Thứ hạng GRDP quý 1/2022 của 5 địa phương từng tăng trưởng cao nhất cả nước 2021 thay đổi ra sao, Hải Phòng còn giữ vị trí đầu bảng?
Về tăng trưởng GRDP của các địa phương trên cả nước trong quý I/2022, cả nước có 6 tỉnh, thành phố đạt mức tăng trưởng trên 10% và hai địa phương ghi nhận mức tăng trưởng âm. Riêng 5 địa phương từng có GRDP cao nhất cả nước năm 2021 là Hải Phòng, Quảng Ninh, Gia Lai, Ninh Thuận và Thanh Hóa cũng có sự thay đổi về thứ hạng trong quý I/2022.
- 11-04-2022Cá nhân vừa làm công ăn lương, vừa kinh doanh riêng thì đóng thuế TNCN như thế nào?
- 11-04-2022Giá cả các mặt hàng ở TP. HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng... cao thấp ra sao khi so với Hà Nội?
- 11-04-2022Một thành phố trực thuộc Trung ương bất ngờ lọt top có tốc độ tăng trưởng GRDP thấp nhất cả nước, vốn FDI tiếp tục sụt giảm
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 của Tổng cục Thống kê đã chỉ ra 5 địa phương có tốc độ tăng trước GRDP cao nhất cả nước. Theo đó, Hải Phòng là địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất năm 2021, đạt 12,38% so với năm 2020. Mức tăng này tuy không đạt kế hoạch của tỉnh nhưng đứng đầu và gấp hơn 5 lần bình quân chung cả nước (1,5-1,9%).
Đứng thứ hai là Quảng Ninh với 10,28%, thấp hơn 0,22 điểm % so với kịch bản (kịch bản tăng 10,5%). Với kết quả này, Quảng Ninh nằm trong nhóm các địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng cao và là tỉnh liên tục trong 6 năm liền có tốc độ tăng trưởng 2 con số.
Tiếp theo, địa phương có tốc độ tăng tổng sản phẩm GRDP cao thứ ba cả nước là Gia Lai, đạt 9,03% so với năm 2020; GRDP bình quân đầu người đạt 56,31 triệu đồng. Đối với Ninh Thuận, GRDP năm 2021 của địa phương này tăng 9% so với 2020, mức tăng cao thứ 4 của cả nước và đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Cuối cùng là Thanh Hóa, với tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 ước đạt 8,85%, đứng thứ năm cả nước.
Sang đến năm 2022, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, GDP quý I/2022 của Việt Nam ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I/2019.
Về tăng trưởng GRDP của các địa phương trên cả nước trong quý I/2022, cả nước có 6 tỉnh, thành phố đạt mức tăng trưởng trên 10% và hai địa phương ghi nhận mức tăng trưởng âm. Riêng 5 địa phương từng có GRDP cao nhất cả nước năm 2021 là Hải Phòng, Quảng Ninh, Gia Lai, Ninh Thuận và Thanh Hóa cũng có sự thay đổi về thứ hạng trong quý I/2022.
Hải Phòng
Theo Cục Thống kê Hải phòng, tổng sản phẩm trên địa bàn quý I/2022 ước tăng 10,04% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 13,22% của quý I/2021, đứng thứ 6/63 tỉnh thành phố trên cả nước. Trong mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế thành phố, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,84%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 12,67%, đóng góp 6,89 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 2,49 điểm phần trăm.
Quảng Ninh
Trong ba tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh ước đạt trên 8%. Cục Thống kê tỉnh đánh giá, đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh chịu tác động hết sức nặng nề của đại dịch COVID-19. Kết quả, tốc độ tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh trong quý I/2022 đứng thứ 10 cả nước.
Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 11,17%, cao hơn 1,01% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước quý I/2022 ước đạt gần 12.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa ước thực hiện đạt trên 9.100 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 20.120 tỷ đồng, tăng 9,75% so với cùng kỳ.
Trong quý II/2022, Quảng Ninh xác định rõ mục tiêu giữ vững địa bàn an toàn, ổn định và đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới, hoàn thành "mục tiêu kép" cả năm, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế quý II/2022 là 12,54%, tăng trưởng 6 tháng là 10,25%, thu ngân sách nhà nước quý II/2022 không thấp hơn 13.000 tỷ đồng.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Gia Lai
Theo UBND tỉnh Gia Lai, tốc độ phát triển tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý I/2022 tăng 7,08%. Trong đó, khu vực nông, lâm, thuỷ sản tăng 2,69%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 18,59%, trong đó công nghiệp tăng 23,83%; khu vực dịch vụ tăng 3,48%.
Trong quý I/2022, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt trên 6,2 nghìn tỷ đồng, tăng 16,36% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt trên 18 nghìn tỷ đồng, tăng 2,86% cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD, đạt 30,3% kế hoạch, tăng 25% cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 1,63 nghìn tỷ đồng, bằng 30,2% dự toán Trung ương giao, bằng 28,1% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 8,9% cùng kỳ năm trước. Toàn tỉnh có 230 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 2,5 nghìn tỷ đồng.
Ninh Thuận
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, trong quý I/2022, địa phương đã kịp thời quán triệt và ban hành các kế hoạch, triển khai cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành theo tinh thần Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Kết quả, tình hình kinh tế - xã hội được duy trì ổn định, có bước phục hồi.
Cụ thể, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) quý I/2022 của địa phương ước đạt 5.366 tỷ đồng, tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước; thu ngân sách nhà nước ước đạt 939 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch năm; giải quyết việc làm mới cho gần 6.000 lao động đạt 37% kế hoạch năm.
Thanh Hóa
Theo Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa, trong quý I/2022, tăng trưởng GRDP của Thanh Hóa đứng thứ ba cả nước, với mức tăng đạt 12,93%. Bên cạnh đó, cũng trong quý I/2022, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt cao so với dự toán và tăng mạnh so với cùng kỳ; quý I ước đạt 11.761 tỷ đồng, bằng 41,8% dự toán, tăng 55% so với cùng kỳ.
Trong đó, thu nội địa ước đạt 7.232 tỷ đồng, bằng 42,2% dự toán, tăng 65% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 4.529 tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán, tăng 43% so với cùng kỳ. Hầu hết các lĩnh vực thu đều tăng, một số lĩnh vực tăng cao so với cùng kỳ.