MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu ngân sách và những con số "rất đáng ngại"

Thu từ 3 khu vực kinh tế: doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều không đạt dự toán...

Số thu giảm đến 7,7%, thu bán vốn nhà nước mới chỉ đạt 16,7%... Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu những con số đáng lo ngại từ khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra, chi ngân sách cũng có những vấn đề gây lãng phí, theo cơ quan thẩm tra.

Rất khó khăn

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh một số vấn đề, trong đó có cơ cấu thu.

Cụ thể, thu nội địa ước cả năm chỉ tăng 2,1% so với dự toán. Đặc biệt, thu từ 3 khu vực kinh tế: doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều không đạt dự toán.

Đáng chú ý là khu vực doanh nghiệp nhà nước có số thu giảm mạnh nhất (-7,7%) so với dự toán. Bên cạnh nguyên nhân do đẩy mạnh cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước còn cho thấy khả năng cạnh tranh, phát triển của khu vực này còn hạn chế.

Ông Hải phản ánh, nhiều ý kiến cho rằng, số thu cổ tức, lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước, tiền bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 48.000 tỷ đồng so với dự toán 120.000 tỷ đồng, đặc biệt là thu bán vốn Nhà nước mới chỉ đạt 16,7% (10.000 tỷ đồng) nhưng Chính phủ vẫn ước thực hiện cả năm đạt 100% là rất khó khăn.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc cân đối, bố trí vốn thực hiện các dự án đầu tư trong những tháng cuối năm 2017 - cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Theo phân tích của cơ quan thẩm tra thì nếu loại trừ khoản thu tiền sử dụng đất (93.500 tỷ), thu cổ tức, lợi nhuận còn lại sau thuế, tiền bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (120.000 tỷ) và thu xổ số kiến thiết (26.200 tỷ), thì số thu nội địa giảm so với dự toán.

Kết quả giám sát thực tế cho thấy, số thu nội địa giảm một mặt đã phản ánh khả năng phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế còn chậm, thu từ nội tại nền kinh tế chưa bền vững và thiếu tính ổn định. Bên cạnh đó, việc xử lý nợ đọng thuế, tuy đã được triển khai quyết liệt, nhưng số thuế nợ đọng còn lớn (khoảng 74,9 nghìn tỷ đồng tính đến hết 31/7/2017) - báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Những con số về thu nội địa, đặc biệt liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước, theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu là rất đáng lo ngại.

Chậm nhất 5 năm

Với thực hiện chi ngân sách, cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém.

Như, vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn ngân sách nhà nước giải ngân chậm nhất trong 5 năm gần đây (53,1%), vốn trái phiếu chính phủ giải ngân đạt 7% so với dự toán.

Tiến độ này, theo cơ quan thẩm tra là rất chậm so với cùng kỳ.

Nhiều nguyên nhân được cơ quan thẩm tra chỉ rõ như chuẩn bị dự án đầu tư chậm, giao dự toán chậm, thủ tục đầu tư phức tạp, giải phóng mặt bằng khó khăn, vướng mắc về một số quy định của pháp luật về đầu tư công…

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn hẹp, khả năng huy động vốn gặp nhiều khó khăn, việc nhiều bộ, ngành, địa phương đã được phân giao vốn, song lại chưa giải ngân hoặc tỷ lệ giải ngân quá thấp đã dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực đi vay, làm giảm hiệu quả trong đầu tư, tác động giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, giảm thu ngân sách - Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Cân nhắc tăng lương

Với dự toán chi ngân sách nhà nước 2018, đối với chi cải cách tiền lương một số ý kiến trong Ủy ban thẩm tra tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tăng mức lương cơ sở trên 7% (đạt mức 1.390.000 đồng/tháng) theo nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong điều kiện tăng trưởng kinh tế còn thấp, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thu cân đối của ngân sách Trung ương, cần cân nhắc tăng 7% mức lương cơ sở và đề nghị việc điều chỉnh tiền lương phải đi đôi với tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao hiệu quả công việc, đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công.

Đồng thời, có ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá lộ trình việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công gắn với việc cắt giảm chi thường xuyên ngân sách. Việc thực hiện cơ chế này đối với lĩnh vực y tế năm 2018 dự toán chỉ cắt giảm 90 tỷ đồng so với năm 2017, lĩnh vực giáo dục - đào tạo giảm 153 tỷ đồng so với năm 2017 là khá thấp, theo đó tác động của việc giao tự chủ đến việc giảm chi thường xuyên không nhiều.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị, căn cứ lộ trình tăng mức lương cơ sở khoảng 7% hằng năm từ nay đến năm 2020, có thể cho phép một số địa phương có điều tiết thu về ngân sách Trung ương trên cơ sở cam kết bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình, được sử dụng 50% số dư Quỹ tích lũy tiền lương để bổ sung vốn đầu tư phát triển vì quỹ làm lương của một số địa phương còn dư khá lớn sau khi đã bố trí đủ thực hiện tăng lương theo quy định nhưng không được sử dụng, gây lãng phí.

Theo Nguyên Vũ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên