Thủ môn Đặng Văn Lâm có thực sự mắc lỗi trong bàn thua ở phút 90 của đội tuyển Việt Nam?
Sau thất bại đáng tiếc của thầy trò HLV Park Hang-seo trước đối thủ Iraq, một số ý kiến chỉ trích thủ thành Đặng Văn Lâm đã xuất hiện trên mạng xã hội.
- 03-01-2019Sang Thái Lan chơi bóng, Đặng Văn Lâm có thể không được dự AFF Cup
- 01-01-2019Thủ môn Đặng Văn Lâm nhận được sự khích lệ lớn trước thềm Asian Cup
- 18-12-2018Thủ môn Đặng Văn Lâm tiết lộ về những năm tháng đau khổ nhưng quý giá trên đất Nga
- 16-12-2018Việt Nam vô địch rồi, Đặng Văn Lâm xúc động ôm cột dọc khóc nức nở mừng chiến thắng
Phút 90 trong màn so tài giữa đội tuyển Việt Nam với đối thủ Iraq, đội bạn được hưởng một quả đá phạt cách khung thành của những chàng trai áo đỏ khoảng 22m. Từ đây, hậu vệ cánh Ali Adnan đã vẽ một đường cong tuyệt đẹp mang về bàn thắng ấn định tỷ số 3-2 cho đội bóng đến từ Tây Á.
Trong cơn nuối tiếc đến cùng cực vì thất bại đáng tiếc của đội tuyển, một số cổ động viên đã buông lời chỉ trích Lâm "tây" trên mạng xã hội. Đa số là: "Nếu Văn Lâm đứng giữa, cậu ấy đã cản được pha bóng đó rồi", "cậu ấy đã phản ứng quá chậm" hay "cậu ấy đứng quá nghiêng về phía bên phải nên không thể phản ứng kịp".
Tại sao Văn Lâm không đứng giữa khung thành?
Thực tế, theo dõi một trận đấu qua màn ảnh nhỏ, đó sẽ là một trải nghiệm rất khác so với việc bạn trực tiếp đến sân hòa cùng nhịp đập trái bóng tròn. Nếu thử một lần đến Mỹ Đình trong những ngày thầy trò HLV Park Hang-seo ra sân, bạn sẽ không chỉ thấy sôi động hơn, vui hơn mà còn nhận ra tất cả mọi thứ sẽ to hơn.
Khung thành của môn bóng đá nam cũng vậy. Có thể bạn chưa biết, độ rộng của nó lên tới 7,32m, tức dài hơn cả chiếc xe bus 40 chỗ bạn vẫn thường bắt đi học hàng ngày.
Cầu môn trong những trận bóng 11 người rộng 7,32m.
Cũng vì lẽ đó, trước mỗi tình huống đá phạt, đặc biệt là ở khoảng cách không quá xa và chếch về một phía như pha bóng dẫn tới bàn thua của tuyển Việt Nam, nếu đứng ở trung tâm khung thành, một thủ môn sẽ rất khó phản ứng nếu bóng được sút về một bên góc. Xác suất cứu thua sẽ cao hơn nếu anh ta đứng lệch sang một phía và để hàng rào che nốt bên còn lại.
Văn Lâm có đứng quá lệch về phía bên phải?
Nếu ở góc quay này, có lẽ Văn Lâm đứng hơi lệch về phía bên phải. Tuy nhiên, thực tế, thủ thành 25 tuổi đứng xa cột khung thành hơn các bạn tưởng.
Ảnh: Getty Images.
Bức hình rõ nhất cho thấy Văn Lâm đứng không quá sát cột góc phải. Lúc này, chân Adnan chưa hề chạm bóng.
Đây là vị trí mà thủ thành De Gea chọn khi đối mặt với cú sút của Ronaldo tại World Cup 2018. Cũng không khác Văn Lâm là bao nhỉ?
Nếu phản ứng nhanh hơn, liệu Văn Lâm có cứu được bàn thua vừa qua?
Đầu tiên, phải thừa nhận cú sút của Ali Adnan là quá tuyệt vời. Trong một ngày không phải đối mặt với một hàng rào cao lớn như tại châu Âu, anh đã đưa bóng đi đúng vào góc khó nhất mà dân trong nghề vẫn gọi là "góc chết"
Tổng thời gian từ lúc bóng rời chân Adnan và bay vào lưới Văn Lâm chỉ khoảng 1,5 giây. Thêm vào đó, với một thủ môn, anh ta chỉ biết chính xác quỹ đạo khi trái bóng vượt qua được hàng rào. Điều đó đồng nghĩa thời gian cho Văn Lâm đổ người còn ít hơn vậy.
Cú sút phạt đẳng cấp, đưa bóng vượt qua hàng rào 5 người của tuyển Việt Nam. Ảnh: Getty Images.
Sau đó găm vào góc xa khung thành. Ảnh Getty Images.
Theo chuyên gia John Brenkus của tờ ESPN, với một cú sút vào góc như thế và lượng thời gian ít ỏi như thế, việc cản phá là bất khả thi dưới góc độ khoa học. Cơ hội duy nhất cho một thủ môn để có thể hóa giải cú sút cực khó đỡ của Adnan là anh ta biết trước (hoặc đoán trước) được chính xác vị trí bóng sẽ tới đồng thời di chuyển ngay khi nó vừa rời chân cầu thủ đối phương.
Tuy nhiên, bạn biết đấy, đối với một cú sút phạt, một cầu thủ có hàng tá vị trí để lựa chọn nhắm đến, và đòi hỏi Văn Lâm cản phá được khoảnh khắc thần sầu của Adnan có phải là yêu cầu quá mức không?
Trí thức trẻ