MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu phí không dừng ì ạch 6 năm

Chỉ 60% trong 2,7 triệu xe có dán thẻ ETC nạp tiền vào tài khoản, 40% còn lại không nạp tiền nên không thể áp dụng thu phí không dừng.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) tại các dự án đường cao tốc do VEC quản lý, hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội. Theo đó, có biện pháp xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan nếu để chậm tiến độ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30-6.

Chỉ 2,7 triệu phương tiện dán thẻ ETC

Ngày 22-2, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 155/CĐ-TTg về triển khai dán thẻ định danh đối với ôtô để sử dụng dịch vụ thu phí giao thông đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo nhà cung cấp dịch vụ thu phí tổ chức tốt công tác dán thẻ định danh cho phương tiện giao thông, công bố số điện thoại và địa chỉ liên hệ để tạo thuận tiện cho việc dán thẻ. Bên cạnh đó, có giải pháp xử lý ngay các lỗi kỹ thuật của hệ thống ETC nếu phát sinh. Làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị khi để xảy ra lỗi kỹ thuật, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Ông Tô Nam Toàn - Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ, môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) - cho biết sau 6 năm triển khai, hiện có khoảng 2,7 triệu trong tổng số gần 5 triệu phương tiện được dán thẻ ETC, tuy nhiên chỉ có 60% đã nạp tiền vào tài khoản. Vì vậy, phương tiện dù đã dán thẻ mà không nạp tiền để sử dụng dịch vụ thì thu phí tự động cũng sẽ không phát huy hiệu quả. Theo ông Toàn, Tổng cục Đường bộ đã nhiều lần đề xuất các giải pháp như giảm phí qua trạm, mở chiến dịch khuyến mại để khuyến khích, tạo thói quen cho người dùng. Tuy nhiên, các chính sách đó đều không thực hiện được. "Đa phần các dự án ở Việt Nam được đầu tư theo hình thức BOT. Quy trình đàm phán giữa các bên thường rất khó khăn và kéo dài do gặp phản ứng của các nhà đầu tư, ngân hàng tài trợ vốn. Lý do được đưa ra là dự án đang bị sụt giảm doanh thu, ảnh hưởng đến phương án chính" - ông Toàn nói.

Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp vận tải có nhiều đầu xe nên phải nạp số tiền không nhỏ vào tài khoản giao thông sau đó trừ dần nên khiến họ không mặn mà.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông, rào cản lớn nhất của ETC hiện nay chính là sự tồn tại của các dịch vụ thu phí ngoài ETC. Theo ông Thủy, muốn đẩy nhanh tiến độ dán thẻ ETC cho các phương tiện, phải đảo ngược cách làm hiện nay. Đó là đóng toàn bộ làn thu phí thủ công để các phương tiện không còn lựa chọn nào khác ngoài phải sử dụng làn ETC. Có như vậy chủ phương tiện mới chủ động dán thẻ ETC và nạp tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ.

Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng nhiều người chưa hiểu rõ tiện ích của dịch vụ này nên còn thờ ơ. Bên cạnh đó, việc triển khai cũng còn bất cập. Ông Liên dẫn chứng: "Cả năm mới đi một lần tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng phải dán thẻ; chưa kể đi 1/3 đoạn đường sau đó rẽ đường khác thì tính phí thế nào? Nếu phải trả phí hết toàn tuyến là không hợp lý".

Tỉ lệ làn ETC quá ít

PGS-TS Lê Huy Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An toàn giao thông, Học viện Cảnh sát nhân dân, nhìn nhận hiện nay tại nhiều trạm thu phí, số làn ETC vẫn ít hơn làn thu tiền mặt nên nhiều người vẫn chọn trả tiền mặt. Thói quen sử dụng tiền mặt dẫn đến việc nhiều người chưa quen với việc phải bỏ sẵn một khoản tiền nhất định trong tài khoản mà không sử dụng thường xuyên. Theo ông Trí, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động như một chiến dịch. Về lâu dài, cần bổ sung vào luật, quy định tất cả xe chạy trên tuyến cao tốc đều phải dán thẻ ETC.

Trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai hệ thống thu phí đường bộ theo hình thức ETC mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết Bộ GTVT phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, đa dạng hóa nhiều hình thức nạp tiền, mở rộng nhiều điểm dán thẻ, tổ chức dán thẻ trực tiếp tại các cơ quan, ban ngành, các khu chung cư. Về việc thực hiện mỗi trạm BOT chỉ còn 1 làn thu phí hỗn hợp, theo Bộ GTVT, các nhà đầu tư đang triển khai nhập thiết bị, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu. Bộ GTVT đang chỉ đạo, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ mua sắm, lắp đặt thiết bị, để hoàn thành trong Quý II/2022. "Tương tự các dự án, tiến độ các trạm thu phí do các địa phương quản lý chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện các địa phương đang quyết liệt triển khai, phấn đấu hoàn thành trong quý II năm nay" - ông Lê Đình Thọ cho biết.

Về việc triển khai hệ thống thu phí ETC tại các dự án của VEC quản lý, Bộ GTVT cho biết trên cơ sở chủ trương được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VEC đang khẩn trương triển khai, dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí trong quý II/2022, triển khai lắp đặt thiết bị và vận hành hệ thống trong quý III năm nay.

Theo Văn Duẩn

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên