MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu phí bảo vệ môi trường với khí thải: Nhiều băn khoăn

18-12-2018 - 08:25 AM | Xã hội

Bộ Tài chính vừa yêu cầu các đơn vị chức năng đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về đối tượng chịu phí, mức thu, cách thức tính phí, quản lý và sử dụng…

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu các kiến nghị của UBND TP Hà Nội về việc thu phí phương tiện vào nội đô; đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Hết sức cần thiết

Theo văn bản mà UBND TP Hà Nội đề xuất Thủ tướng xem xét, sửa đổi, bổ sung một số quy định để làm cơ sở cho TP thực hiện đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030", ngoài nội dung thu phí xe vào nội đô, TP Hà Nội còn đề xuất thêm một biện pháp để hạn chế ô nhiễm môi trường. Đó là quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành phương tiện thông qua đăng kiểm.

Chính quyền TP Hà Nội cho rằng sự gia tăng của phương tiện giao thông "đã ở mức báo động". Nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng. Dự báo đến năm 2020, TP Hà Nội sẽ có hơn 843.000 ôtô, hơn 6 triệu môtô, xe máy. Đến năm 2030 thì số ôtô là hơn 1,9 triệu, còn xe máy là hơn 7,5 triệu chiếc. Vì vậy, UBND TP Hà Nội khẳng định việc quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành phương tiện thông qua đăng kiểm "là biện pháp nhằm hạn chế hoạt động của các phương tiện giao thông cũ, phát thải cao" và hết sức cần thiết.

Thu phí bảo vệ môi trường với khí thải: Nhiều băn khoăn - Ảnh 1.

Với trên 5 triệu xe máy, gần 500.000 ôtô, chưa kể phương tiện từ các địa phương khác về nên nhiều con đường ở Hà Nội luôn đông nghẹt, xả khí thải gây ô nhiễm môi trườngẢnh: NGÔ NHUNG

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đồng ý với các đề nghị của Bộ Tài chính về các nội dung TP Hà Nội đề xuất liên quan đến bổ sung phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội báo cáo Bộ Tài chính về cơ sở pháp lý, sự cần thiết, nội hàm và tác động của khoản phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của phương tiện cơ giới đường bộ. Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của UBND TP Hà Nội và chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết: "Mục tiêu đề án thu phí phương tiện vào nội đô không phải tăng thu ngân sách, mà là biện pháp để người dân lựa chọn tuyến đường đi hợp lý nhất, vừa bảo đảm nhu cầu đi lại và yêu cầu tổ chức giao thông của TP, vừa kéo giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường cho các khu vực có nguy cơ. Đề án này là bước đầu trong quy trình sửa đổi của luật theo Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, họ sẽ phân loại mức độ khí thải gây ô nhiễm để xác định các mức phí. Đây cũng là bài toán rất khó đối với Hà Nội khi xác định khu vực thu phí, khu vực ùn tắc và đối tượng thu phí. Dự kiến đề án sẽ được trình lên HĐND TP trong năm 2019. Nếu được thông qua, đề án sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định".

Lo phí chồng phí

Theo ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, việc thu phí phương tiện vào nội đô là cần thiết. Đây được xem như một cách để giảm ùn tắc giao thông, giảm tải các tuyến phố trong nội thành. Tuy nhiên, vấn đề là thu thế nào, có thu được không, bảo đảm công bằng giữa các phương tiện giao thông hay không, khoản tiền thu đó sẽ được TP sử dụng làm gì thì cần phải đặt câu hỏi.

Ông Liên cho rằng có hai vấn đề cần làm rõ: Thứ nhất, chủ phương tiện giao thông đã phải đóng 3.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường/mỗi lít xăng, từ 1-1-2019 tăng lên 4.000 đồng khi mua và sử dụng. Như vậy, việc phụ thu khí thải ô nhiễm môi trường với phương tiện là không đúng, có hiện tượng phí chồng phí. Trong phương tiện giao thông, ví dụ ôtô, có quy định tiêu chuẩn mức xả thải ra môi trường như tiêu chuẩn Euro 2, Euro 1. Như vậy, phụ thu khí thải ô nhiễm môi trường phải dựa vào tiêu chuẩn xả thải của phương tiện, phụ thuộc vào tuổi xe.

Thứ hai, trước khi phụ thu khí thải ô nhiễm môi trường, cần làm rõ khí thải phương tiện tác động như thế nào đến môi trường của Hà Nội. Ví dụ, Hà Nội đưa ra con số thu là 10.000 đồng thì phải chứng minh con số ấy dựa trên tính toán nào? Cần so sánh tác động khí thải phương tiện giao thông lên môi trường với tác động từ vấn đề đô thị hóa, phát triển công nghiệp, xây dựng lên môi trường… Đồng thời, khi ô nhiễm môi trường tăng, tại sao nhiều khu vực cây xanh Hà Nội lại bị thay thế?

Trong khi đó, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy bày tỏ: "Đời sống người dân còn rất khó khăn, việc phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải của phương tiện cần xem lại bởi trong giá xăng đã bao gồm thuế bảo vệ môi trường. Nếu thu thuế bảo vệ môi trường từ xăng dầu, sau đó thu tiếp phí môi trường trên phương tiện thì có nghĩa là thu phí hai lần".

TP HCM gấp rút kiểm soát khí thải xe máy

Sở GTVT TP HCM đang đề xuất UBND TP xem xét xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với môtô, xe máy, trước thực trạng ô nhiễm môi trường do loại xe này gây ra ngày càng gia tăng. Hiện sở đã xây dựng các đề án "Thu phí ôtô lưu thông vào trung tâm TP để hạn chế ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường"; "Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP HCM". Những đề án này đề cập việc phải kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với ôtô, môtô, xe 2-3 bánh. Từ đó sẽ quy định vùng hoạt động của các phương tiện theo mức độ về điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, đồng thời tiến hành thu phí ô nhiễm môi trường đối với phương tiện…

Theo Sở GTVT TP HCM, với số lượng môtô, xe máy có tốc độ tăng trưởng nhanh như hiện nay, cộng với những xe đã qua nhiều năm sử dụng, cũ nát, chất lượng khí thải kém dần càng khiến ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP gia tăng.

Trong đề xuất xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với môtô, xe máy, Sở GTVT TP HCM cho biết nếu được UBND TP thông qua thì sẽ thuê tư vấn làm các lộ trình để triển khai trong năm 2019, kinh phí xây dựng đề án vào khoảng 2,4 tỉ đồng. Đề án sẽ có nhiều nội dung như xây dựng, ban hành bộ tiêu chuẩn địa phương về khí thải môtô, xe máy cùng các cơ chế, chính sách và lộ trình thực hiện. Trong đó, những xe máy cũ gây ô nhiễm sẽ có các biện pháp như thu hồi, phân vùng cho những xe đạt chuẩn khí thải hoạt động… Đồng thời, đề án cũng sẽ xây dựng, ban hành các chính sách về thuế, giá dịch vụ để phục vụ việc xã hội hóa hoạt động kiểm định, đáp ứng nhu cầu kiểm soát khí thải.

Trước đó, tháng 5-2018, Bộ GTVT đã chỉ đạo trong khi chờ sửa Luật Giao thông đường bộ, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách về cải thiện chất lượng không khí đô thị, Sở GTVT TP HCM có thể báo cáo UBND TP đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm trước việc kiểm soát khí thải môtô, xe máy tại TP. Nội dung đề xuất thí điểm cần nêu rõ lộ trình thực hiện kiểm soát khí thải, chu kỳ kiểm định đối với môtô, xe máy; hồ sơ thủ tục và các biện pháp kiểm soát việc thực hiện kiểm tra khí thải; điều kiện của cơ sở kiểm định khí thải, các chính sách về thuế, giá dịch vụ để phục vụ việc xã hội hóa hoạt động kiểm định, đáp ứng yêu cầu kiểm soát khí thải môtô, xe máy tại TP.

G.Minh

Phải làm từng bước

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: "Hiện địa phương vẫn chưa lên phương án thu phí môi trường trên khí thải. Thời gian rồi chỉ mới thu phí môi trường trên rác thải, xăng dầu, nước thải. Tuy nhiên, sắp tới, Cần Thơ sẽ suy nghĩ tới việc này vì khí thải có ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, tác động lớn. Đây là vấn đề lớn của quốc gia, biết là rất cần nhưng phải làm từng bước".

C.Linh

Bình Thuận: Lo tro, xỉ từ nhiệt điện

Lãnh đạo các sở: Tài chính, GTVT và Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Thuận cho biết đến nay vẫn chưa nhận văn bản hay chỉ đạo nào của Bộ Tài chính liên quan đến việc đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Tỉnh Bình Thuận có Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân được đánh giá là một trong những trung tâm sản xuất điện lớn cung cấp điện cho khu vực miền Nam. Trung tâm gồm 5 nhà máy nhiệt điện than, công suất thiết kế 6.264 MW. Hiện nay, đã có 2 nhà máy điện Vĩnh Tân 2 và Vĩnh Tân 4 đi vào hoạt động. Thời gian tới, dự án điện Vĩnh Tân 1 (theo hình thức BOT) sẽ phát điện thương mại, Vĩnh Tân 3 đang thực hiện các thủ tục đầu tư. Ngoài ra, dự án Vĩnh Tân 4 mở rộng dự kiến đi vào vận hành chính thức vào tháng 12-2019.

Trong báo cáo mới nhất gửi đến Thủ tướng, Bộ Công Thương cho biết khi các nhà máy thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đi vào hoạt động theo thiết kế, lượng tro xỉ phát sinh khoảng 3,8 triệu tấn/năm. Trong đó, 3 nhà máy (Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng) sử dụng chung bãi chứa tro, xỉ có diện tích 38,3 ha, sức chứa 9,3 triệu m3. Hiện nay, bãi đã chứa khoảng 4,5 triệu m3 và dự kiến sẽ đầy trong khoảng 2 năm tới. Các khu vực bãi chứa tro xỉ của các nhà máy này nằm gần Quốc lộ 1, chịu tác động bởi gió biển cường độ mạnh. Khi có gió mạnh cùng lốc xoáy tại khu vực này gây hiện tượng phát tán bụi xỉ từ bãi xỉ than ra môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân địa phương. Thời gian qua, tình trạng này làm cho nhiều người dân địa phương không khỏi bức xúc.

V.Khánh


Theo Huy Thanh - Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên