MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu nhập vẫn không đủ sống, công nhân chật vật trăm bề

03-04-2019 - 09:02 AM | Xã hội

Mặc dù thu nhập của CNLĐ đã tăng lên trong những năm gần đây, nhưng hiện nay, còn nhiều CNLĐ vẫn không đủ sống, phải tăng ca, làm thêm để nuôi sống bản thân và gia đình mình.

Thực trạng trên đòi hỏi trong thời gian sắp tới, chính sách tiền lương đối với tầng lớp CNLĐ cần được quan tâm hơn nữa, điều chỉnh hợp lý để họ nâng cao thu nhập, giúp họ cải thiện đời sống vật chất, từ đó nâng cao đời sống tinh thần.

Chưa kịp mừng khi Nhà nước tăng lương thì đã “méo mặt” vì các mặt hàng thiết yếu đã kịp “té nước theo mưa” tăng theo - đó là nỗi khổ mà nhiều năm qua CNLĐ phải gánh chịu. Họ buộc phải sống trong những ngôi nhà trọ xuống cấp với điều kiện sống tồi tệ để tồn tại qua ngày.

Dùng gas để tiết kiệm

Đi sâu vào con đường thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh (TP.Hà Nội), khói bụi mù, dọc đường là chiếc cống đen ngòm bốc lên mùi hôi thối, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Th (21 tuổi, quê Hà Tĩnh, đang làm CN KCN Bắc Thăng Long). Chị Th đang bồng đứa con nhỏ mới 4 tuổi trên tay. Chúng tôi theo chân chị về nhà. Nói là nhà nhưng chỗ chị ở chỉ là căn phòng rộng chừng chưa đến 15m2, trần nhà bị võng xuống một góc, xung quanh tường rụng vài mảng. Chị Th đặt đứa con xuống giường, lấy thức ăn trên chiếc kệ lỏng lẻo lèo tèo vài chiếc bát đũa. Tay phủi đám ruồi đang bâu, vừa nấu chị vừa kể: “Từ lúc giá điện tăng, nhà chị phải chuyển sang nấu bằng bếp gas cho tiết kiệm. Lúc trước dùng bếp điện mỗi tháng hết 300.000-400.000 đồng tiền điện, chưa kể những vật dụng khác, còn đến hè tiền điện có khi lên đến cả triệu!’’.

Chị Th cho biết thêm, những hôm đi làm về sớm thì tự nấu, còn hôm nào đi làm về mệt quá thì đi ăn quán. Quanh khu trọ có vài quán ăn bình dân, “chất lượng đảm bảo hay không chưa biết, nhưng no bụng đã’’ - chị Th vừa cười vừa chia sẻ.

Còn anh Nguyễn Huy T (21 tuổi, quê Nghệ An, một trong những công nhân tại khu trọ) cho biết: “Ở đây giá điện nước đều cao, điện là hơn 3.000 đồng/số, nước 50.000 đồng một người, nước là nước giếng bơm dùng trực tiếp. Khi có thông báo về việc giảm giá điện, chủ trọ giảm xuống còn 2.500 đồng/số nhưng lại tăng tiền nước lên 60.000 đồng/người”.

Một tháng thu nhập của CN như anh T là khoảng 6 triệu đồng, trừ tiền nhà, điện nước, hết 1,5 triệu đồng, tiền xăng xe, sinh hoạt là 1,5 triệu đồng, ma chay, hiếu, hỉ thêm 1 triệu đồng, gửi về quê 1,5 triệu đồng nữa, tằn tiện thì cũng để dư được 500.000 đồng, nếu ốm đau thì coi như âm tiền tháng đó.

Trường hợp của anh T là còn dư dả vì anh sống một mình. Hiện anh T đang bươn chải kiếm tiền gửi về cho bố mẹ vì gia đình anh nghèo quá. T là anh cả trong gia đình có 3 anh chị em.

Anh Nguyễn Xuân H - chủ dãy nhà trọ cho thuê giá rẻ - cho biết, phần lớn CN đến làm tại khu công nghiệp đều là những người tỉnh lẻ, đa số đều là những người có trình độ học thức vừa phải nên không yêu cầu cao về mặt đời sống, thêm nữa là với mức thu nhập của họ, họ chỉ có thể chịu được mức ở những khu trọ như này. Đó là những phòng chỉ có diện tích khoảng từ 13-15m2, với mức giá từ 500.000 - 650.000 đồng/tháng.

Theo quan sát của chúng tôi, khu trọ nhỏ gần hai mươi phòng nhưng chỉ có 3 nhà vệ sinh dùng chung, mỗi nhà vệ sinh rộng chưa tới… 1m2!

Thực phẩm… nhạy tăng giá

Tại Đồng Nai, “thủ phủ” của các KCN, nhiều công nhân (CN) cũng than phiền về việc giá nhà trọ, giá điện nước, giá lương thực thực phẩm rất “nhạy tăng giá”, chỉ một động thái nhỏ của việc tăng lương từ Nhà nước hay doanh nghiệp (DN), nhiều khu nhà trọ cũng bắt đầu tăng giá. CN luôn là đối tượng dễ bị tổn thương và chịu thiệt thòi đầu tiên từ việc “nhạy tăng giá” này.

Anh Nguyễn Ngọc Tuấn Minh (34 tuổi, làm CN Cty Taekwang Vina, ở trọ tại KP4, ấp Vườn Dừa, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) chia sẻ, gia đình anh đang sống trong căn nhà trọ ọp ẹp chỉ khoảng 20m2 nhưng ở tới 3 người gồm vợ chồng anh và con gái. Nhà cửa đã chật hẹp, thu nhập của anh Minh cũng chỉ 6-6,5 triệu đồng/tháng nhưng mới nhận xong đã hết veo.

Một tháng chi tiền phòng trọ đã hết 1,5 triệu đồng, 2 triệu đồng tiền sữa cho con gái, tiền đóng lãi ngân hàng 3 triệu đồng/tháng (trước đây anh vay để mua xe gắn máy), chưa kể các chi phí ăn uống đi lại, xăng xe, cưới hỏi, điện nước…

Tiền tích cóp được anh Minh chỉ còn trông chờ vào lương của vợ, nên chắc gom góp cả chục năm nữa cũng chưa đủ mua được một miếng đất để cất một căn nhà đàng hoàng.

Anh Minh cho biết, vì thấy vợ chồng anh vất vả nên cả hai ông bà đã bán nhà ở quê để lên TP.Biên Hòa chăm sóc cháu, phụ giúp vợ chồng anh rồi đi phụ việc cho người ta để kiếm thêm tiền chi tiêu.

“Giá cả tăng nhanh quá, lương thì tăng chậm, còn chi phí tăng chóng mặt, vợ chồng em sắp kham không nổi, bọn em sẽ chuyển về nhà bố mẹ để ở nhờ, giảm bớt chi phí cho đỡ vất vả” - anh Minh chia sẻ.

Ông Đinh Quốc Toản - Chủ tịch CĐ Các KCN-KCX Hà Nội: Hiện nay, tại các KCN-KCX Hà Nội có trên 150.000 NLĐ, trong số đó có tới 65% số NLĐ đang phải thuê trọ. Theo khảo sát của CĐ, phần lớn NLĐ đang thuê trọ cuộc sống còn nhiều khó khăn, bởi họ đang phải gánh nhiều loại chi phí, như phí thuê trọ (trung bình: 600.000 đồng/phòng, diện tích chỉ 10-12m2); trả tiền điện hơn 3.000 đồng/số; tiền nước mỗi người 50.000 đồng/tháng…

Những gia đình có con nhỏ thì chi phí nhiều hơn bởi tiền gửi trẻ, tiền sữa; nếu con còn nhỏ chưa gửi được nhà trẻ thì phải đưa người thân lên trông giữ hộ, cũng rất tốn kém. Trong thời gian qua, cuộc sống của NLĐ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi giá điện, xăng, nước vừa điều chỉnh theo hướng tăng lên; lợn bị bệnh, khiến giá cả sinh hoạt "leo thang", trong khi đó lương vẫn "giẫm chân tại chỗ",… dẫn tới họ phải thắt chặt chi tiêu.

Theo tôi, trong đợt điều chỉnh lương tối thiểu vùng sắp tới, Hội đồng Tiền lương quốc gia khi tính toán điều chỉnh cũng cần đưa các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của NLĐ như giá điện, nước, xăng, thực phẩm… để đưa ra mức điều chỉnh, đáp ứng được mức sống tối thiểu của NLĐ.

H.A

Theo LẠI THU HƯƠNG - HÀ ANH CHIẾN

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên