MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu nhập của nhân viên bất động sản tăng nhanh gấp đôi nhân viên tài chính ngân hàng trong quý I/2022

Thu nhập của nhân viên bất động sản tăng nhanh gấp đôi nhân viên tài chính ngân hàng trong quý I/2022

Mới đây, Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo về tình hình lao động, việc làm quý I/2022. Báo cáo nhận định, so với quý trước, thu nhập quý I/2022 của lao động làm việc trong các ngành kinh tế có sự tăng trưởng khá. Trong đó, mức tăng thu nhập của lao động trong ngành bất động sản cao gần gấp 2 lần so với ngành tài chính ngân hàng và bảo hiểm.

Cụ thể, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,3 triệu đồng. Được biết, đây là khu vực có tốc độ tăng thu nhập bình quân tăng cao nhất trong ba khu vực kinh tế, tăng 22,6% so với quý trước, tăng tương ứng hơn 1,3 triệu đồng. 

Tiếp theo là lao động làm việc trong ngành dịch vụ, với thu nhập bình quân là 7,5 triệu đồng, tăng 20,5% so với quý trước, tăng tương ứng gần 1,3 triệu đồng. Lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân là 3,7 triệu đồng, tăng 8,8% so với quý trước, tăng tương ứng khoảng 301 nghìn đồng.

Thu nhập của nhân viên bất động sản tăng nhanh gấp đôi nhân viên tài chính ngân hàng trong quý I/2022 - Ảnh 1.

Đơn vị: Triệu đồng. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Nếu so với cùng kỳ năm 2021, lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất trong ba khu vực kinh tế, tăng 3,1%, tương ứng tăng khoảng 114 nghìn đồng.

Lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng có thu nhập bình quân tăng 1,4%, tương ứng tăng 100 nghìn đồng. Trong khi đó, lao động làm việc trong khu vực dịch vụ có mức thu nhập tăng không nhiều so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 78 nghìn đồng/người/tháng.

Xét theo ngành kinh tế, Tổng cục Thống kê cho biết, thu nhập của người lao động quý I/2022 đã có nhiều khởi sắc ở nhiều ngành kinh tế chủ lực so với quý trước. Cụ thể, lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức thu nhập bình quân là 7,2 triệu đồng, tăng 24,2%, tương ứng tăng 1,4 triệu đồng; lao động làm việc trong ngành bán buôn bán lẻ có thu nhập bình quân là 7,5 triệu đồng, tăng 23,3%, tương ứng tăng 1,4 triệu đồng.

Bên cạnh đó, lao động làm việc trong ngành tài chính ngân hàng và bảo hiểm có thu nhập bình quân là 10,8 triệu đồng, tăng 16,5%, tăng tương ứng là 1,5 triệu đồng; ngành kinh doanh bất động sản lao động có thu nhập bình quân là 10,7 triệu đồng, tăng 32,8%, tương ứng tăng 2,6 triệu đồng. Ngoài ra, lao động làm việc trong ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt có thu nhập bình quân là 9,5 triệu đồng, tăng 8,4%, tương ứng tăng 736 nghìn đồng.

Tỷ lệ thanh niên không có việc làm ở TP. HCM cao hơn Hà Nội

Báo cáo cũng cho biết, cũng trong quý I/2022, một bộ phận người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động. Kết quả, tỷ lệ thất nghiệp giảm so với quý trước.

Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2022 là khoảng 1,1 triệu người, giảm 489,5 nghìn người so với quý trước và tăng 16,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2022 là 2,46%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,04 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 2,88%, giảm 2,21 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,31 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 đến 24 tuổi) ở mức cao nhưng đã giảm dần, đặc biệt tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập hoặc đào tạo cũng ghi nhận giảm so với quý trước

Trong quý I/2022, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 đến 24 tuổi) là 7,93%, thấp hơn 0,85 điểm phần trăm so với quý trước và cao hơn 0,49 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên ở khu vực thành thị cao gấp 1,3 lần ở khu vực nông thôn, tương ứng là 9,30% và 7,20%.

Trong quý I/2022, cả nước có khoảng 1,7 triệu thanh niên 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 13,3% tổng số thanh niên), giảm 166,0 nghìn người so với quý trước và giảm 291,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị, 15,3% so với 10,1%.

So sánh theo 6 vùng kinh tế - xã hội, tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở Trung du và miền núi phía Bắc là cao nhất với 20,4%; tiếp theo là Đồng bằng sông Cửu Long với 19,1%, tương ứng giảm 0,8 và 2,5 điểm phần trăm so với quý trước. Tỷ lệ này ở Thành phố Hồ Chí Minh trong quý I/2022 là 9,1%, cao hơn so với Hà Nội (7,2%). So với quý trước, tỷ lệ này ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đều giảm, tương ứng là giảm 5,7 điểm phần trăm và giảm 0,6 điểm phần trăm.

https://cafef.vn/thu-nhap-cua-nhan-vien-bat-dong-san-tang-nhanh-gap-doi-nhan-vien-tai-chinh-ngan-hang-trong-quy-i-2022-20220412144854918.chn

Giang Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên