MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu ngân sách Nhà nước năm 2020 dự kiến hụt 189,2 nghìn tỷ đồng

20-10-2020 - 19:10 PM | Tài chính - ngân hàng

Do tác động của đại dịch Covid-19 nên các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và thu từ dầu thô đều không đạt dự toán đã được Quốc hội quyết định.

Thu ngân sách giảm 12,5%

Dự ước cả năm thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng, hụt 189,2 nghìn tỷ đồng (giảm 12,5%) so với dự toán. Mặc dù cơ quan quản lý thu đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và nợ đọng thuế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện đầy đủ các giải pháp thực hiện chính sách thu đã đề ra, song do tác động của đại dịch Covid-19 nên các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và thu từ dầu thô đều không đạt dự toán đã được Quốc hội quyết định. Việc nợ đọng thuế còn cao, nhiều địa phương trọng điểm thu đạt tỷ lệ thấp so với dự toán.

Chính phủ đánh giá sát hơn khả năng thu NSNN nhất là thu tiền bán cổ phần Nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, thu từ dầu thô để có giải pháp điều hành NSNN phù hợp. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp để phấn đấu thu NSNN đạt mức cao nhất trong những tháng còn lại của năm 2020.

Một số bộ, ngành lần đầu tiên trả lại vốn ODA

Ước thực hiện tổng chi NSNN năm 2020 là 1.686,2 nghìn tỷ đồng, giảm 60,89 nghìn tỷ đồng (giảm 3,5%) so với dự toán. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thu NSNN khó khăn, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định

Vốn chi NSNN thường xuyên ước thực hiện chi cả  năm là 1.068,5 nghìn tỷ đồng, tăng 12 nghìn tỷ đồng (tăng 1,1%)  so dự toán, chủ yếu là tăng do sử dụng dự phòng để chi cho công tác phòng chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai và thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành.

Năm 2020, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trong 9 tháng đầu năm thực hiện khoảng 57,2% so dự toán, dự ước cả năm là 495,36 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3% so với dự toán.

Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, mặc dù Chính phủ có nhiều biện pháp quyết liệt, nhưng so với kế hoạch đề ra, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm, chưa đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương đặc biệt là vốn ODA, hết 9 tháng mới giải ngân đạt 24,8% dự toán; lần đầu tiên một số bộ, ngành trả lại vốn ODA được giao.

Việc điều chuyển vốn đầu tư công còn chậm và chưa kiên quyết, cho đến nay, vẫn còn tình trạng giao vốn chưa hết, chưa đúng quy định của pháp luật: thủ tục giao vốn vẫn còn rườm rà, phức tạp, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công; nhiều dự án có ý nghĩa lớn đến phát triển KTXH chậm được triển khai, bị dở dang, chuyển tiếp kéo dài.

Nợ trực tiếp của Chính phủ có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu NSNN

Bội chi NSNN năm 2020 ước khoảng 4,99% GDP, tăng 1,55% so với dự toán. Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nguồn thu ngân sách giảm mạnh, nhưng nhiệm vụ chi ngân sách vẫn cần được bảo đảm, dẫn đến việc cân đối ngân sách không đạt được dự toán Quốc hội giao. Vì vậy, mức bội chi tăng cao hơn là hợp lý. Tuy nhiên, nhiều khả năng bội chi NSNN sẽ tăng thêm 38,5 nghìn tỷ đồng do không thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dẫn đến bội chi NSNN vượt dự toán cao (khoảng 357,96 nghìn tỷ đồng), bằng 5,59% GDP.

Các chỉ tiêu về nợ công tiếp tục tăng, tuy dự ước đến cuối năm 2020 vẫn dưới mức giới hạn an toàn, nhưng đề nghị Chính phủ đặc biệt lưu ý về nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu NSNN, là dấu hiệu nguy hiểm, gây rủi ro và giảm mức an toàn tài chính quốc gia.

Điều chỉnh tăng bội chi NSNN năm 2020 để bảo đảm nguồn đáp ứng nhiệm vụ chi của NSNN trong trường hợp ngân sách Trung ương bị hụt thu so với dự toán do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng theo nguyên tắc chỉ tăng bội chi cho đầu tư phát triển và chỉ huy động vay bù đắp bội chi theo khả năng thực tế giải ngân của năm 2020.

Bổ sung dự toán thu, chi NSTW một số khoản: 26.142,81 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp và nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện một số nhiệm vụ cần thiết phát sinh; dự toán chi hành chính sự nghiệp (vốn nước ngoài) cho Kiểm toán Nhà nước 6,64 tỷ đồng; dự toán thu NSNN 533,647 tỷ đồng, dự toán chi NSNN 440,424 tỷ đồng để thực hiện 3 dự án  của Bộ Công an; dự toán vay nước ngoài 50,547 tỷ đồng và bổ sung vốn viện trợ không hoàn lại 76,296 tỷ đồng của Chính phủ Ireland cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135.

Sử dụng 3.233 tỷ đồng để thực hiện chính sách phát triển thủy sản tiếp tục chuyển nguồn để sử dụng đến hết năm 2021 và cho phép các khoản chi của doanh nghiệp, tổ chức để ủng hộ, tài trợ cho hoạt động phòng, chống đại dịch Covid-19 được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020./.

Theo Phương Hoài - VOV

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên