MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu nhập cao đến mấy mà vẫn mắc 5 sai lầm này thì khó có thể làm giàu bền vững: Thay đổi ngay để sớm nắm trong tay khối tài sản “kếch xù”

28-01-2020 - 08:03 AM | Sống

Kiếm được nhiều tiền chỉ là một yếu tố cần để bạn làm giàu, còn để duy trì được sự giàu có đó thì bạn phải biết tránh những sai lầm về quản lý tài chính, nhất là 5 lỗi sau.

Làm giàu và duy trì sự giàu có lâu dài sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta kiếm được nhiều tiền. Vì với thu nhập cao, bạn có thể thử nghiệm những ý tưởng như đầu tư bất động sản, hay bắt đầu kinh doanh trong khi vẫn làm công việc chính.

Không chỉ vậy, bạn cũng có nhiều tiền hơn để làm những việc như tối đa tài khoản dành khi nghỉ hưu, hoặc mở một tài khoản môi giới, nhưng vẫn có thể sống theo cách mà bạn muốn.

Tuy nhiên có những khi, thu nhập cao vẫn chưa đủ để bạn làm giàu bền vững. Là một cố vấn tài chính, tôi đã chứng khiến nhiều người giàu đang tự phung phí thu nhập cũng như tiềm năng của mình.

Vậy nên, việc bạn kiếm được bao nhiêu tiền thực chất không quá quan trọng. Thay vào đó, cách bạn sử dụng những đồng tiền do chính bạn kiếm được ấy mới là vấn đề cốt lõi. Dưới đây, tôi sẽ chỉ ra 5 sai lầm về tài chính phổ biến nhất mà người giàu thường mắc phải. 

1. Nhiễm nhiều thói quen chi tiêu xấu

Trong một video trên Youtube gần đây, tôi chia sẻ về một cặp đôi được cha mẹ họ (cũng là một khách hàng của tôi) giới thiệu tới gặp tôi. Họ đã ngoài 30 tuổi và đang sống một cuộc sống trong mơ với tổng thu nhập rất cao, rơi vào khoảng gần 500.000 USD mỗi năm.

Sau khi nói chuyện với cả hai, tôi biết được rằng, họ hy vọng sẽ nghỉ hưu khi ngoài 50 tuổi – một độ tuổi khá hợp lý vì xét cho cùng, họ cũng đang kiếm được rất nhiều tiền.

Nhưng sau khi xem xét kỹ về tình hình tài chính của họ, tôi lại chợt phát hiện ra một số thứ quả thực quá sức tưởng tượng. Tài sản của họ chỉ có 17.000 USD tính trên tất cả các tài khoản hưu trí, thanh toán và tiết kiệm, cũng như các khoản đầu tư.

Thu nhập cao đến mấy mà vẫn mắc 5 sai lầm này thì khó có thể làm giàu bền vững: Thay đổi ngay để sớm nắm trong tay khối tài sản “kếch xù” - Ảnh 1.

Hai người đã rơi vào cái bẫy của sự ganh đua, cố gắng để sở hữu những thứ đắt tiền và làm những việc tương tự như bạn bè, hàng xóm... vì sợ sẽ "tụt hậu". Việc họ kiếm được nhiều tiền là thật. Nhưng họ cũng có một ngôi nhà lớn, một vài chiếc xe kèm theo những khoản chi trả cho chúng, nhiều khoản nợ và sở thích đi du lịch.

Điểm mấu chốt tôi muốn nói ở đây là, thu nhập cao vẫn chưa đủ để làm giàu nếu bạn chỉ lên kế hoạch để chi tiêu toàn bộ số tiền mình có.

2. Không tự động hóa các khoản tiết kiệm

Một vấn đề nữa mà tôi hay thấy ở những người có thu nhập cao là không bao giờ dành thời gian để tự động hóa các khoản tiết kiệm và đầu tư của mình.

Khi kiếm được nhiều tiền, bạn dễ dàng cho rằng tất cả những mục tiêu về tiền bạc của bạn sẽ tự động được thực hiện theo đúng đường hướng. Nhưng thực tế không phải vậy.

Bạn không thể mong đợi bản thân tiền của bạn tự chuyển vào tài khoản môi giới, hay một tài khoản tiết kiệm lãi suất cao sẽ thay mặt bạn chuyển tiền từ tài khoản thanh toán sang được.

Thay vào đó, bạn phải thiết lập để những việc này diễn ra tự động, nếu không bạn sẽ dễ lãng quên chúng. Và kết quả là, ngay cả những khoản tiền lương lớn nhất của bạn cũng sẽ nhanh chóng cạn kiệt hết lần này đến lần khác mà thôi.

3. Không nói chuyện với một chuyên gia về các mục đích lập kế hoạch thuế hoặc kế hoạch về tài sản

Khi kiếm được nhiều tiền, bạn có thể nghĩ rằng mình không cần tới lời khuyên của bất cứ chuyên gia nào cả. Nhưng tôi lại từng chứng kiến nhiều khách hàng của mình phải trả nhiều tiền cho các loại thuế. Nguyên do là, họ không gọi tên đúng các tài sản của họ, hoặc không lập được loại kế hoạch tài sản phù hợp.

Rút cục, cuối cùng bạn cũng phải thừa nhận một điều rằng mình không thể biết được tất cả mọi thứ. Do vậy, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến của một hoặc vài chuyên gia. Đặc biệt là khi bạn giàu có, các chuyên gia về thuế và kế hoạch tài sản sẽ có kha khá cách để giúp bạn tiết kiệm được một khoản đáng kể đấy.

4. Nghĩ rằng họ không cần cố vấn tài chính vì bản thân đã thành công

Trong sự nghiệp của mình, quá nhiều lần tôi gặp những người tự cho rằng sự nghiệp thành công đã đưa họ lên một vị thế cao. Và vì thế, họ không cần bỏ tiền để lắng nghe những lời khuyên về tài chính nữa.

Thu nhập cao đến mấy mà vẫn mắc 5 sai lầm này thì khó có thể làm giàu bền vững: Thay đổi ngay để sớm nắm trong tay khối tài sản “kếch xù” - Ảnh 2.

Nhất là các bác sĩ và chuyên gia nổi tiếng khác, họ luôn mang theo thái độ này. Có thể do họ nghĩ, họ đã rất thông minh, có các bằng cấp cao, và đủ khả năng để chứng minh điều đó, nên họ không cần một người lên kế hoạch tài chính.

Thế nhưng, trên thực tế, có một sự nghiệp thành công và kiếm được nhiều tiền không có nghĩa là bạn biết được những cách tốt nhất để đầu tư. Thay vào đó, nó lại thường đồng nghĩa với việc ban không có đủ thời gian hoặc năng lượng tinh thần để quản lý tốt tiền của mình.

Và việc không có cố vấn tài chính sẽ có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường nếu bạn đang không tiết kiệm và đầu tư đúng mức.

5. Không theo dõi việc chi tiêu

Một trong những bước tốt nhất để bất cứ ai cũng có thể cải thiên tình hình tài chính của mình là theo dõi việc chi tiêu của bản thân. Quy tắc này áp dụng cho tất cả mọi người, dù họ kiếm được bao nhiêu tiền.

Khi theo dõi việc chi tiêu của mình, bạn sẽ ước chừng được số tiền bạn đã chi cho những thứ như hàng tạp hóa, bình ga, các trò giải trí và việc đi lại. Bạn không nhất thiết phải tính toán chi li, chính xác tới từng đồng, nhưng nên có một cái nhìn tổng quát chung.

Tuy nhiên, nhiều người giàu lại nghĩ rằng, vì họ có thu nhập cao nên có thể bỏ qua quy tắc này. Họ cứ giữ niềm tin sai lầm rằng họ kiếm được nhiều tiền đến mức việc họ chi tiêu ra sao không thành vấn đề. Nhưng thực tế không phải vậy. Do đó, nếu bạn thuộc nhóm người có thu nhập cao, đừng mắc sai lầm này.

Theo dõi việc chi tiêu là cách duy nhất để bạn biết được liệu mình có đang tốn tiền vào những thứ mà bạn thậm chí không cần đến hay không. Và dù thu nhập của bạn là bao nhiêu thì cũng đừng bao giờ lãng phí tiền bạc vào những thứ không thực sự cần thiết.

*Đây là bài viết được thực hiện bởi cố vấn tài chính Jeff Rose. Dù bạn có giàu hay kiếm được nhiều tiền hay không thì vẫn nên đọc và rút ra bài học để duy trì tốt tình hình tài chính của mình.

Tham khảo Business Insider

Đinh Kim

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên