MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Thủ phủ" hành, tỏi Ninh Thuận khốn đốn

03-04-2018 - 09:34 AM | Thị trường

Ít nhất hơn 30 ha đất chuyên canh hành, tỏi ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Thuận, tỉnh Ninh Thuận đã bị nhiễm mặn trầm trọng vì các cơ sở sản xuất giống thủy sản trong vùng xả nước thải tràn lan ra ngoài.

Nếu tình trạng này không được xử lý dứt điểm, "thủ phủ" của cây hành, tỏi ở Ninh Thuận có nguy cơ bị xóa sổ.

Ông Trương Hùng (thôn Mỹ Tường 2, xã Nhơn Hải) cho biết gia đình ông chuyên canh cây hành tím ở vùng đất này trên 20 năm. Với gần 3,5 sào (1.000 m2) hành, ông thu hoạch ổn định 2,3-2,5 tấn/vụ/sào. "Trước đây, hành, tỏi đều đều 4 vụ mỗi năm. Khoảng 2 năm trở lại đây, do đất bị nhiễm mặn nên bà con chỉ sản xuất được 2 vụ/năm. Thời gian trống giữa các vụ phải lo cải tạo đất, phân bón, tốn nhiều chi phí mới có thể sản xuất tiếp. Cũng vì đất bị nhiễm mặn nặng nên mỗi năm chỉ trồng được 2 vụ, năng suất cũng sụt giảm, chỉ còn 1,3-1,5 tấn/vụ/sào" - ông Hùng nói.

Theo ông Trần Kim Miên (hàng xóm của ông Hùng), do đất bị nhiễm mặn nên củ hành tím và tỏi không to, màu sắc cũng không bắt mắt như trước. Do vậy, giá bán thấp đáng kể nên lợi nhuận cũng sụt giảm. "Nhà tôi có hơn 2 sào hành, tỏi. Trước đây, năm nào "bèo" nhất cũng kiếm được trên 80 triệu đồng. Hai năm qua, cố gắng cải tạo đất, chăm sóc dữ lắm cũng chỉ lãi 30-35 triệu đồng/năm. Tình trạng này kéo dài, tụi tôi chắc bỏ nghề" - ông Miên lo lắng.

Thủ phủ hành, tỏi Ninh Thuận khốn đốn - Ảnh 1.

Năng suất, chất lượng củ hành ở Nhơn Hải sụt giảm vì đất bị nhiễm mặn

Hầu hết nông dân chuyên canh hành, tỏi, hoa màu (chủ yếu ngò, quế) ở Nhơn Hải cho biết không chỉ đất sản xuất, giếng nước ngọt sử dụng bơm tưới cây cũng bị nhiễm mặn. "Hai giếng nước trong rẫy nhà tôi giờ mặn chát, không thể tưới cây được. 1,5 sào đất luân phiên trồng tỏi, hoa màu của gia đình tôi đành bỏ trống. Mình có đất mà phải đi thuê chỗ khác để sản xuất mới… đau" - bà Lê Thị Khen bức xúc.

Theo báo cáo của huyện Ninh Hải, xã Nhơn Hải được quy hoạch là vùng sản xuất giống thủy sản tập trung của tỉnh với diện tích 80 ha. Hiện có 50 ha đã xây trại sản xuất tôm giống nằm xen trong vùng sản xuất hành tỏi của người dân.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dù được quy hoạch như vậy nhưng do hệ thống xả thải chung cho các trại tôm chưa được đầu tư nên không ít chủ cơ sở nuôi tôm đã xả nước biển sau mỗi vụ nuôi ra hầm rút, không qua xử lý. Lâu ngày, nước biển thải thẩm thấu ra bên ngoài gây nhiễm mặn đất sản xuất.

Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải Trần Đồng Linh thừa nhận đã nghe người dân phản ánh tình trạng nhiễm mặn đất sản xuất nên chính quyền xã đã yêu cầu các cơ sở sản xuất tôm giống phải nhanh chóng khắc phục, thực hiện đúng quy định xả thải. "Tuy nhiên, xã cũng mong tỉnh, huyện và các ngành liên quan hỗ trợ thường xuyên thì mới có khả năng giải quyết được tình trạng này" - ông Linh kiến nghị.

Theo Lê Trường

Người lao động

Trở lên trên