Thông tin thêm về vụ 1.600 con trâu bò Úc mất dấu tại Việt Nam
Hội đồng Xuất khẩu Gia súc sống Úc (ALEC) cho hay quá trình đánh giá thị trường Việt Nam vẫn đang tiếp tục sau vụ phát hiện 1.600 con trâu bò Úc mất dấu.
Trong email trả lời Báo Người Lao Động, Hội đồng Xuất khẩu Gia súc sống Úc (ALEC) cho hay quá trình đánh giá thị trường Việt Nam vẫn đang tiếp tục và báo cáo cuối cùng sẽ được phát hành trong tháng 8 tới.
ALEC khẳng định đã hành động ngay lập tức khi có thông tin về việc một lượng trâu bò lớn đã lọt ra khỏi chuỗi cung ứng, tức không được đưa đến các trang trại và lò mổ đã được phía Úc phê duyệt tại Việt Nam. Các chuyên gia Úc đã đến Việt Nam và có ghi nhận ban đầu là tình trạng này không xảy ra trên diện rộng. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng tại Việt Nam còn một số vấn đề cần cải thiện.
Ông Mark Harvey-Sutton, Giám đốc điều hành ALEC, cho biết thêm: "Các đơn vị đại diện cho ngành công nghiệp bò Úc đang làm việc với chính phủ Việt Nam để cải thiện năng suất, phúc lợi động vật và chất lượng sản phẩm thịt bò cho người tiêu dùng Việt Nam. Việc nhập khẩu bò Úc vào Việt Nam đã thúc đẩy sự phát triển của các trang trại quy mô công nghiệp cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển giao kỹ năng và công nghệ cho cơ sở giết mổ. Chúng tôi đang làm việc với Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để hỗ trợ thực thi Luật chăn nuôi và thú y mới bao gồm cả cải thiện phúc lợi động vật".
Hệ thống đảm bảo chuỗi cung ứng xuất khẩu (ESCAS) được triển khai tại Việt Nam vào ngày 31-12-2012. Đến nay, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 của ngành công nghiệp gia súc Úc với sản lượng bình quân khoảng 200.000 con/năm.
Mổ bò Úc tại một cơ sở giết mổ ở tỉnh Long An
Theo báo cáo chi tiết của ALEC về quá trình tuân thủ ESCAS đối với gia súc xuất khẩu thì không chỉ Việt Nam mà Indonesia và Israel cũng ghi nhận sự vi phạm.
Như ở Indonesia, trâu bò Úc xuất khẩu sang nước này từ tháng 7-2011 và hiện là thị trường lớn nhất của ngành công nghiệp gia súc Úc với sản lượng hơn 600.000 con/năm. Đầu năm 2019, một lô trâu bò từ Úc xuất khẩu sang Indonesia đã bị phát hiện tình trạng ngược đãi (đánh, đá quá mức làm dập lưng và đuôi gia súc) khi đưa trâu bò từ tàu xuống cảng.
Trong khi đó, Israel cũng là thị trường lớn thứ 3 nhập khẩu gia súc Úc. Các nhà nhập khẩu Israel đã để xảy ra tình trạng cừu chết với tỉ lệ gần 2% trong quá trình vận chuyển; một số cừu bị trang trại đã đăng ký từ chối tiếp nhận do cừu không được khỏe mạnh, một lượng lượng nhỏ cừu bị từ chối do gãy xương và một số vết thương khác.
Người lao động