MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu NSNN 6 tháng đầu năm ước đạt 775 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 50% dự toán năm

Thu NSNN 6 tháng đầu năm ước đạt 775 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 50% dự toán năm

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tiến độ thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 đạt khá trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Chi ngân sách được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, ưu tiên chi cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.

Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 775 nghìn tỷ đồng, bằng 57,7% dự toán năm, trong đó: Thu nội địa đạt 633,1 nghìn tỷ đồng, bằng 55,9%. Thu từ dầu thô 18,5 nghìn tỷ đồng, bằng 79,8%. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 122,8 nghìn tỷ đồng, bằng 68,8%.

Thu NSNN 6 tháng đầu năm ước đạt 775 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 50% dự toán năm - Ảnh 1.

Tổng chi ngân sách nhà nước ước tính đạt 694,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 501 nghìn tỷ đồng, bằng 48,3%; chi đầu tư phát triển 133,9 nghìn tỷ đồng, bằng 28,1%; chi trả nợ lãi 56,8 nghìn tỷ đồng, bằng 51,6%.

Trước đó, theo số liệu của Tổng cục Thuế, trong 5 tháng đầu năm, thu nội địa đạt 575.677 tỷ đồng, bằng 51,6% so với dự toán và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng cục trưởng Tổng cục thuế Cao Anh Tuấn cho biết, số thu nội địa trong 5 tháng đầu năm tăng khá chủ yếu do một số nguồn thu cũng được hưởng lợi từ các chính sách tài khoá, tiền tệ trong năm 2020 và một số ngành tăng trưởng nóng như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản; sản xuất, lắp ráp ô tô...

Hon nữa, thị trường chứng khoán và bất động sản tăng trưởng nóng trong những tháng đầu năm cũng góp phần tăng thu từ lệ phí trước bạ nhà đất, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán và chuyển nhượng bất động sản.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, mặc dù số thu ngân sách những tháng đầu năm đạt trên 50%, nhưng dự báo trong các tháng tới, việc thực hiện giãn, hoãn thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu ngân sách nhà nước. Do vậy, cần có kịch bản cho từng trường hợp, đảm bảo không bị động, bất ngờ, phải rà soát, quản lý tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói thêm, thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thu phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế. Trong đó sửa đổi bổ sung chính sách thu hợp lý, nuôi dưỡng nguồn thu, quản lý các nguồn thu tiềm năng như dịch vụ điện tử, Facebook, Google, Grab.

Cùng với đó, thực hiện sử dụng hóa đơn điện tử, quản lý dữ liệu điện tử để chống mua bán hóa đơn, bỏ lọt nguồn thu, hoàn thuế không đúng... Hạn chế tối đa lồng ghép các chính sách an sinh xã hội trong các luật về thuế, các chính sách ưu đãi ảnh hưởng đến thu ngân sách.

Cuối cùng, Bộ trưởng kết luận, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, chống thất thoát, gian lận thuế; tăng cường chống chuyển giá, tăng cường quản lý thu, chống thất thu ngân sách nhà nước, chống gian lận thương mại... lành mạnh hóa môi trường sản xuất kinh doanh, đảm bảo lợi ích quốc gia; đảm bảo nguồn thu cho ngân sách.

Anh Vũ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên