MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu NSNN tại Hà Nội năm nay có thể giảm hơn 33.000 tỷ đồng

24-04-2020 - 14:35 PM | Tài chính - ngân hàng

Mặc dù tiến độ thu ngân sách trong Quý I đạt yêu cầu nhưng Thành phố dự kiến gặp nhiều khó khăn trong những quý còn lại vì hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ vì COVID-19, chính sách hạn chế đồ uống có cồn và các tác động gián tiếp khác,...

Sáng 24/4, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ đã làm việc với Ban cán sự Đảng UBND Thành phố về tình hình tài chính- ngân sách giai đoạn 2016- 2019 và cân đối thu, chi ngân sách năm 2020; định hướng xây dựng kế hoạch tài chính- ngân sách của Thành phố năm 2021; tiến độ thực hiện và giải ngân gói hỗ trợ an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết, từ năm 2016- 2019, Thành phố đã ban hành kịp thời các quy định về tài chính- ngân sách trên cơ sở thống nhất chủ trương của Thành uỷ, sự phối hợp của UBND và HĐND Thành phố. Kết quả là Thành phố đều hoàn thành và vượt dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) Trung ương giao, cơ cấu thu NSNN chuyển biến tích cực khi tỷ trọng thu nội địa tăng hơn 2% lên mức 91,7%, nợ đọng giảm dần, còn 4,6% tổng thu NSNN vào cuối năm 2019.

Hà Nội cũng cơ cấu tốt các khoản chi, giúp giảm tỷ trọng chi thường xuyên gần 5% trong 4 năm qua, còn 50,7%, thấp hơn yêu cầu của Trung ương giao, giúp Hà Nội tận dụng được nguồn lực phục vụ xây dựng, phát triển Thủ đô.

Bước vào năm 2020, mặc dù tiến độ thu ngân sách trong Quý I đạt yêu cầu nhưng Thành phố sẽ gặp nhiều khó khăn trong những Quý còn lại vì hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ vì COVID-19, chính sách hạn chế đồ uống có cồn và các tác động gián tiếp khác,... Hà Nội dự báo dự toán thu NSNN trên địa bàn giảm hơn 33.000 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương giảm khoảng 10.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Hà Nội bước đầu xác định các tác động tới khoản thu, chi ngân sách để triển khai các Nghị quyết 41 và 42/2020/NĐ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn vì COVID-19 và đưa ra phương án cân đối ngân sách các cấp 2020 bằng các giải pháp cắt giảm dự toán chi thường xuyên, sử dụng kết dư ngân sách năm ngoái, nguồn cải cách tiền lương và sử dụng một phần Quỹ Dự trữ tài chính, ngân sách thành phố xem xét hỗ trợ cho các quận, huyện không bảo đảm cân đối ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Kết luận cuộc họp, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá trong những năm qua và 4 tháng đầu năm, ngành tài chính thành phố có nhiều nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ tài chính, ngân sách, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh, phúc lợi xã hội của Thành phố, đồng thời đóng góp hỗ trợ cho các địa phương khác trên cả nước.

Trên cơ sở phương án thu, chi ngân sách, Bí thư yêu cầu Ban cán sự UBND Thành phố tiếp tục cập nhật, đánh giá xác thực hơn, thận trọng hơn về thu, chi để quyết tâm bảo đảm cân đối năm 2020, phấn đấu để có khoản thu cao nhất trên cơ sở khai thác hết dư địa; chi trên cơ sở khả năng thu, ưu tiên cho lĩnh vực con người, chính sách xã hội, người có công, môi trường, bảo đảm an ninh xã hội; tăng cường phân cấp cho các quận, huyện trong chi trả gói hỗ trợ của Nghị định số 42/2020/NĐ-CP. Cân đối thu, chi ngân sách năm 2020 đặt trong cân đối của năm 2021 và giai đoạn 2021- 2025.

Bí thư Thành uỷ giao Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố ban hành Chỉ thị tăng cường quản lý cân đối thu chi ngân sách, giao nhiệm vụ cho các ngành quận huyện các nhiệm vụ cơ bản. Trong đó bảo đảm nguyên tắc: Chi trong khả năng thu, giảm thu thì giảm chi, sắp xếp lại các khoản chi, bảo đảm chi theo dự toán.

Công tác thu ngân sách phải bảo đảm 2 "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch vừa bảo đảm phục hồi sản xuất kinh doanh, tăng cường kích cầu bằng cơ chế, chính sách để doanh nghiệp hoạt động, tạo việc làm cho người lao động; mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn cơ sở thuế, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, tăng cường công tác quản lý chứng từ hoá đơn, chống gian lận thuế, áp dụng hoá đơn điện tử, trước hết là các quận nội đô, các trung tâm thương mại lớn để giảm thuế khoán; thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; tạo thuận lợi thương mại gắn với chống gian lận thương mại; xử lý các vướng mắc hiện tại về đất đai của các dự án theo quy định của pháp luật để bảo đảm nguồn thu; tạo thuận lợi nhưng tăng cường kiểm soát chi của Kho bạc, nhất là các khoản chi trong phòng, chống dịch.

Bí thư Thành uỷ cũng giao UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan rà soát đúng các đối tượng doanh nghiệp thực hiện giãn, hoãn nộp thuế; rà soát cơ cấu nguồn chi để thực hiện hoặc báo cáo HĐND quyết định nguồn thực hiện chi trả an sinh xã hội kịp thời theo Nghị định 42/2020/NĐ-CP và các chính sách an sinh đặc thù theo yêu cầu của Chỉ thị 31-CT/TU ngày 3/4/2020 của Thành ủy Hà Nội./.

Thành Chung

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên