Thông tin mới việc thanh tra 2 ngân hàng, 4 doanh nghiệp vàng
Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện đang tập trung nguồn lực để hoàn thành việc thanh tra đối với 2 tổ chức tín dụng và 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng như đã công bố trước đó.
Trả lời kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, danh sách các đơn vị thanh tra gồm: Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vàng bạc đá quý Sài gòn (SJC), Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Tín Minh Châu.
Theo Quyết định số 324 ngày 17/5/2024, nội dung thanh tra gồm có thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền và thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế. Giai đoạn thanh tra từ ngày 1/1/2020 đến ngày 15/5/2024.
Theo kế hoạch, việc thanh tra sẽ kéo dài trong 45 ngày, tuy nhiên đến nay kết quả thanh tra 6 đơn vị trên vẫn chưa có.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp khác nhằm ổn định thị trường vàng. Theo đó, đơn vị này sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định để kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp theo chỉ đạo của các cấp thẩm quyền.
Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.
Ngân hàng Nhà nước cho hay, trong thời gian tới sẽ tổ chức tổng kết, đề xuất sớm sửa đổi Nghị định 24/2012, trong đó có nội dung về quản lý sản xuất vàng miếng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Trong giai đoạn cuối năm 2023 đến giữa năm nay, giá vàng trong nước có nhiều biến động, đỉnh điểm vàng SJC vượt mốc 90 triệu đồng/lượng và chênh tới gần 20 triệu đồng/lượng so với vàng thế giới. Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm bình ổn thị trường vàng; trong đó đáng chú ý là việc tổ chức các phiên đấu thầu vàng miếng và bán vàng miếng SJC giá bình ổn qua 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC.
Đến nay, giá vàng miếng SJC về cơ bản đã bình ổn, không còn hiện tượng tăng sốc như trước đây. Khoảng cách giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước cũng được thu hẹp đáng kể, xuống còn khoảng 4,32 triệu đồng/lượng.
Tiền Phong