MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ đoạn lừa đảo nâng khống vốn điều lệ gấp... 3.000 lần của Trịnh Văn Quyết

27-08-2022 - 19:09 PM | Doanh nghiệp

Với chiêu nâng khống vốn điều lệ FLC Faros tăng gấp 3.000 lần giá trị thực, rồi bán toàn bộ số cổ phiếu mình đang nắm giữ, ông Trịnh Văn Quyết đã thu về hơn 6.400 tỉ đồng.

Thủ đoạn lừa đảo nâng khống vốn điều lệ gấp... 3.000 lần của Trịnh Văn Quyết - Ảnh 1.

Ông Trịnh Văn Quyết - Ảnh: B.N.

Cơ quan điều tra Bộ Công an (C01) đã khởi tố bổ sung tội danh mới đối với cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Ngoài tội "thao túng thị trường chứng khoán" đã bị khởi tố, C01 điều tra thêm đối với ông Quyết hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ba người khác cũng bị khởi tố bổ sung tội danh trên gồm: Hương Trần Kiều Dung, cựu phó chủ tịch Tập đoàn FLC và hai em gái của ông Quyết là Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế.

Nâng khống vốn điều lệ lên gấp 3.000 lần

Kết quả điều tra ban đầu xác định ông Quyết cùng ba người trên đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc nâng khống vốn của Công ty CP xây dựng FLC Faros.

Đây là doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của FLC, chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Ở thời điểm cổ phiếu của công ty này có mã ROS được niêm yết trên sàn HoSE, ông Quyết sở hữu gần 180 triệu cổ phần, chiếm gần 42%. Tuy nhiên, trước khi mã cổ phiếu ROS niêm yết trên sàn chứng khoán thì vốn điều lệ của doanh nghiệp này đã được "thổi" lên gấp cả ngàn lần.

Công ty CP xây dựng FLC Faros, tiền thân là Công ty xây dựng và đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà, được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ khởi đầu là 1,5 tỉ đồng. Quy mô vốn này được giữ nguyên trong hơn ba năm tiếp theo.

Tuy nhiên, chưa tới hai năm sau đó, từ 2014 - 2016 ông Quyết đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của FLC Faros. Mức vốn điều lệ được nâng khống này khoảng gấp gần 3.000 lần giá trị thực.

Khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, ông Quyết đã bán, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Tính đến ngày 24-2-2021, ông Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên mình và tên 5 cá nhân khác, thu được hơn 6.400 tỉ đồng

ROS rớt giá chưa bằng... cốc trà đá

Sau những đợt tăng vốn ảo với số vốn điều lệ khủng, cổ phiếu ROS của FLC Faros đã có thời gian dài "làm mưa làm gió" trên thị trường chứng khoán. Mã cổ phiếu này đã từng có thời điểm được "thổi" lên giá đắt nhất thị trường chứng khoán lúc bấy giờ.

Tuy nhiên sau những đợt bị thổi giá thì cổ phiếu ROS cũng bị giảm sâu "nằm sàn" nhiều phiên liên tiếp và hiện nay đang ở mức một cổ phiếu giá chưa bằng cốc trà đá. Rất nhiều nhà đầu tư "đu đỉnh" mua ROS đã phải ôm trái đắng thua lỗ lớn.

Mã cổ phiếu ROS được đưa lên sàn giao dịch ở thời điểm tháng 9-2016 với mức giá tham chiếu 10.500 đồng một cổ phiếu. Sau khi "chào sân", ROS đã tăng phi mã với những phiên tăng giá trần liên tiếp. Ba tháng sau khi niêm yết, ROS đã có 30 phiên tăng kịch trần, với giá gấp 9 lần thời điểm niêm yết. Đến năm 2017, mã cổ phiếu này đã có giá 130.000 đồng trước khi có đợt giảm.

Khoảng nửa cuối 2017, ROS được giới đầu tư coi là "ngôi sao" khi tăng phi mã lên mức 220.000 đồng, có giá đắt nhất trên thị trường chứng khoán khi đó. Cổ phiếu này cũng chính thức lọt nhóm VN30 - nhóm 30 cổ phiếu bluechip của HoSE.

Tuy nhiên, từ năm 2018 mã cổ phiếu này cũng có đà giảm không phanh với những phiên liên tiếp "nằm sàn". Đến đầu năm 2020, cổ phiếu này giảm về ngưỡng 10.000 đồng. Chỉ đến cuối năm 2021 vừa rồi, khi ông Quyết dùng các chiêu trò mua đi bán lại nhằm thổi giá thì ROS mới tăng trở lại lên mức đỉnh 16.000 đồng. ROS hiện ở mức giá 2.500 đồng.

Trước đó ngày 29-3, C01 đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam với ông Trịnh Văn Quyết để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán.

Kết quả điều tra ban đầu đã làm rõ được nhiều sai phạm của ông Quyết liên quan đến việc "thổi giá" cổ phiếu với mục đích thu lời bất chính. Tổng số tiền ông Quyết thu về sau khi bán chui cổ phiếu là gần 1.700 tỉ đồng, mục đích hưởng lợi bất chính hơn 530 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ngay sau khi xảy ra việc bán chui cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã hủy giao dịch toàn bộ số cổ phiếu do ông Quyết bán ra, những nhà đầu tư đã mua số cổ phiếu này may mắn được hoàn tiền.

Đau vì trót ôm cổ phiếu ROS và "họ FLC"

"Cổ phiếu xanh mắt mèo, giảm giá liên tục, lỗ nặng, tuyệt vọng lắm rồi", một nhà đầu tư chia sẻ với giọng buồn sau khi lỡ gom cổ phiếu ROS (Công ty CP xây dựng FLC Faros) và nhiều mã khác thuộc "họ FLC".

Là giáo viên cấp III ở một trường trung học phổ thông thuộc một tỉnh miền núi, chị được người quen giới thiệu vào nhóm Zalo do một thầy "uy tín" hướng dẫn. Sau hơn một năm giao dịch, kỹ năng chị biết để "chơi chứng khoán" chỉ đơn giản là thấy "thầy phím con nào mình mua con đó".

Nghe lời thầy mua các cổ phiếu đầu cơ của "họ FLC", giờ đây chị không chỉ buồn vì thua lỗ mà nhiều thầy cô khác cùng trường xem chị là "con bạc", tình cảm gia đình rạn nứt khi chồng đề nghị ly thân một thời gian.

Đối với giới đầu tư chứng khoán, cổ phiếu ROS được xem là hiện tượng trên sàn chứng khoán. Trải qua thời kỳ huy hoàng tăng lên giá 220.000 đồng vào cuối năm 2017, góp phần giúp ông Trịnh Văn Quyết trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán với khối tài sản lên đến 2,5 tỉ USD, hiện tại mã ROS chỉ còn ở giá 2.500 đồng/cổ phiếu.

"Vĩnh biệt một huyền thoại. Một thời từng là cổ phiếu hạng sang, giờ tan nát. Ôm cổ phiếu vừa lỗ vừa tức, hủy niêm yết rồi thì không biết khi nào lấy lại được tiền", anh Tiến (nhà đầu tư, TP.HCM) bày tỏ trước thông tin mã ROS sắp bị hủy niêm yết kể từ ngày 5-9 tới đây.

Không chỉ ROS mà nhiều cổ phiếu khác thuộc "họ FLC" như FLC, HAI, AMD, KLF... cũng đã bị giảm giá trị 70 - 80% kể từ sau vụ ông Quyết bán chui cổ phiếu FLC bị phanh phui sau đó bị bắt giam vào tháng 3-2022.

Theo Bông Mai

Tuổi trẻ

Trở lên trên