra, tại huyện Hóc Môn, lượng tin đăng về đất đai được rao bán tại khu vực này tăng mạnh từ giai đoạn tháng 11/2021 và tháng 12/2021 (lần lượt tăng 300% và 500% so với giai đoạn tháng 10/2021) do sự cộng hưởng của hai yếu tố: thị trường trở lại sau thời gian giãn cách xã hội suốt nhiều tháng, và thông tin "Hóc Môn đặt mục tiêu lên quận trước 2025" xuất hiện vào nửa sau của tháng 11/2021. Trong đó, các phân khúc về đất đều chứng kiến mức tăng mạnh mẽ tương tự như xu hướng chung của toàn phân khúc, tuy nhiên sự tăng trưởng về số lượng được thể hiện rõ ràng nhất ở 2 loại hình đất thổ cư và đất nông nghiệp.
Giai đoạn sau Tết, tháng 2/2022 và tháng 3/2022, nhu cầu thị trường đất nền khu vực này tiếp tục tăng trưởng, với mức tăng nguồn cầu là 160% so với đầu năm 2022.
Cùng với đó, BĐS Củ Chi cũng "dậy sóng" trước thông tin "lên thẳng thành phố, không lên quận". Cuối tháng 2/2022, thông tin huyện Củ Chi được các chuyên gia đồng thuận đưa lên thẳng thành phố đã nhanh chóng gây "sốt" và chia sẻ mạnh mẽ trong các hội nhóm, cộng đồng mua bán bất động sản. Theo số liệu từ Chợ Tốt Nhà, sau thông tin này, thị trường nhà đất tại khu vực nhìn chung đã có những biến động nhất định. Đáng chú ý, quý 2/2022 ghi nhận sức bật vượt trội của đất nền dự án và đất công nghiệp.
Theo các chuyên gia, việc đề xuất quy hoạch ở các huyện ven Tp.HCM đã tác động đến bộ mặt thị trường BĐS. Nếu đất nền có sự tăng trưởng mạnh, được xem là "sốt giá ảo" khi đua theo thông tin quy hoạch thì phân khúc căn hộ, nhà phố biệt thự tại các khu vực này lại có sự tăng trưởng ổn định trong những năm qua. Phân khúc này chỉ "nhỏ giọt" nguồn cung ra thị trường, trong khi nhu cầu còn lớn nên ghi nhận thanh khoản khá tốt. Đặc biệt, ở các dự án KĐT phát triển bài bản, tiện ích nội khu đã hiện hữu, khi chào bán các sản phẩm giai đoạn tiếp theo ra thị trường gây được sự chú ý.
Theo các chuyên gia trong ngành, nhu cầu chuyển đổi và nâng cấp các đơn vị hành chính từ huyện thành quận hoặc TP trực thuộc Tp.HCM là vấn đề bức thiết. Việc chuyển đổi sẽ tạo ra nhiều thời cơ và cơ hội tốt cho việc đầu tư, giãn cách mật độ đô thị, giúp Tp.HCM có cơ hội thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo góp phần đào tạo và phát triển chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, nếu thực hiện không khéo, nhiều người sẽ lợi dụng thông tin này để đẩy giá đất lên cao, gây khó khăn cho sự phát triển của thị trường BĐS Thành phố.