Thủ phủ may mặc Trung Quốc gây ‘choáng’: Ngày cao điểm bán hơn 10 triệu áo khoác, lãi gấp 5-6 lần, nhà máy ở khắp nơi
Ngôi chợ bán buôn này cung cấp hơn một nửa số áo khoác lông vũ cho thị trường trong nước.
- 08-01-2024Không còn tin kim cương là tình yêu vĩnh cửu, các cặp đôi trẻ ở nước láng giềng với Việt Nam đổ tiền cho loại tài sản khác: Giữ giá mới là mục tiêu quan trọng
- 08-01-2024"Tay mơ" chẳng hề có chút kiến thức nhưng người đàn ông vô gia cư gây dựng đế chế tequila đắt hàng nhất thế giới, sau đó bán lại với giá hơn 124.000 tỷ VND
- 07-01-2024Cấm vận của phương Tây không làm Nga "sứt mẻ", chuyên gia nêu lý do trừng phạt Trung Quốc còn khó hơn
Đợt gió mùa vừa qua khiến nhiệt độ trên toàn Trung Quốc giảm mạnh, ngoại trừ thủ phủ may mặc Bình Hồ.
Ngôi chợ bán buôn này cung cấp hơn một nửa số áo khoác lông vũ cho thị trường trong nước. Vào tháng 12, khi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, nhân viên Bình Hồ làm việc suốt ngày đêm để đóng gói và vận chuyển hàng hoá. Trung bình khoảng 600.000 chiếc áo khoác được chuyển đi mỗi ngày.
Áo khoác là mặt hàng không thể thiếu ở Trung Quốc mỗi dịp đông về, song cũng giống như tất cả các hoạt động kinh doanh theo mùa khác, kinh doanh áo lông vũ cũng có độ rủi ro nhất định. Mỗi năm, trong khi một số nhà máy trúng số độc đắc với những mẫu thiết kế bán chạy, phần còn lại sẽ phải vật lộn giải quyết hàng tồn kho hoặc nguy cơ mất trắng.
Vậy bằng cách nào, thủ phủ may mặc này vẫn sống sót trong một ngành công nghiệp sinh lợi nhưng thất thường? Các doanh nghiệp truyền thống đang thích ứng ra sao trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển như vũ bão.
So với các loại sợi tự nhiên, lông vũ cách nhiệt tốt hơn cả. Các nhà sản xuất áo khoác theo đó chủ yếu sử dụng chúng để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao phục vụ khách hàng.
Giá áo khoác mùa đông thường sẽ bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố, chẳng hạn như chất lượng lông tơ, độ phồng và khả năng chống gió. Những sản phẩm do các thương hiệu hàng đầu sản xuất có thể được bán với giá gấp 5-6 lần vốn bỏ ra.
Theo Zhu Gaofeng, phó chủ tịch kiêm giám đốc tài chính công ty may mặc Bosideng, vào cuối năm 2021, giá trung bình các sản phẩm của hãng đã tăng lên 1.600 nhân dân tệ (225 USD) và trong 3 năm tới sẽ tăng lên tới 2.000 nhân dân tệ.
“Kim khâu và máy móc phải được tuỳ chỉnh để may những chiếc áo lông vũ này”, nhà thiết kế Er Ruoyan nói.
Do quá trình thiết kế và sản xuất áo khoác khá đặc thù, lại đòi hỏi nguồn vốn đầu tư không hề nhỏ, các nhà máy sản xuất rất khó chuyển đổi sang một dây chuyền mới. Mùa đông theo đó trở thành khoảng thời gian quyết định, đến mức công nhân ra sức tăng ca để đáp ứng các đơn hàng.
Thời gian còn lại trong năm dành cho việc lựa chọn sản phẩm, tạo mẫu và quản lý kho hàng. Nếu may mắn trúng số độc đắc với một thiết kế bán chạy, công ty đó có thể kiếm được hàng triệu USD, song nếu không giải quyết được hàng tồn kho, rủi ro thua lỗ là chuyện thường.
Bình Hồ sản xuất từ 50% đến 80% lượng áo khoác trên toàn quốc, được biết đến như một trung tâm sản xuất quần áo từ cuối những năm 1970. Đây là chợ bán buôn áo khoác lớn nhất Trung Quốc, nơi có hơn 2.100 doanh nghiệp với tổng khối lượng giao dịch đạt 22 tỷ nhân dân tệ trong năm 2022. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 29 tỷ nhân dân tệ vào năm 2023.
Vào tháng 11, thời kỳ vận chuyển cao điểm, chợ bán hơn 1 triệu chiếc áo khoác mỗi ngày. Giám đốc điều hành chợ bán buôn, Chen Jie, cho biết số lượng áo khoác thực tế xuất ra khỏi thành phố cao hơn nhiều vì hầu hết các cửa hàng đều có nhà máy riêng và sẽ vận chuyển trực tiếp. “Ước tính 60% đến 70% hàng hóa có thể được gửi đi từ các nhà máy. Vào thời điểm bận rộn nhất, có lẽ khoảng 10 triệu chiếc được xuất xưởng mỗi ngày đấy”, ông nói.
Bình Hồ rộng khoảng 145.000 mét vuông; áo khoác được treo gần như kín lối đi. Các cửa hàng thường chỉ có diện tích từ 4 đến 5 mét vuông. Bên trong, nhân viên bận rộn cả ngày thu dọn hàng hóa. Có người phải làm việc đến 1, 2 giờ sáng để kịp gửi hàng.
Chìa khóa để kiếm lợi nhuận là có một sản phẩm ăn khách, song không ai có thể nói trước mẫu mã nào sẽ tạo ‘trend’. Khi một chiếc áo khoác bất ngờ bán chạy, các cửa hàng sẽ ngay lập tức phải tăng công suất để lấp đầy kho chứa.
“Nếu một sản phẩm thành công song bạn chỉ còn 10.000 hoặc 20.000 sản phẩm? Yếu tố quyết định là gì? Năng lực chuỗi cung ứng. Thượng nguồn là vải, phụ kiện. Còn hạ nguồn, quan trọng nhất là bạn có thể nhanh chóng tìm được nhà máy để hợp tác và sản xuất hàng hóa mình muốn”, ông Chen nói và cho biết hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong việc sản xuất đủ số lượng sản phẩm bán chạy.
Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp chạy kịp tốc độ ‘chốt đơn’ của khách hàng. Thành phố có khoảng 1.500 nhà sản xuất sử dụng hơn 100.000 công nhân. Nhà máy may của họ nằm ở hầu hết các con phố.
Một phụ nữ 35 tuổi đến từ tỉnh An Huy đã cùng chồng chuyển đến Bình Hồ và thành lập một xưởng nhỏ. Hơn chục nhân viên của cô - chủ yếu là công nhân nhập cư - sản xuất tới 400 chiếc vòng cổ lông thú làm áo khoác mỗi ngày. Mỗi người kiếm được khoảng 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng. Mùa cao điểm, mức lương thông thường là 600 đến 800 nhân dân tệ/ngày.
Hiện tại, các nhà sản xuất áo khoác lông vũ đã bị kéo vào cuộc chiến giá cả khốc liệt. Là một chợ bán buôn, hoạt động kinh doanh chính của Bình Hồ là sản xuất hàng hóa giá cả phải chăng. Các sản phẩm có giá từ 150 đến 280 nhân dân tệ chiếm khoảng 50% doanh số bán hàng.
Tuy nhiên, do sức mua yếu hơn vào năm 2023, việc cạnh tranh ở khung giá thấp hơn ngày càng trở nên khó khăn.
“Vào giữa những năm 2010, giá xuất xưởng của một chiếc áo khoác cơ bản có thể là 70 đến 80 nhân dân tệ. Sản phẩm được bán cho khách hàng với giá 150 đến 160 nhân dân tệ. Tuy nhiên, hiện tại, sự cạnh tranh hiện nay khốc liệt hơn rất nhiều. Giá bán buôn chỉ được phép hơn 80 hoặc 90 nhân dân tệ một chút”, ông Chen nói và nhắc đến sự phát triển của Pinduoduo.
“Điều bạn nghe thấy nhiều nhất trên các buổi phát trực tiếp là gì? Tất cả họ đều nói: ‘Bạn sẽ không tìm thấy mức giá nào thấp hơn’. Trước đây, các thương gia chúng tôi có quyền ấn định giá cho áo khoác ngoài, nhưng bắt đầu từ vài năm trước, người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội mới là bên có quyền lực”, Chen nói. “Ví dụ: nếu giá xuất xưởng là 150 nhân dân tệ, những người có ảnh hưởng sẽ mặc cả xuống 120 nhân dân tệ, sau đó họ bán nó với giá 150 hoặc 160 nhân dân tệ trên nền tảng. Nhà sản xuất phải nhượng bộ. Việc này thực sự rất phổ biến nhưng bạn không thể làm gì được vì nếu không bán được áo khoác, công ty sẽ phải tồn kho đến năm sau”.
Theo: Sixtone
An ninh Tiền tệ