Thu hút 'đại bàng' FDI
Trao đổi với PV Tiền Phong, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã nắm được thông tin 15 DN được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ kinh phí để mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Đây là một tín hiệu tốt, khẳng định môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam có uy tín trên trường quốc tế.
- 22-07-2020Sau Covid-19, nhà đầu tư FDI sẽ “nhắm” đến Việt Nam nhiều hơn
- 21-07-2020Vì sao FDI lại đổ dồn vào dự án đã cấp phép trong khi vốn vào dự án mới giảm mạnh?
- 14-07-2020Những nét nổi bật trong bức tranh FDI 6 tháng đầu năm 2020
"Đến nay, Bộ KH&ĐT chưa nhận được ý kiến của các DN Nhật Bản về hỗ trợ chính sách trong mở rộng đầu tư. Bộ KH&ĐT sẵn sàng tiếp nhận ý kiến và có giải pháp hỗ trợ các DN FDI mong muốn mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”, ông Dũng khẳng định.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trước làn sóng dịch chuyển đầu tư đang diễn ra trên thế giới, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài với các dự án lớn mà Việt Nam mong muốn.
“Ở vị trí tổ phó thường trực, khi tiếp xúc với các DN FDI lớn, tôi đều đưa ra yêu cầu, đặt “đầu bài” cho các DN lớn với các nội dung: DN FDI có giải pháp gì để chuyển giao công nghệ, làm thế nào để góp phần giúp DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu? Các DN FDI lớn có kế hoạch cụ thể cho việc này thế nào? Ở phía ngược lại, Chính phủ Việt Nam sẽ dành ưu đãi cao hơn ưu đãi hiện hành cho DN FDI này”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu Bộ KH&ĐT, việc yêu cầu DN FDI lớn có giải pháp góp phần chuyển giao công nghệ, hỗ trợ DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu sẽ được làm quyết liệt với các biện pháp cụ thể hơn so với trước đây. Những ưu đãi đặc biệt cho DN lớn sẽ do Thủ tướng trực tiếp phê duyệt.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính quốc tế (Học viện Tài chính) cho rằng, việc quan trọng nhất đối với thu hút FDI hiện nay cần phải có “bộ lọc” để chỉ thu nạp những nguồn vốn FDI “sạch”, mang tính chất lâu bền từ DN có tầm chứ không chạy theo FDI bằng mọi giá. Trước khi cấp phép đầu tư, các cơ quan chức năng cần chú trọng việc chọn lọc, thẩm định tính khả thi của dự án, đánh giá năng lực tài chính, uy tín của nhà đầu tư; đồng thời, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, trì trệ để đấu giá tìm nhà đầu tư tiềm năng, phù hợp hơn…
“DN Việt Nam cần chuẩn bị các điều kiện về tài chính, quyền sử dụng đất, các chương trình, dự án, chiến lược kinh doanh trước khi bắt tay hợp tác với nhà đầu tư ngoại và sử dụng hiệu quả nguồn lực, tránh để tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, bị các DN nước ngoài chèn ép”, ông Thịnh khuyến nghị.
Theo khảo sát của JETRO cuối tháng 2/2020 về thực trạng DN Nhật Bản đầu tư tại châu Á và châu Đại Dương, có 63,9% DN Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh. Đây là tỷ lệ cao nhất trong khối ASEAN và đứng thứ ba trong khu vực châu Á và châu Đại Dương. Lũy kế đến nay, Việt Nam có 32.000 dự án đầu tư FDI, với tổng vốn đầu tư khoảng 380 tỷ USD. Nhật Bản là quốc gia đứng 2 về vốn đầu tư FDI tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký trên 60 tỷ USD.
Tiền phong