Thứ 6 ngày 13, "họ" FPT đưa 2 thành viên lên sàn chứng khoán
Những ai quan tâm đến FPT đều biết họ chuộng số 13 như thế nào.
- 07-01-2017Chứng khoán FPT sẽ giao dịch trên HoSE với giá tham chiếu 18.000 đồng/cổ phiếu
- 10-12-2016"Truyền thuyết" về mã chứng khoán FOX của FPT Telecom qua lời Trương Đình Anh
Thứ 6 ngày 13/01/2017, “họ” FPT đón thêm 2 thành viên lên sàn chứng khoán. Đó là CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom) với mã cổ phiếu là FOX và CTCP chứng khoán FPT (FPTS) với mã cổ phiếu là FTS.
Thứ 6 ngày 13 thường bị coi là “ngày của ma quỷ”, một ngày đen đủi. Nhưng những ai quan tâm đến FPT đều biết họ chuộng số 13 như thế nào. Ra đời ngày 13/9/1988, FPT có 13 sáng lập viên và ngày thành lập những trụ sở, chi nhánh của FPT đều là ngày 13. Số điện thoại di động của ông Trương Gia Bình, chủ tịch Tập đoàn FPT có đuôi là 1313. Cả biển số xe cũng vậy.
CTCP FPT lên sàn lần đầu tiên vào ngày 13/12/2006. Cùng với FOX và FTS, giờ “họ FPT” trên sàn chứng khoán có 3 thành viên đều sinh ngày 13. Ngoài ra, họ FPT còn có FTG của CTCP Thương mại FPT và FIS của CTCP Hệ thống Thông tin FPT đang giao dịch trên OTC.
Cách lý giải của FPT về con số 13 mang nặng yếu tố tâm linh: “Số mệnh 1 con người, theo Tử vi, được định đoạt bởi ngày anh ta sinh ra. Số mệnh của FPT cũng thế, nó ra đời ngày 13/09/1988 và vì thế cuộc đời của nó sẽ gắn liền với con số 13”.
FPT Telecom đưa 137 triệu cổ phiếu lên giao dịch tại UPCoM, giá tham chiếu là 54.000 đồng/cp tương ứng mức vốn hóa 7.400 tỷ đồng. Công ty này gắn liền với tên tuổi của ông Trương Đình Anh – người nổi tiếng với phát ngôn “Ước mơ của tôi là trở thành tỷ phú năm 35 tuổi và trở thành Thủ tướng năm 40 tuổi”.
FPT Telecom là 1 trong 3 nhà cung cấp dịch vụ internet hàng đầu tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ Cục Viễn thông, năm 2015 FPT Telecom chiếm 25,4% thị phần thuê bao internet cáp quang trên toàn quốc.
Hiện tại, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm 50,16% vốn điều lệ của FPT Telecom, còn 45,65% được nắm bởi CTCP FPT (mã FPT). Động thái đưa FPT Telecom lên sàn chứng khoán được cho là bước khởi đầu cho việc thoái vốn của SCIC theo kế hoạch.
Mặc dù có nhiều lĩnh vực mới nổi lên nhưng FPT Telecom vẫn luôn là đơn vị thành viên đóng góp lớn nhất vào tổng lợi nhuận của toàn tập đoàn FPT.
Theo bản công bố thông tin, trong 9 tháng đầu năm 2016, công ty mẹ của FPT Telecom đạt 3.950 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 509 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Báo cáo hợp nhất ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 662 tỷ đồng và giá trị sổ sách đạt 23.924 đồng. Công ty này cũng thường xuyên trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ trên 20%, chưa kể cổ tức bằng cổ phiếu.
Về phía FPTS, công ty này niêm yết 90,3 triệu cổ phiếu trên HOSE với giá tham chiếu 18.000 đồng. Công ty này luôn nằm trong top 10 thị phần môi giới trên 2 sàn.
FPTS được sáng lập ra bởi CTCP phát triển đầu tư công nghệ FPT (25%, đại diện bởi ông Trương Gia Bình), các lãnh đạo “nhẵn mặt” của FPT như ông Lê Quang Tiến, Bùi Quang Ngọc, Hoàng Minh Châu, Đỗ Cao Bảo… và Trương Đình Anh (2%) cùng với Hoàng Nam Tiến (2%). Cho đến hiện tại, FPT và SBI Financial Services là 2 cổ đông lớn duy nhất, đều nắm 20% vốn cổ phần của FPTS.
Trí Thức Trẻ