MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Thủ phủ" heo tung cờ trắng!

23-04-2018 - 07:30 AM | Thị trường

Mang nợ phải bỏ trống chuồng trại hoặc rao bán, nhiều hộ dân quyết từ bỏ nghề nuôi heo, tìm đường khác để sinh nhai.

Các huyện Thống Nhất, Trảng Bom ở tỉnh Đồng Nai từng được xem là thủ phủ chăn nuôi heo của khu vực phía Nam nhưng đang trong tình cảnh "chuồng không, trại trống". Dù giá heo đã tăng trở lại, mỗi ký heo hơi có thể lãi 7.000-8.000 đồng nhưng nhiều hộ nuôi chỉ ngồi nhìn chứ không dám mạo hiểm tái đàn.

"Chết" hết rồi!

Khu vực xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom trước đây có hàng trăm hộ nuôi heo nhưng nay chỉ còn vài hộ. Khi ghé nhà ông Trần Tuyên - một trong những hộ nuôi heo ở ấp Phú Sơn 2, xã Bắc Sơn vừa "treo" chuồng gần đây - chúng tôi chưa kịp hỏi han gì thì chủ nhà đã thốt lên: "Ai nuôi heo cũng "chết" hết rồi, giờ tui nuôi gà để sống qua ngày!".

Theo ông Tuyên, nhà ông có 3 dãy chuồng, lúc đỉnh điểm nuôi đến 500-700 con heo thịt và 50 con heo nái. "Gần 2 năm qua, giá heo luôn dưới giá thành, tui mất 1,5 tỉ đồng. Đến Tết rồi không cầm cự được nữa, tui chấp nhận bỏ cuộc. Mấy tháng nay, tui kêu bán đất chuồng trại nhưng chưa ai hỏi mua" - ông Tuyên cho biết.

Thủ phủ heo tung cờ trắng! - Ảnh 1.

Chuồng trại nuôi heo bỏ không tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai

Cách nhà ông Tuyên khoảng 300 m, gia đình ông Bình cũng đang kêu bán đất lẫn trại heo. Tưởng chúng tôi hỏi mua trại heo, ông Bình mừng ra mặt. Ông còn nhờ chúng tôi giới thiệu cho thuê 5 dãy trại với giá rẻ bất ngờ, chỉ 60 triệu đồng/năm và còn có thể thương lượng giảm thêm.

Ông Bình, ông Tuyên và một số người dân Bắc Sơn cho biết không chỉ xã này mà ở nhiều xã khác tại huyện Trảng Bom, hàng loạt hộ nuôi heo cũng mang nợ. Nhiều người phải trốn khỏi địa phương vì lỡ vay nóng, giờ không có tiền trả nợ.

Tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, hơn 85% hộ nuôi heo đã bỏ nghề, số còn lại thì giảm đàn để cầm cự chờ giá lên. Dọc theo con đường rộng khoảng 4 m ở xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất - nơi từng có vài chục hộ nuôi heo quy mô lớn với hệ thống chuồng trại kiên cố, nay chỉ còn vài hộ nuôi lác đác mấy chục con. Hộ bà Lâm Thị Mười trước đây nuôi hàng trăm con heo, nay chỉ giữ lại duy nhất con heo nái "chờ nó đẻ được bao nhiêu nuôi bấy nhiêu". Theo bà Mười, dân ở đây đã quá sợ nuôi heo, ai cũng nợ nần vì heo rớt giá. Ở khu vực này, người thì bán đất lấy tiền trả nợ, người thì giảm đàn còn vài chục con. Giá heo tăng lên mức 40.000 đồng/kg, tính ra mỗi con lãi khoảng 1 triệu đồng nhưng không thấm vào đâu so với số lỗ cả tỉ đồng trước đó.

Khu vực xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom cũng trong tình trạng tương tự. Hầu hết người nuôi heo đã bỏ trại, kiếm nghề khác sinh sống. Ông Nguyễn Văn Thới, chủ một trại heo quy mô lớn, cho biết gia đình ông đã trắng tay vì nợ. Ông đã bán cả đất và trại nuôi heo nhưng vẫn còn nợ ngân hàng hơn 1 tỉ đồng, giờ cả nhà phải ra thị trấn Trảng Bom buôn bán kiếm sống.

Không dám mạo hiểm

Vòng luẩn quẩn tăng đàn - rớt giá, giảm đàn - giá tăng đã lặp đi lặp lại nhiều năm nay. Hầu hết người chăn nuôi heo đã quá quen với sự phập phù này và chấp nhận "sống chung với lũ". Thế nhưng, cơn lũ "giải cứu heo" thời gian qua đã cuốn phăng chuồng trại, tiền bạc và khả năng tái đàn của đại đa số hộ dân. Nhiều hộ bán hết tài sản để trả nợ, phải chạy ăn từng bữa nên không còn khả năng mua con giống, thức ăn chăn nuôi.

"Người nuôi heo thắng thua là nhờ heo nái nhưng thời gian qua, chúng tôi bán tháo đàn heo, bán luôn heo nái với giá rẻ hơn cả heo thịt (bình thường, giá một con heo nái gần chục triệu đồng - PV). Không còn con heo nái nào, nếu mua heo giống thì phải tốn 700.000-800.000 đồng/con nên giờ giá heo tăng cũng đành chịu, không thể tái đàn" - ông Trần Quang Trung, một chủ trại heo ở xã Gia Kiệm, rầu rĩ.

Ông Ngô Văn Thái, ở Gia Kiệm, cho biết nếu vay được tiền để mua heo giống cũng không nuôi được vì các đại lý thức ăn chăn nuôi không cho mua hàng gối đầu như trước. Theo ông Thái, thời hoàng kim, người nuôi heo chỉ cần gọi điện thoại là đại lý chở thức ăn chăn nuôi đến tận trại, heo xuất chuồng mới trả tiền, thậm chí cho gối đầu 2-3 lứa. Thế nhưng, thời gian qua hộ nào cũng lỗ, nhiều người còn nợ thức ăn chăn nuôi vài chục đến vài trăm triệu đồng nên không đại lý nào dám bán chịu.

Một nguyên nhân quan trọng khiến người nuôi heo không mặn mà tái đàn là do họ quá mệt mỏi trước những biến động thất thường của giá cả. Không đủ cơ sở, thông tin để đánh giá diễn biến giá cả; cũng không được cơ quan chức năng tư vấn, định hướng nên người dân không dám mạo hiểm lần nữa.

Giảm mạnh số lượng, quy mô trang trại

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết thời hoàng kim, Đồng Nai có hơn 2.700 trang trại chăn nuôi lớn với quy mô 500-1.000 con/trại và khoảng 2.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với quy mô khoảng 30 con heo nái, vài trăm con heo thịt/hộ. Đến nay, số trang trại lớn đã giảm phân nửa, hộ nuôi nhỏ lẻ cũng giảm mạnh chỉ còn vài trăm. Quy mô trại cũng giảm đáng kể so với 2 năm trước.


Theo Nguyễn Hải

Người lao động

Trở lên trên