Thu phí không dừng tại Việt Nam đang dùng công nghệ gì?
Thu phí tự động là bước đầu tiên để đạt mục tiêu xây dựng Hệ sinh thái Giao thông thông minh, để có thể tối ưu chi phí nhân sự, nguồn lực xã hội.
- 30-07-2022Thứ trưởng Bộ GTVT nói về tình huống 'xả trạm' khi có sự cố thu phí không dừng
- 20-07-2022Từ sáng 20/7, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chính thức thu phí không dừng
- 17-07-2022Từ 1/8, 100% các tuyến cao tốc sẽ thu phí không dừng
Từ 0h ngày 1/8, toàn bộ tuyến cao tốc tại Việt Nam sẽ chuyển sang sử dụng dịch vụ thu phí theo hình thức điện tử không dừng (ETC). Để hoàn thành mục tiêu này, trong thời gian qua các doanh nghiệp đã đầu tư rất mạnh vào công nghệ, nhằm đáp ứng mục tiêu nhanh chóng mở rộng hệ thống thu phí tự động.
Công nghệ là chìa khóa giúp mở rộng mạng lưới nhanh chóng
Hiện tại, trên thế giới 2 công nghệ thu phí không dừng được sử dụng phổ biến nhất là RFID (Radio frequency identification) và DSRC (Dedicated short-range communication). Trong đó, công nghệ DSRC được sử dụng rộng rãi tại châu Âu và Singapore, trong khi RFID được dùng ở phần lớn các nước còn lại.
Cả hai công nghệ đều có ưu và nhược điểm, tuy nhiên công nghệ RFID được Bộ GTVT đánh giá là phù hợp nhất với văn hóa, môi trường giao thông tại Việt Nam, nhờ 03 ưu điểm là mức độ nhận diện chính xác cao, chi phí sử dụng thấp và dễ dàng triển khai lắp đặt.
Hệ thống RFID gồm thiết bị đầu đọc RFID Reader trên các cổng long môn tại trạm thu phí, và thẻ định danh RFID gắn trên đèn hoặc kính phương tiện. Khi xe đi qua trạm, đầu đọc sẽ nhận biết xe thông qua thẻ định danh và trừ số tiền tương ứng.
Stt | Nội dung | Công nghệ DSRC (Dedicated short-range communication) | Công nghệ RFID (Radio frequency identification) |
1 | Tần số sử dụng | 5.8 GHz | 918-923 MHz |
2 | Tỷ lệ nhận diện phương tiện | Rất tốt | Rất tốt |
3 | Thiết bị đầu cuối | Sử dụng thiết bị OBU lắp trong xe | Sử dụng thẻ RFID gắn trên kính xe hoặc đèn xe |
4 | Cấp nguồn cho thiết bị đầu cuối | Có phải cấp nguồn/ hoặc sử dụng pin | Không phải cấp nguồn (Thẻ RFID Passive) |
5 | Chi phí thiết bị đầu cuối | Cao (30-40 USD) | Thấp (1-2 USD) |
6 | Khả năng mở rộng dịch vụ thu phí ETC | Thấp (Chi phí thiết bị đầu cuối cao) | Cao (Chi phí thiết bị đầu cuối thấp) |
7 | Khả năng triển khai, lắp đặt | Bình thường | Dễ dàng |
8 | Khả năng triển khai mở rộng dịch vụ ITS | Tốt hơn (Có khả năng triển khai mở rộng tốt hơn cho các dịch vụ giao thông thông minh - ITS) | Tốt (Có khả năng triển khai mở rộng cho các dịch vụ giao thông thông minh - ITS) |
Đối với mức độ chính xác, công nghệ RFID cho phép nhận thiết bị chuẩn xác đến trên 98% trong mọi điều kiện thời tiết, khói, bụi bẩn. Về mặt chi phí, mức phí triển khai dịch vụ cho khách hàng của VDTC hiện là 120.000 VND, thấp hơn rất nhiều nếu so với thiết bị đặt trong xe khi áp dụng công nghệ DSRC.
Việc lắp đặt, triển khai RFID cũng rất đơn giản khi chỉ cần dán thẻ lên kính xe hoặc đèn xe, không cần duy trì nguồn thiết bị như công nghệ DSRC. Ưu điểm về chi phí, tính đơn giản lắp đặt là những yếu tố giúp dịch vụ dễ dàng triển khai mở rộng trên toàn quốc.
Những thành tựu ban đầu
Nhờ áp dụng những thế mạnh về công nghệ và mạng lưới phân phối rộng khắp, Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC), doanh nghiệp đang cung cấp ePass đã góp phần đẩy nhanh mật độ thâm nhập dịch vụ lên tới 75%.
Trong thời gian 6 tháng (07/2020 – 12/2020), VDTC đã phối hợp với các nhà đầu tư BOT triển khai thành công dự án thu phí tự động ETC tại 35 trạm thu phí trên toàn quốc, nhận được sự đánh giá rất cao của Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Trong đó, VDTC trực tiếp vận hành 21 trạm.
Sau khi VDTC tham gia lĩnh vực thu phí tự động, mật độ thâm nhập dịch vụ tăng từ 26% lên 75%, đưa Việt Nam lọt danh sách 10 quốc gia có tỷ lệ phương tiện dán thẻ thu phí tự động cao nhất trong khu vực, thay đổi vị thế của giao thông Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Hệ thống thu phí tự động không dừng là một thành phần quan trọng của hệ sinh thái giao thông thông minh |
Sau khi áp dụng những hệ thống thu phí tự động, số lượng nhân sự vận hành tại các trạm thu phí mà VDTC tiếp nhận đã giảm mạnh, từ 30-40 người/trạm hiện chỉ còn 15 người/trạm.
Tại các trạm do VDTC triển khai và quản lý, tỷ lệ thành công xe qua trạm (tỷ lệ nhận dạng thẻ đầu cuối) đạt 98,3%, cao hơn so với chỉ tiêu 98% được đặt ra trong Quyết định số 583/QĐ-TCĐBVN.
Bên cạnh đó, VDTC cũng triển khai những công cụ đối soát, hậu kiểm giao dịch thu phí tự động được ứng dụng mô hình học máy, trí tuệ nhân tạo. Nhờ đó, 90% giao dịch được hậu kiểm tự động, giúp giảm thiểu thời gian, nhân sự lẫn chi phí vận hành.
Sẵn sàng xây dựng hệ sinh thái giao thông thông minh
Hiện nay, các hệ thống thu phí không dừng trên thế giới có thể chia làm 4 giai đoạn. Trong đó, Việt Nam đang ở giai đoạn 1, là thu phí có barrier, trả trước.
Ở các giai đoạn cao hơn, barrier, các quy định về trả trước sẽ dần được loại bỏ. Trong giai đoạn 4, thu phí không dừng được triển khai đa làn, loại bỏ hoàn toàn các trạm và đảo thu phí, chỉ lắp đặt giá long môn để ghi nhận phương tiện đi qua.
Công nghệ RFID được VDTC triển khai hiện nay đã hoàn toàn sẵn sàng nâng cấp để lên giai đoạn 4. Ngoài ra, công nghệ cũng có thể đáp ứng các bài toán thu phí linh hoạt hơn như thu theo ngày, khung thời gian, tần suất giao dịch xe qua trạm.
Trong hệ sinh thái giao thông thông minh, khi công nghệ thu phí tự động phát triển lên giai đoạn 4, có thể sử dụng việc thu phí để điều tiết tình hình giao thông, giảm ùn tắc ở các thành phố lớn.
Khách hàng hào hứng tìm hiểu những lợi ích của thu phí không dừng |
Theo kinh nghiệm của một số nước, để triển khai thu phí tự động giai đoạn 4 cần một số điều kiện về tỷ lệ phủ dán thẻ (trên 80% phương tiện được dán thẻ), cơ chế quản lý để thu hồi, xử phạt các trường hợp nợ xấu, đảm bảo quyền lợi cho đơn vị liên quan đến tỷ lệ rủi ro nợ xấu, hay bộ máy thu hồi nợ cước.
“Việc triển khai thu phí giai đoạn 04 mang lại lợi ích rất lớn về việc tối ưu chi phí đầu tư, chi phí vận hành, chi phí nhân sự. Đồng thời cũng giảm thiểu các sự cố tại trạm, giảm thiểu ùn tắc, và phản ánh từ khách hàng”, ông Bùi Trình, Tổng Giám đốc VDTC chia sẻ.
Hệ thống của VDTC đã sẵn sàng để nâng cấp lên thu phí không dừng giai đoạn 4 |
Bên cạnh đó, trong giai đoạn đầu triển khai, các hệ thống thu phí không dừng cũng có một số trục trặc, đến từ những nguyên nhân như lỗi thẻ và lỗi kỹ thuật trên các hệ thống đầu cuối của nhà đầu tư BOT. Trong một số trường hợp, lỗi có thể khách quan như mặt đường ướt, nhiều vũng nước gây hiện tượng phản xạ.
Để tránh các sự cố đối với người dùng trong quá trình sử dụng dịch vụ, VDTC khuyến cáo chủ phương tiện cần kiểm tra đảm bảo số dư trong tài khoản khi đi qua trạm thu phí ETC, đảm bảo khoảng cách quy định, đồng thời kiểm tra tình trạng thẻ.
Trong trường hợp thẻ bị lỗi/ hư hỏng do tác động vật lý cần liên hệ với đơn vị cung cấp dịch vụ để được hướng dẫn dán lại thẻ đảm bảo chất lượng dịch vụ, sự hài lòng cho khách hàng.
Tiền phong