Thủ khoa ĐH Kinh tế Quốc dân lập kỷ lục có "1-0-2" trong lịch sử trường, được BIG4 mời làm việc nhưng từ chối
Trần Anh Ngọc chính là thủ khoa cả đầu ra lẫn đầu vào ở đại học Kinh tế Quốc dân. Cô bạn cũng là sinh viên đầu tiên tốt nghiệp với điểm số tuyệt đối ở trường.
- 26-08-2023Thủ khoa toàn quốc khối D01 'chốt' trường đại học nào?
- 24-08-2023Ngành học khiến 2 thủ khoa khối A ngậm ngùi trượt: Học siêu khó, thu nhập lên đến 50 triệu/tháng
- 23-08-2023Mẹ thủ khoa Hưng Yên trượt NV1: 'Đây là cú sốc quá lớn đối với gia đình'
Từ lâu, trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) đã trở thành điểm đến mơ ước của hàng triệu học sinh muốn theo học khối ngành Kinh tế tại Việt Nam. Trường không chỉ gây ấn tượng với điểm đầu vào cao mà có chương trình giảng dạy chất lượng cùng dàn sinh viên cũng "xịn" không kém.
Nữ sinh tên Trần Anh Ngọc (2001) - sinh viên chuyên ngành Kiểm toán, Đại học Kinh tế Quốc dân là một trong số đó. Mới đây, cô đã gây ấn tượng khi trở thành thủ khoa đầu ra của trường, đạt GPA 4.0/4.0. Với thành tích này, Ngọc đã trở thành sinh viên đầu tiên trong lịch sử tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Quốc dân với điểm số tuyệt đối.
Một điều đặc biệt hơn nữa khi cách đây 4 năm, cô bạn cũng là thủ khoa đầu vào của viện Kế toán - Kiểm toán với 27,9 điểm ở tổ hợp khối A (Toán, Lý, Hoá).
Cùng trò chuyện với thủ khoa đặc biệt của trường ĐH Kinh tế Quốc dân, để xem nữ sinh này có gì "flex" về bản thân không nhé!
Trần Anh Ngọc là thủ khoa đầu ra đại học Kinh tế Quốc dân với điểm trung bình tuyệt đối
Bí quyết trở thành thủ khoa Kinh tế Quốc dân
Không chỉ là thủ khoa đầu ra của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Anh Ngọc còn đạt được nhiều thành tích học tập ấn tượng trong suốt 4 năm sinh viên như: Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, có đề tài đạt giải Nhì cuộc thi "Sinh viên Nghiên cứu Khoa học cấp Bộ" năm học 2020-2021, Sinh viên 5 tốt cấp thành phố… Thời cấp ba, Anh Ngọc từng là học sinh lớp chuyên Hoá của trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Nữ sinh luôn quan niệm việc học cũng giống như một phần trong cuộc sống, không phải nghĩa vụ hay vì điểm số. Cô không có phương pháp hay cách học nào cụ thể. Điều Ngọc quan tâm nhất là luôn sắp xếp sự ưu tiên và dành tập trung tối ưu khi làm bất cứ điều gì.
Giống như nhiều "học bá" khác, nữ sinh tìm thấy niềm vui trong học tập. Bởi lẽ cô cho rằng việc học giúp bản thân mở rộng tri thức, tìm hiểu sâu kiến thức chuyên ngành.
"Mình cảm thấy khi dành sự tập trung cao độ trong thời gian nhất định cho một việc thì sẽ tối ưu hoá được thời gian. Khi đó, mình sẽ dành được nhiều thời gian cho công việc khác cũng như bản thân.
Ví dụ khi học trên lớp, mình luôn ngồi bàn đầu để có thể tập trung nhất vào bài giảng của thầy cô, hiểu kỹ trên lớp. Do đó khi về nhà, mình chỉ cần làm qua bài tập và không bị gấp rút khi ôn thi cuối kỳ", Ngọc chia sẻ cách quản lý thời gian để đạt thành tích học tập ấn tượng.
Ngọc ưu tiên việc học lên hàng đầu, không đi làm thêm suốt 4 năm đại học
Đại học Kinh tế Quốc dân là ngôi trường mong ước của nhiều bạn sinh viên và Ngọc cũng vậy. Trong suốt 4 năm ngồi trên giảng đường, điều khiến Ngọc ấn tượng nhất ở Kinh tế Quốc dân là môi trường học tập năng động, cho sinh viên nhiều cơ hội phát triển bản thân.
Kỷ niệm Ngọc nhớ nhất khi học dưới mái trường này là vào năm hai, cô bạn tham gia nghiên cứu khoa học. Sau đó, nhóm cô được thông báo đạt giải Nhất của trường, tiếp tục dự thi cấp Bộ.
"Khi đó, chúng mình là sinh viên năm 2, đề tài nghiên cứu không phải về chuyên ngành nên cả nhóm làm với tinh thần học hỏi. Mặc dù vậy, cô giáo hướng dẫn vẫn luôn giúp đỡ, đồng hành cùng nhóm từ những bước nhỏ nhất. Sau kết quả đó, mình cảm thấy tự tin hơn về bản thân và dám thử thách trong những năm tiếp theo ở đại học", nữ sinh kể lại.
Sinh viên nên chọn tập trung học hành hay đi làm thêm?
Một điểm đặc biệt về Anh Ngọc trong suốt 4 năm sinh viên là cô bạn vẫn luôn ưu tiên việc học lên hàng đầu và không đi làm thêm bên ngoài. Nhưng bù lại, cô bạn sở hữu thành tích ấn tượng là giành suất thực tập tại Ernst & Young (EY) - một trong 4 công ty kiểm toán đa quốc gia hàng đầu thế giới (Big 4) khi mới năm 3. Để vào làm ở Big 4, nữ sinh phải trải qua bốn vòng thi, bao gồm: Hồ sơ, kiểm tra năng lực chuyên môn, phỏng vấn nhóm và cá nhân.
Trở thành thực tập sinh tại Big 4 trong bốn tháng, Anh Ngọc đã cố gắng cân bằng giữa việc học tập và đi làm. Khối lượng công việc cần giải quyết rất lớn khiến nữ sinh nhiều lần phải thức khuya chạy deadline. Bù lại cho tất cả khó khăn và nỗ lực đó, Ngọc đã nhận được lời mời làm tại EY sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, nữ sinh quyết định từ chối để làm việc tại cơ quan kiểm toán nội bộ của một ngân hàng ở Việt Nam.
Thời sinh viên, nhiều bạn trẻ cũng từng đứng trước phân vân: "Nên tập trung học hành hay cố gắng đi làm thêm để tích luỹ kinh nghiệm?". Là một sinh viên chỉ đi thực tập vào năm cuối, còn lại dành nhiều thời gian học tập, thủ khoa Kinh tế Quốc dân cũng có những góc nhìn rất riêng về vấn đề này.
Anh Ngọc chia sẻ: "Mình nghĩ mỗi ngành nghề sẽ có lựa chọn khác nhau. Với ngành Kiểm toán, mình thấy các công ty không yêu cầu bạn phải có kinh nghiệm đi làm. Bởi lẽ 2 năm đầu, chúng mình chưa được học nhiều về các môn chuyên ngành. Các kỹ năng chưa được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu công việc.
Do đó, mình không nghĩ rằng không có kinh nghiệm đi làm sẽ bị thiệt khi đi ứng tuyển. Bạn có thể cho nhà tuyển dụng thấy đã trau dồi được các kiến thức chuyên môn trên trường học và qua các cuộc thi, cùng với đó là những kỹ năng mềm được cải thiện qua các hoạt động ngoại khoá", Ngọc cho biết.
Dự định trong thời gian tới của cô bạn là tiếp tục theo đuổi công việc và phát triển bản thân. Về lâu dài, Ngọc mong muốn sẽ học Thạc sĩ ngành Tài chính Fintech để phục vụ cho công việc sau này.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Phụ nữ số