Thu hút 390 dự án FDI tại khu công nghiệp các tỉnh Đồng bằng sông Hồng
Năm 2023, thu hút đầu tư tại Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế các tỉnh Đồng bằng sông Hồng cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 487 dự án.
- 15-01-2024Thưởng Tết hơn nửa tỷ đồng/người ở Bình Dương
- 15-01-2024Tỉnh không có núi, không có biển đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương năm 2037
- 15-01-2024Tăng trưởng GRDP lọt top 10 cả nước, lần đầu lọt nhóm "tỷ đô vốn FDI", tỉnh nghèo miền Trung sẽ được quy hoạch ra sao trong 5 năm tới?
Trong đó, có 390 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 97 dự án đầu tư trong nước (DDI) (tăng 67,35% so với năm 2022); Tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh trong năm 2023 đạt: 13.172,5 triệu USD (tăng 74,6% so với cùng kỳ) và 99.133 tỷ đồng (tăng 107,1% so với năm 2022); trong đó, một số đơn vị đạt kết quả nổi bật là Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam.
Với phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, các Ban quản lý các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế các tỉnh Đồng bằng sông Hồng đã chủ động thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, kịp thời tham mưu với UBND tỉnh, thành phố có những biện pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh.
Nhờ đó, các dự án đầu tư tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế của các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng đều được triển khai nhanh, đảm bảo tiến độ và mục tiêu đăng ký, sử dụng đất có hiệu quả và tỷ lệ lấp đầy được nâng cao, góp phần tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Kết quả, tổng doanh thu Khối doanh nghiệp FDI đạt 142.801,8 triệu USD (tăng 20,5% so với năm 2022); Khối doanh nghiệp DDI đạt 475.520 tỷ đồng (tăng 35,1% so với năm 2022); Nộp ngân sách nhà nước khối doanh nghiệp FDI đạt 8.484,9 triệu USD (tăng 15% so với năm 2022); Khối doanh nghiệp DDI đạt 29.409 tỷ đồng (bằng 98,9% so với năm 2022).
Hiện nay tại các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng có 11 khu kinh tế với diện tích quy hoạch là 442.224 ha; 179 khu công nghiệp, khu chế xuất được phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích là 49.348 ha; trong đó số khu đã đi vào hoạt động là 99 Khu với tổng diện tích là 23.739,8 ha (tăng 10,8% so với năm 2022), số khu đang xây dựng hạ tầng là 46 khu (tăng 48,4% so với năm 2022) với tổng diện tích là 12.932 ha.
Ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh Hà Nam cho biết, trong năm 2023 các các Ban quản lý các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế các tỉnh Đồng bằng sông Hồng tập trung chỉ đạo và thực hiện đổi mới thi đua cả về nội dung và hình thức. Các đơn vị tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan, và thực hiện nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, chú trọng xúc tiến tại chỗ, cùng tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, xúc tiến trực tuyến, trực tiếp linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp về đầu tư tại các Khu công nghiệp của địa phương.
Trong năm 2024, Ban quản lý các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế các tỉnh Đồng bằng sông Hồng tập trung triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình hành động của địa phương; thực hiện đồng bộ các giải pháp để phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2024.
Các đơn vị tham mưu xây dựng chính sách về đầu tư phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng; chủ động tham mưu các hội nghị xúc tiến đầu tư, kết nối và làm việc với các tập đoàn lớn trong nước cũng như nước ngoài; tổ chức các cuộc đối thoại chính sách, có biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là về thủ tục hành chính và đất đai.
Báo tin tức