MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Thư ký" bà Hứa Thị Phấn chối vai trò chỉ đạo

23-05-2018 - 17:10 PM | Tài chính - ngân hàng

Là trợ thủ đắc lực cho bà Hứa Thị Phấn nhưng tại toà bị cáo Bùi Thị Kim Loan vẫn không thừa nhận vai trò "thư ký riêng" của bà Phấn. Bị cáo cho rằng mình chỉ là kế toán của Công ty TNHH Phú Mỹ, không thừa nhận là người chỉ đạo, đưa hồ sơ giấy tờ cho các thành viên trong HĐQT ngân hàng Đại Tín ký khống như lời khai của các bị cáo khác...


Không nhận những gì đã khai tại Cơ quan điều tra

Được Hội đồng xét xử (HĐXX) ưu tiên cho vắng mặt do mới sinh con chưa đầy tháng, bị cáo Bùi Thị Kim Loan (nguyên kế toán công ty TNHH Phú Mỹ, thư ký riêng của bà Phấn) chỉ có mặt đúng hai buổi để HĐXX, Viện Kiểm sát (VKS) và các luật sư tham gia thẩm vấn.

Trước khi HĐXX thẩm vấn, bị cáo Bùi Thị Kim Loan đã khiếu nại cáo trạng truy tố bị cáo chưa chính xác, cho rằng mình chỉ là người làm công ăn lương, kế toán của công ty TNHH Phú Mỹ, không phải là thư ký, trợ lý gì cho bà Phấn như cáo trạng nêu.

Thư ký bà Hứa Thị Phấn chối vai trò chỉ đạo - Ảnh 1.

Các bị cáo tại toà.


Về hành vi nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch mua bán lòng vòng giúp bà Phấn chiếm đoạt 1.105 tỷ đồng, cáo trạng và tại toà các bị cáo khác khai nhận Loan chính là người đưa hồ sơ chứng từ cho các bị cáo khác ký. Tuy nhiên, Loan không thừa nhận là người đưa hồ sơ cho Lâm Kim Dũng, Ngô Kim Huệ (hai người cháu của bà Phấn) chuyển cho các thành viên trong HĐQT của ngân hàng Đại Tín, còn ai đưa thì bị cáo… không biết.

Về hành vi "cố ý làm trái..." trong việc hạch toán thu chi khống, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín 5.256 tỷ đồng, trước đó tại toà các bị cáo khác cũng có lời khai làm theo sự chỉ đạo của Loan. Loan cũng không thừa nhận, tự lập luận rằng bị cáo không có chức vụ, quyền hạn gì nên không thể nói là bị cáo yêu cầu hay chỉ đạo các bị cáo khác.

Về lời khai tại CQĐT, bị cáo Loan cho rằng "có cái không phải là lời khai của bị cáo. Lúc đó mới sinh xong con thứ hai nên tinh thần lo sợ, hoang mang, có những lời khai điều tra viên đọc cho bị cáo ghi luôn" (!). Toà trưng ra bút lục hồ sơ cho thấy, các biên bản điều tra viên lấy lời khai, cái nào ghi không đúng bị cáo đều lấy viết sửa lại.

HĐXX hỏi Loan: có khi nào các chứng từ ghi tên người khác mà bị cáo ký tên hay không? Bị cáo Loan khẳng định không. Lúc này, chủ toạ công bố kết luận giám định số 4358 ngày 4-10-2017 Viện Khoa học hình sự Bộ Công an xác định: 9 cá nhân ký và viết tên trên các phiếu thu và giấy nộp tiền khống được gửi đi giám định không phải do họ viết và ký tên. Trong đó, chữ viết tên tại mục khách hàng của Hà Quốc Cường và Khổng Đức Tường do Bùi Thị Kim Loan viết, còn lại không đủ cơ sở để kết luận chữ ký và chữ viết tên trên mục khách hàng có phải do Loan viết ra hay không.

Tương tự, tại kết luận giám định số 6402 ngày 29-12-2017 Viện Khoa học hình sự Bộ Công an xác định: Nguyễn Kim Hiếu không ký và viết tên trên các phiếu thu khống gửi giám định mà chữ viết tên tại mục khách hàng của Nguyễn Kim Hiếu có các đặc điểm giống chữ viết của Bùi Thị Kim Loan nhưng không đủ để kết luận chữ viết tên tại mục khách hàng là do Loan viết ra.

Đến đây, bị cáo Loan bao biện "có thể khi những người đó ký tên rồi bị cáo viết tên ra giùm cho họ".

Chủ tọa nhấn mạnh, HĐXX nêu ra nội dung này cho bị cáo xem xét lại lời khai của mình còn việc bị cáo nhận hay không nhận là quyền của bị cáo. Toà không buộc các bị cáo đưa ra các lời khai chống lại mình hay buộc các bị cáo nhận tội.

Thư ký bà Hứa Thị Phấn chối vai trò chỉ đạo - Ảnh 2.

Bị cáo Loan.


Chủ toạ phiên toà tiếp tục công bố lời khai của bị cáo Loan tại CQĐT dài 10 trang giấy để bị cáo so sánh lời khai trước toà. Theo đó tại CQĐT, bị cáo Loan thừa nhận toàn bộ chứng từ thu nhận được trong quá trình lấy lời khai là bị cáo yêu cầu ngân hàng lập theo chỉ đạo của bà Phấn. Trong bút lục, Loan khai: "Vì tôi được biết công ty Phương Trang có những khoản Phương Trang nợ với cô Phấn nên đến ngày trả nợ, cô Phấn bảo tôi sang ngân hàng nhờ kế toán xem những khoản nợ nào đến hạn thu tiền thì làm chứng từ thu cho những khoản Phương Trang trả nợ đưa vào tài khoản cô Phấn.

Còn nguồn tiền từ đâu Phương Trang trả nợ cho cô Phấn thì tôi không biết. Việc thoả thuận nợ giữa cô Phấn và công ty Phương Trang như thế nào tôi không tham gia nên không biết. Đến khi cô Phấn đưa tiền bảo tôi giao cho công ty Phương Trang thì tôi giao, đến khi Phương Trang trả nợ thì cô Phấn mới báo tôi biết việc này... Đến khi làm việc tại CQĐT, bị cáo mới biết nguồn tiền Phương Trang trả nợ là các khoản vay tại ngân hàng Đại Tín. Việc vay mượn giữa hai bên diễn ra trong thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa được quyết toán xong".

Chủ tọa Phạm Lương Toản khẳng định biên bản này không ai đọc cho bị cáo Loan ghi cả vì sau khi đọc lại xong bị cáo có ghi chú là đã đọc lại nội dung lời khai và ký tên vào.

"Xin không trả lời" khi gặp câu hỏi bất lợi

Liên quan đến khoản vay 4.944 tỷ đồng hạch toán thu chi khống cho Phương Trang và các công ty liên quan, luật sư Phan Trung Hoài (bảo vệ cho nhóm Phương Trang) hỏi bị cáo Loan có nhớ khai như thế nào tại CQĐT hay không? Bị cáo Loan trả lời "không nhớ". Luật sư Hoài công bố lời khai của bị cáo tại CQĐT. Theo đó, Loan khai việc hạch toán thu chi do ngân hàng Đại Tín tự làm.

Thư ký bà Hứa Thị Phấn chối vai trò chỉ đạo - Ảnh 3.

Luật sư Trương Thị Minh Thơ, người đưa ra "chứng cứ" mới tại toà.


Tiếp tục, luật sư Hoài hỏi: "Bà Phấn có khi nào chỉ đạo cho bị cáo ngày nào có khoản tiền công ty Phương Trang trả thì bị cáo đến nhờ ngân hàng lập phiếu thu nợ công ty Phương Trang hay không?". Loan trả lời: "Bà Phấn chỉ yêu cầu khi nào Phương Trang trả tiền thì nhờ kế toán thu tiền, không có yêu cầu lập bảng kê".

Loan khai việc lập bảng kê thu nợ các công ty Phương Trang bị cáo không nhận tiền mặt. Tất toán các khoản vay trên, Loan cho rằng khi tới ngân hàng bị cáo chỉ nói với các nhân viên là lập theo các khoản nợ của yêu cầu bà Phấn. Còn thu chi cái gì, nội dung các khoản nợ thế nào bị cáo không biết. Việc đóng lãi vay của Phương Trang tại ngân hàng, Loan khai là "có thật".

Luật sư Phan Trung Hoài tiếp tục công bố lời khai của Loan tại CQĐT: "Việc đóng lãi vay các khoản vay của các công ty Phương Trang đa phần là hạch toán cấn trừ, không có việc rút tiền mặt đóng lãi thực tế. Ngay cả việc đối trừ các khoản nợ của nhóm Phú Mỹ với công ty Phương Trang thì các công ty cá nhân của công ty Phú Mỹ cũng không nộp tiền mặt thực tế đối với các chứng từ thu trên mà chỉ ký tên trên chứng từ để cấn trừ các khoản tiền của công ty Phương Trang trả bà Phấn". Nghe luật sư công bố lời khai này xong, bị cáo Loan đã "xin phép không trả lời".

Bị cáo Loan cũng đã từ chối hàng loạt câu hỏi của luật sư của nhóm Phương Trang khi cảm thấy bất lợi về mình như: việc bị cáo chỉ đạo các giao dịch viên ngân hàng Đại Tín chi nhánh Lam Giang và chi nhánh Sài Gòn hợp thức hoá các chứng từ đóng lãi rồi in sẵn chứng từ để người công ty Phương Trang ký hoàn thiện sau; theo chỉ đạo của bà Phấn bị cáo gọi con cháu bà Phấn đến ký hoàn thiện các hồ sơ chứng từ...

Luật sư Hoài cũng công bố lời khai của bị cáo Loan trước khi bị khởi tố là đã yêu cầu ngân hàng Đại Tín -  chi nhánh Sài Gòn lập 68 chứng từ thu với tổng số tiền lên tới 1.216 tỷ đồng và toàn bộ 68 chứng từ này đều không có tiền mặt thực tế theo yêu cầu của bà Phấn...

Trả lời luật sư Lưu Văn Tám (bảo vệ cho bà Phấn), về mối quan hệ và việc vay nợ giữa ông Luận, công ty Phương Trang và bà Phấn, nhóm Phú Mỹ, bị cáo Loan khai có biết việc này nhưng thỏa thuận như thế nào giữa hai bên thì bị cáo không biết. Theo chỉ đạo bà Phấn, bị cáo nhiều lần đi giao tiền cho bên Phương Trang đóng lãi.

Cũng theo bị cáo Loan, quá trình quan hệ hợp tác, bà Phấn cũng có vay mượn tiền nhóm Phương Trang để tăng vốn điều lệ của ngân hàng Đại Tín từ 2.000 tỷ lên 3.000 tỷ đồng. Cụ thể về khoản vay này, bà Phấn cũng có lời khai có vay nhóm Phương Trang 650 tỷ đồng thông qua các khoản vay của Phương Trang tại ngân hàng Đại Tín. Khoản tiền này, bà Phấn khai đã trả cho nhóm Phương Trang thông qua việc chuyển nhượng dự án Bình Điền và khoản phát hành trái phiếu 2.000 tỷ đồng của công ty Trường Vĩ (nhóm Phương Trang) bán cho ngân hàng Đại Tín - chi nhánh Sài Gòn.

Về mục đích vay tiền của nhóm Phương Trang, bị cáo Loan trả lời: Thời điểm đó, bị cáo có nghe bà Phấn nói Phương Trang đang nợ ở ngân hàng TMCP Sài Gòn. Vì vậy, Phương Trang vay tiền nhóm Phú Mỹ là để đóng lãi ngân hàng Đại Tín và trả nợ cho ngân hàng TMCP Sài Gòn và giải chấp các tài sản đang thế chấp tại ngân hàng Sài Gòn.

Sau khi giải chấp xong các tài sản này, bị cáo nghe bà Phấn nói là lấy tài sản đem vào thế chấp tại ngân hàng Đại Tín. Về câu hỏi có biết việc Phương Trang lấy nguồn tiền nào để trả tiền vay bà Phấn, nhóm Phú Mỹ hay không? Loan trả lời, sau khi làm việc với CQĐT thì bị cáo mới biết Phương Trang vay tiền từ ngân hàng Đại Tín để trả cho bà Phấn.

Về số tiền thực tế bà Phấn và nhóm Phú Mỹ cho ông Luận, ông Quan và Phương Trang vay, bị cáo Loan nói trong biên bản làm việc với CQĐT có ghi chép nhưng bị cáo không nhớ là bao nhiêu. Luật sư công bố: 748,2 tỷ đồng và 400.000 USD, thông qua 8 giấy nhận tiền.

Về mối quan hệ giữa bà Phấn và nhóm Phương Trang, bị cáo Loan khẳng định rất thân thiết vì khi ông Luận tặng bà Phấn chiếc xe Maybach thì bà Phấn cũng tặng lại cho phía ông Luận 1 căn hộ ở Penhouse tại Sài Gòn Pearl, đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh (thời điểm đó trị giá trên 9 tỷ đồng).

VKS không chấp nhận chứng cứ mới nhưng toà thông báo sẽ xem xét chứng cứ mới mà luật sư Trương Thị Minh Thơ (bảo vệ cho bà Hứa Thị Phấn) công bố tại toà và được HĐXX đề nghị giao nộp để xem xét.

Trước đó, ngày 16-5, luật sư Thơ đã bất ngờ công bố đoạn ghi âm chứa trong USB được cho là cuộc trao đổi giữa ông Nguyễn Hữu Luận (chủ tịch HĐQT công ty Phương Trang), ông Nguyễn Đăng Quan (Tổng giám đốc công ty Phương Trang) và bà Hứa Thị Phấn, trong đó phía Phương Trang xác nhận nợ Ngân hàng Đại Tín hơn 9.000 tỷ đồng. Theo luật sư Thơ, chiếc USB này nằm trong thùng tài liệu bà Phấn giao cho luật sư.

VKS cho rằng chỉ dựa vào lời kể của luật sư Thơ thì chưa đủ cơ sở xác định luật sư nhận tài liệu này từ bà Phấn. Từ khi bị khởi tố bị can, bà Phấn đã nhập viện cấp cứu và luôn ở trong tình trạng khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời. Vì vậy, nội dung trong băng ghi âm được cho là do bà Phấn trao đổi là không hợp lý.

Ngoài ra, việc luật sư Thơ cung cấp các đồ vật liên quan đến bà Phấn tại phiên tòa phải có yêu cầu của bà Phấn. Do đó, VKS không chấp nhận xem toàn bộ tài liệu trên là chứng cứ. Tuy nhiên, theo HĐXX, để đảm bảo khách quan, HĐXX vẫn sẽ xem xét tài liệu này và cho các luật sư được tiếp cận tài liệu để nghiên cứu.


Theo A.Huy

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên