Thu hút phát triển hạ tầng thương mại biên giới và logistics
Hoạt động phát triển thương mại biên giới và hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh An Giang có sự chuyển biến tích cực; thủ tục giải quyết lưu thông qua lại cửa khẩu ngày càng thuận lợi, thông thoáng. Qua đó, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu gia tăng mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
- 07-01-2024Gỡ vướng cho các dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối
- 07-01-2024Xôn xao doanh nghiệp ở Đồng Nai chi tiền thưởng Tết hơn 300 tỉ đồng
- 07-01-2024Dự án ‘siêu cảng’ Trần Đề có gì đặc biệt?
An Giang có đường biên giới dài gần 100 km, có thể liên kết với Campuchia bằng cả giao thông đường bộ và đường thủy qua 2 cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Vĩnh Xương; 2 cửa khẩu chính Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông và cửa khẩu phụ Bắc Đại. Hiện tất cả đều có đường giao thông kết nối trực tiếp góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa với nước bạn Campuchia.
Hiện Khu kinh tế cửa khẩu An Giang được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm sẽ được tập trung đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước. Thời gian qua, nhiều dự án lớn về giao thông, logistics trên địa bàn An Giang, nhất là tại khu vực kinh tế cửa khẩu được trung ương và địa phương đầu tư thực hiện. Tỉnh cơ bản hình thành một mạng lưới giao thông liên hoàn, có khả năng kết nối giao thông thủy - bộ và liên kết với được với hệ thống giao thông các tỉnh thành lân cận.
Tại An Giang đã hình thành hạ tầng trung tâm logistics tại Cảng Mỹ Thới diện tích hoạt động 39,5 ha, công suất thiết kế 4 - 4,75 triệu tấn/năm; Cảng thủy nội địa Bình Long có thể tiếp nhận tàu 3.000 tấn, hệ thống kho khoảng 6.000 m2, sức chứa 15.000 tấn hàng hóa và khu vực Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên. Từ đó, giúp An Giang kết nối và thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, xuất, nhập khẩu, phân phối hàng hóa.
Theo đánh giá của Sở Công Thương An Giang, hạ tầng giao thông, logistics và biên giới trên địa bàn ngày càng hoàn thiện. Nhiều dự án lớn về giao thông, logistics nhất là tại khu vực kinh tế cửa khẩu được đầu tư triển khai thực hiện. Tỉnh cũng đầu tư, phát triển mạnh số lượng kho bãi, tập kết hàng hóa có quy mô lớn để phục vụ xuất khẩu, nhập khẩu….
Từ năm 2019 đến nay, An Giang đã hoàn thiện 4 hồ sơ đề nghị mở và nâng cấp cửa khẩu; trong đó, đã mở và nâng cấp Cửa khẩu chính Khánh Bình thành cửa khẩu Quốc tế đường bộ và đường sông Khánh Bình; mở mới Cửa khẩu quốc tế đường bộ Vĩnh Xương và hợp nhất với Cửa khẩu quốc tế đường sông Vĩnh Xương thành Cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Vĩnh Xương; mở mới đường mòn qua biên giới Vĩnh Gia thành Cửa khẩu phụ Vĩnh Gia và mở mới đường mòn qua biên giới Vĩnh Nguơn thành cửa khẩu phụ Vĩnh Nguơn.
Giai đoạn 2019 - 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn có mức tăng trưởng bình quân đạt 5,5%/năm. Riêng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng 7,6% so cùng kỳ 2022; trong đó, xuất khẩu đăng ký tại An Giang trên 553 triệu USD, tăng 9,7%. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là phân bón, sắt thép, xi-măng, xăng dầu, bách hóa tổng hợp, nông thủy sản…
Trong thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên giới, hạ tầng logistics, giai đoạn 2019 – 2023 tỉnh An Giang đã chấp thuận chủ trương đầu tư 168 dự án, tổng số vốn đăng ký 29.836 tỷ đồng. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 39 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 306 triệu USD, tổng vốn thực hiện 176 triệu USD, tạo việc làm cho 16.800 lao động.
Tại các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn hiện có 49 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng số vốn đăng ký khoảng 8.540 tỷ đồng; trong đó, Khu công nghiệp Bình Hòa 19 dự án; Khu công nghiệp Bình Long 10 dự án; Khu công nghiệp Xuân Tô 2 dự án; Khu thương mại - dịch vụ cửa khẩu Khánh Bình 7 dự án; Khu thương mại Tịnh Biên 10 dự án và Khu thương mại công nghiệp Vĩnh Xương 1 dự án.
Để tiếp tục phát triển hệ thống logistics An Giang, ông Nguyễn Thành Huân - Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang cho biết, tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư dự án theo danh mục mời gọi; rà soát danh mục các dự án, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư; có các cơ chế chính sách khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng như giao thông, thương mại, cụm công nghiệp, thông tin liên lạc...
Ông Huân cho biết, trong phát triển thương mại biên giới, tỉnh sẽ tăng cường kêu gọi xúc tiến đầu tư, thu hút doanh nghiệp lớn vào nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại khu kinh tế cửa khẩu; đảm bảo hoạt động xuất, nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa tại khu kinh tế cửa khẩu. Tỉnh nghiên cứu triển khai hệ thống cửa khẩu số tại Khu kinh tế cửa khẩu An Giang nhằm số hóa hoàn toàn quy trình tiến tới chuyển đổi số giúp điều hành toàn bộ hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu trên địa bàn.
Thời gian tới, An Giang cũng tăng cường triển khai ngân hàng điện tử phục vụ hoạt động thanh toán biên mậu để tăng tính linh hoạt cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu; đảm bảo thực hiện việc thanh toán, chuyển tiền cho khách hàng nhanh gọn, an toàn, tiết kiệm chi phí…
Báo tin tức