Thu nhập bình quân của lao động ngành phần mềm Việt là gần 154 triệu đồng/người/năm
Thu nhập bình quân của lao động trong lĩnh vực phần mềm năm 2016 ước tính đạt 6.849 USD/người/năm (tương ứng hơn 153,7 triệu đồng/người/năm - PV), theo số liệu được Bộ TT&TT tổng hợp từ báo cáo của các địa phương.
- 21-09-20172016: Doanh thu viễn thông hơn 6 tỷ đô, lương ngành CNTT gần 7.000 USD/năm
- 17-07-2017Nhu cầu nhân sự CNTT cao nhất trong lịch sử
- 21-02-2017Giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho nhân lực công nghệ cao làm CNTT
Số liệu thống kê về mức thu nhập bình quân của lao động làm trong các lĩnh vực của ngành công nghiệp CNTT Việt Nam trong 2 năm 2015 và 2016 vừa được Bộ TT&TT công bố trong ấn phẩm Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2017 mới phát hành.
Cũng theo số liệu mới được công bố trong Sách Trắng CNTT-TT năm 2017, với mức thu nhập bình quân năm 2016 của lao động ước tính đạt 6.849 USD/người/năm (tương ứng hơn 153,7 triệu đồng/người/năm - PV), phần mềm là lĩnh vực có mức thu nhập bình quân cao nhất trong các lĩnh vực của ngành công nghiệp CNTT, gấp gần 1,8 lần so với thu nhập bình quân của lao động làm trong lĩnh vực phần cứng điện tử.
Cụ thể, thu nhập bình quân của lao động làm trong lĩnh vực phần cứng điện tử năm 2016 ước tính đạt 3.866 USD/người/năm (tương ứng khoảng 86,8 triệu đồng/người/năm - PV), tăng hơn 35,2% so với năm 2015. Thu nhập bình quân của lao động làm trong lĩnh vực dịch vụ CNTT (trừ buôn bán, phân phối) ước tính là 5.609 USD/người/năm (tương ứng gần 126 triệu đồng/người/năm - PV), tăng 4,33% so với năm 2015. Còn với lĩnh vực nội dung số, ước tính thu nhập bình quân của lao động làm trong lĩnh vực này năm 2016 là 6.189 USD/người/năm (tương ứng với gần 139 triệu đồng/người/năm - PV), tăng hơn 1,1% so với năm 2015.
Thu nhập bình quân của lao động ngành CNTT Việt Nam là bao nhiêu?
Biểu đồ về thu nhập bình quân của lao động làm trong các lĩnh vực của ngành công nghiệp CNTT Việt Nam trong 2 năm 2015 và 2016 (Theo số liệu công bố tại Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2017)
Là ấn phẩm cung cấp thông tin, số liệu thống kê chính thức về một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TT&TT được tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở đào tạo, hiệp hội, doanh nghiệp CNTT và các đơn vị trong Bộ, Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2017 cung cấp các thông tin, số liệu thống kê phản ánh hiện trạng phát triển CNTT-TT trong 2 năm 2015 và 2016.
Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT - Bộ TT&TT chia sẻ với báo chí về những điểm mới và nội dung thông tin cơ bản của Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2017 tại lễ công bố phát hành ấn phẩm này diễn ra chiều 19/9.
Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT - Bộ TT&TT chia sẻ với báo chí về những điểm mới và nội dung thông tin cơ bản của Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2017 tại lễ công bố phát hành ấn phẩm này diễn ra chiều 19/9.
Trong chia sẻ tại lễ công bố phát hành Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2017, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT - Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Tuyên cho biết, công nghiệp CNTT đang trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn dóng góp quan trọng vào GDP quốc gia. Tổng số doanh nghiệp CNTT cả nước năm 2016 ước tính là 24.501 doanh nghiệp, tăng 13,13% so với năm 2015.
Tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp CNTT năm 2016 nước ước tính đạt 1.500.009 tỷ đồng, tương đương 67,693 tỷ USD, tăng 11,49% so với năm 2015. Trong đó, doanh thu công nghiệp phần cứng là 58,838 tỷ USD; công nghiệp phần mềm là 3,038 tỷ USD; công nghiệp nội dung số là 739 triệu USD; và dịch vụ CNTT (trừ buôn bán, phân phối) là 5,078 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu CNTT ước đạt 60,789 tỷ USD, trong đó phần cứng điện tử là 57,737 tỷ USD, phần mềm là 2,491 tỷ USD. Tổng nộp ngân sách nhà nước ước đạt 34.320 tỷ đồng, đóng góp khoảng 3,4% tổng ngân sách nhà nước.
“So sánh với một ngành rất nóng hiện nay là ngành ô tô. Năm 2016, nhập khẩu xe nguyên chiếc là 2,3 tỷ USD và phụ tùng là 1,4 tỷ USD, tổng là 3,7 tỷ USD. Như vậy so với ngành ô tô, ngành CNTT có doanh thu gấp khoảng 20 lần”, ông Nguyễn Thanh Tuyên phân tích.
Cơ cấu xuất, nhập khẩu phần cứng, điện tử của Việt Nam năm 2016 (Nguồn: Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2017)
Về cơ cấu xuất, nhập khẩu phần cứng, điện tử của Việt Nam năm 2016, theo số liệu thống kê tại Sách Trắng CNTT-TT 2017, điện thoại là mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất, chiếm tới 62,5%, tiếp đó các mặt hàng phần cứng, điện tử của Việt Nam có tỷ trọng xuất khẩu cao trong năm ngoái gồm có: mạch điện tử tích hợp (9%), máy xử lý dữ liệu tự động (6,4%), dây cáp điện, cáp quang (5,3%), máy in (4,5%).
Đối với hoạt động nhập khẩu, mạch điện tử tích hợp là mặt hàng phần cứng, điện tử Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất trong năm 2016, chiếm tới 42%. Bên cạnh đó, cơ cấu nhập khẩu phần cứng, điện tử năm 2016 của Việt Nam còn có sự góp mặt của các nhóm hàng hóa: điện thoại và linh kiện (30,9%), điện trở (6%), máy xử lý dữ liệu tự động (3,2%), thiết bị bán dẫn (3%) và 14,9% là các loại mặt hàng phần cứng, điện tử khác.
Trong đánh giá tổng quan về hiện trạng CNTT-TT Việt Nam năm 2016, Sách Trắng 2017 cũng đã chỉ rõ: phát triển nguồn nhân lực số, biến lợi thế “dân số vàng” thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập với nền kinh tế số và phân công lao động quốc tế là một vấn đề được Việt Nam đặc biệt quan tâm.
Số liệu thống kê trong Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2017 cho thấy, nhân lực công nghiệp CNTT tiếp tục có sự tăng trưởng trong năm 2016. Cụ thể, tổng số nhân lực trong ngành công nghiệp CNTT năm 2016 ước tính là 780.926 lao động, tăng hơn 8,2% so với năm 2015. Trong đó, số lao động đang làm việc trong lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử là khoảng hơn 568.200 người, chiếm 72,6% tổng số lao động công nghiệp CNTT; lĩnh vực phần mềm có hơn 97.300 lao động; nội dung số có trên 46.600 lao động; và số lao động làm về dịch vụ CNTT (trừ buôn bán, phân phối) là hơn 68.600 người.
Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT, số lượng các trường đại học ,cao đẳng có đào tạo về CNTT, điện tử, viễn thông, an toàn thông tin năm 2016 là 250 trường, với tổng số chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng các ngành CNTT-TT là trên 68.000 sinh viên. Tuy nhiên, tỷ lệ thực tế tuyển sinh đại học, cao đẳng đạt 77,12% và tỷ lệ tốt nghiệp đại học, cao đẳng ngành CNTT-TT đạt 93,88%. Đối với đào tạo nghề, cả nước có khoảng 164 trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề đào tạo về CNTT, điện tử, viễn thông và an toàn thông tin, với tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 18.311 sinh viên, tỷ lệ thực tế tuyển sinh đạt 68,27% và tỷ lệ tốt nghiệp là 52,4%.
Thời điểm hiện tại, Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2017 đã được Bộ TT&TT cho ra mắt phiên bản tiếng Việt. Phiên bản tiếng Anh của ấn phẩm này dự kiến sẽ được hoàn thiện và phát hành trong tháng 10/2017. Bộ TT&TT dự kiến sẽ công bố tài liệu Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2017 dưới dạng điện tử trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để độc giả có thể tham khảo rộng rãi. Bên cạnh đó, Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2017 cũng sẽ được phát hành đến các bộ, ngành, địa phương; một số hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài hoạt động liên quan đến ngành CNTT-TT, các đại sứ quán có quan hệ hợp tác về CNTT-TT với Việt Nam.
ICT News