MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu phí cao từ đối tác, áp đảo nhiều phân khúc, Grab Việt Nam lần đầu lãi lớn khi Be, Now, Gojek tiếp tục gồng lỗ

08-07-2021 - 16:01 PM | Doanh nghiệp

Grab bắt đầu hái quả ngọt tại thị trường Việt Nam nhờ vị thế áp đảo từ các mảng gọi xe, giao hàng đến giao đồ ăn.

Ngày hôm qua hãng hàng không AirAsia xác nhận sẽ mua lại mảng kinh doanh của ứng dụng gọi xe Gojek tại Thái Lan. Trước đó, AirAsia Digital của AirAsia kinh doanh trong mảng phi hàng không, bao gồm giao đồ ăn, đồ tươi sống, dịch vụ vận chuyển, nền tảng thương mại điện tử, cổng thanh toán nhưng chưa có dịch vụ gọi xe. Theo CEO AirAsia Tony Fernandes, thương vụ mua lại Gojek Thái Lan sẽ giúp AirAsia gia nhập hàng ngũ các siêu ứng dụng dẫn đầu Đông Nam Á, đồng thời cho phép Gojek tăng cường đầu tư vào các hoạt động tại Việt Nam và Singapore và điều này sẽ "làm rung chuyển ngành". Đổi lại Gojek sẽ nhận được cổ phần trong AirAsia SuperApp có giá trị thị trường khoảng 1 tỷ USD.

Trong khi đó, Gojek chuẩn bị sáp nhập với nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Indonesia là Tokopedia thành GoTo. Tương lai của GoTo cũng như AirAsia xác định thị trường Việt Nam và Singapore là thị trường trọng điểm cho các hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, 2 năm Gojek vào thị trường Việt Nam thông qua sáp nhập GoViet thực sự thất vọng. Gojek cho biết tại Việt Nam, siêu ứng dụng này đã kết nối hơn 150.000 đối tác tài xế và 80.000 đối tác nhà hàng với hàng triệu người dùng Việt qua 3 dịch vụ đặt xe (GoRide), đặt món (GoFood), và đặt giao hàng (GoSend). Tuy nhiên trong vòng 1 năm, có tới 2 CEO của Gojek tại Việt Nam phải rời ghế. Thị trường Việt Nam hoàn toàn "không dễ xơi" bởi thách thức lớn nhất của Gojek ở thị trường Việt Nam hiện nay là Grab. 

Trước khi có sự tham gia của AirAsia, Gojek còn thiếu hai mảnh ghép là thanh toán (GoPay) và GoCar. 

Trong khi đó, hệ sinh thái của Grab tại Việt Nam bao phủ toàn bộ, từ Grab Car, Grab Food, Moca, Grab giao hàng...Số liệu của Grab công bố, Moca – đối tác chiến lược của Grab – đang là một trong những công ty dẫn đầu thị trường về thanh toán điện tử. Tổng giá trị thanh toán qua ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab đạt mức tăng trưởng đến 150% trong nửa đầu năm 2019, với số lượng người dùng tương tác hàng tháng tăng đến hơn 70%. GrabFood, nền tảng giao nhận thức ăn hàng đầu Việt Nam, đạt tổng giá trị giao dịch tăng đến 400% trong nửa đầu năm 2019, với số lượng đơn hàng trung bình hàng ngày đạt đến 300.000 đơn hàng.

Cũng giống như Gojek, Grab cũng xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm trong 5 năm tới và tuyên bố sẽ "mạnh tay" rót tiền cho thị trường Việt Nam.

Năm 2019, Grab công bố sẽ đầu tư 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong 5 năm để triển khai các dịch vụ mới và mở rộng mạng lưới các dịch vụ kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn và thanh toán điện tử, đồng thời phát triển các giải pháp mới về công nghệ di động, công nghệ tài chính và logistics. Grab cho biết, trong 5 năm có mặt tại thị trường Việt Nam đã tạo ra thu nhập tích luỹ gần 1 tỷ USD cho hàng trăm ngàn đối tác tài xế.

Grab gần như đánh bại mọi ứng dụng gọi xe tại Việt Nam, từ Gojek, Be Group, FastGo, Vato, MyGo…với lĩnh vực giao hàng ăn, Grab cũng tỏ ra vượt trội với NOW, Baemin - công ty được "chống lưng" bởi kỳ lân Hàn Quốc Woowa Brothers.

Thu phí cao từ đối tác, áp đảo nhiều phân khúc, Grab Việt Nam lần đầu lãi lớn khi Be, Now, Gojek tiếp tục gồng lỗ - Ảnh 1.
Thu phí cao từ đối tác, áp đảo nhiều phân khúc, Grab Việt Nam lần đầu lãi lớn khi Be, Now, Gojek tiếp tục gồng lỗ - Ảnh 2.

Trong 5 năm, lỗ luỹ kế của Grab tại Việt Nam hơn 4.300 tỷ đồng

Trong 5 năm qua, doanh thu của Grab Việt Nam tăng gần 20 lần, từ gần 200 tỷ đồng năm 2016 lên gần 3.800 tỷ đồng năm 2020. Điều đáng chú ý, sau 6 năm "đốt tiền" cho chi phí quảng cáo để mở tập khách hàng, năm 2020 Grab Việt Nam đã công bố có lãi gần 250 tỷ đồng. Năm 2019, Grab Việt Nam lỗ tới gần 1.700 tỷ. Lỗ luỹ kế lên tới 4.300 tỷ đồng. Hầu hết các ứng dụng giao đồ ăn và ứng dụng gọi xe tại Việt Nam đều lỗ, tính đến 2019, Be Group lỗ luỹ kế hơn 1.570 tỷ, Go-Viet lỗ 2.278 tỷ, Foody lỗ 1.262 tỷ trong khi Baemin mới vào Việt Nam lỗ gần 570 tỷ. 

Riêng năm 2020, NOW lỗ 1.500 tỷ, Baemin lỗ hơn 1.400 tỷ, Gojek lỗ hơn 700 tỷ...

Thu phí cao từ đối tác, áp đảo nhiều phân khúc, Grab Việt Nam lần đầu lãi lớn khi Be, Now, Gojek tiếp tục gồng lỗ - Ảnh 3.

Tuy nhiên, khi Grab bắt đầu hái quả ngọt tại thị trường Việt Nam thì tài xế của Grab và các cửa hàng tham gia liên tục bức xúc với các quy định của Grab. Liên tục điệp khúc tăng chiết khấu với tài xế, tăng phí, nộp thuế đã khiến nhiều tài xế tắt app và đình công.

Cuối năm 2020, hàng trăm tài xế Grabbike đã tắt ứng dụng, kéo đến trụ sở Grab ở đường Duy Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) để phản đối mức khấu trừ cho mỗi chuyến xe tăng từ 20% lên 27,2% vì cho rằng mức chiết khấu này quá cao, ảnh hưởng đến thu nhập của họ. Trong khi đó, đại diện Grab cho rằng phần chiết khấu vẫn là 20%, còn phần tăng thêm là thuế VAT áp dụng theo Nghị định 126. Để bù lại lại phần tăng thuế VAT lên 10%, Grab chủ động tăng giá dịch vụ GrabBike thêm 6%. Theo quy định của Nghị định 126, thuế VAT 10% được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, bao gồm cả phần doanh thu vận tải của đối tác tài xế. 

Tài xế phản đối, còn Grab sẽ không thay đổi chính sách. Nhiều tài xế phản ứng nhưng thực tế số lượng tài xế đăng ký làm Grabbike vẫn tăng. 

Thu phí cao từ đối tác, áp đảo nhiều phân khúc, Grab Việt Nam lần đầu lãi lớn khi Be, Now, Gojek tiếp tục gồng lỗ - Ảnh 4.

Châu Cao

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên