MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ phủ thép Trung Quốc cắt giảm sản lượng sẽ có lợi cho ngành thép Việt Nam

23-03-2021 - 09:49 AM | Thị trường

Thủ phủ thép Trung Quốc cắt giảm sản lượng sẽ có lợi cho ngành thép Việt Nam

Thông tin thành phố sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc – Đường Sơn – cảnh báo sẽ buộc những cơ sở sản xuất thép có lượng khí thải vượt quá mức cho phép phải cắt giảm 30-50% sản lượng đã khiến giá nguyên liệu sản xuất thép (quặng sắt, than đá…) đang giảm mạnh.

Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) giảm liên tiếp trong 2 phiên vừa qua. Cụ thể, ngày thứ Sáu (19/3), hợp đồng kỳ hạn tháng 5 giảm 3,5% xuống 1.042 CNY (160,16 USD)/tấn; phiên tiếp theo (22/3), giá giảm thêm 5,9% xuống 1.004,5 CNY (154,35 USD)/tấn. Quặng sắt giao dịch trên sàn Singapore cũng giảm hiện chỉ còn 151,1 USD/tấn.

Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên từ đầu năm 2021 đến nay

Thủ phủ thép Trung Quốc cắt giảm sản lượng sẽ có lợi cho ngành thép Việt Nam - Ảnh 1.

Điều đó phản ảnh nỗi lo của thị trường sắt thép về chiến dịch làm trong sạch môi trường ở Đường Sơn, nơi đóng góp gần 14% tổng sản lượng thép của Trung Quốc.

Hiện chưa có thông tin chính thức về quyết định lâu dài của thành phố Đường Sơn, song một số nguồn tin cho hay chính quyền thành phố đang xem xét cắt giảm sản lượng thép ít nhất là từ nay đến cuối năm 2021, và có thể lên kế hoạch cắt giảm lâu dài.

"Để tăng cường giám sát các doanh nghiệp thép và tăng cường trừng phạt các hành vi vi phạm pháp luật, chính quyền thành phố đã… quyết định áp dụng các biện pháp cắt giảm sản lượng (thép) và (khí) phát thải đối với các công ty không thực hiện nhữn hành động khẩn cấp", một nguồn tin cho hay chính quyền thành phố Đường Sơn đã có thông báo như vậy gửi tới các doanh nghiệp thép.

Theo thông tin đó, 7 nhà máy sẽ phải cắt giảm 50% sản lượng từ nay cho đến 30/6, và giảm 30% trong nửa cuối năm 2021, trong đó 1 số nhà máy của các công ty HBIS Group, Jinma Steel Group, Chunxing Special Steel và Donghua Steel – những đơn vị gần đây đã bị nhắc nhở về việc vi phạm các quy tắc về khí thải; ngoài ra 16 cơ sở gia công thép khác cũng sẽ phải cắt giảm 30% sản lượng từ nay đến cuối năm.

Tuy nhiên, một nguồn tin khác cho biết kế hoạch này mới chỉ ở giai đoạn dự thảo nên các doanh nghiệp thép chưa nhận được thông báo của chính quyền.

Ngành thép Trung Quốc là nguyên nhân góp 15% tổng lượng phát thải khí nhà kính ở nước này, đưa lĩnh vực này trở thành trọng tâm hàng đầu sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết hồi năm 2020 sẽ bắt đầu đưa lượng phát thải carbon của Trung Quốc đi xuống trong 10 năm tới. Theo cam kết trong chiến dịch trở thành nơi "carbon trung tính" vào năm 2060, Trung Quốc đã cam kết cắt giảm sản lượng thép ngay từ năm nay, sau khi kết quả điều tra của Bộ Môi trường nước này cho thấy một số công ty thép đã không áp dụng các biện pháp giảm ô nhiễm khẩn cấp.

Thàn phố Đường Sơn nằm cách Bắc Kinh khoảng 200 km, đã sản xuất 144 triệu tấn thép thô trong năm 2020, nhiều hơn sản lượng thép của Nhật Bản.

Tuy nhiên, Đường Sơn đặt mục tiêu năm nay sẽ ra khỏi danh sách top 10 thành phố ô nhiễm nhất của Trung Quốc, bằng cách giảm 22,23 triệu tấn thép – tương đương giảm nhu cầu mua 35 triệu tấn quặng sắt.

Trung Quốc sản xuất 1,065 tỷ tấn thép thô vào năm 2020, chiếm 57% tổng sản lượng của thế giới, với sản lượng thép dự báo sẽ vẫn tăng thêm vài năm nữa.

Theo Viện Nghiên cứu và Quy hoạch ngành Luyện kim Trung Quốc, sản lượng thép thô của nước này sẽ đạt đỉnh khoảng 1,16 tỷ tấn vào năm 2025, khi lượng khí thải carbon trong lĩnh vực này cũng chạm mức cao nhất.

Phát biểu tại một hội nghị ngành ở Bắc Kinh, Li Xinchuang, Chủ tịch Viện nghiên cứu và quy hoạch ngành luyện kim Trung Quốc cho hay con số sản lượng thép chỉ là ước tính, nhưng đó là xu hướng.

Đến năm 2030, lượng khí thải carbon trong lĩnh vực thép được dự báo sẽ giảm 30% so với mức đỉnh và ngành này đặt mục tiêu cắt giảm 420 triệu tấn khí thải.

Hai nhà sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc là China Baowu Steel Group và HBIS Group đã đặt ra các mục tiêu riêng để bắt đầu đưa lượng phát thải carbon đi xuống lần lượt vào năm 2023 và 2022.

Theo ông Li, ngành công nghiệp nên thay đổi tình trạng "vận chuyển thép từ phía Bắc sang thị trường phía Nam" và cắt giảm mạnh công suất thép ở khu vực Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc.

Giá thép thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã tăng mạnh trong thời gian qua, một phần nguyên nhân lớn là do giá quặng sắt tăng cao bởi nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà sản xuất thép Trung Quốc. Giá quặng sắt tăng gây khó khăn cho ngành thép bởi làm giảm lợi nhuận từ sản xuất thép.

Chiến dịch giảm tốc độ sản xuất thép của Trung Quốc được cho là sẽ góp phần hạ nhiệt thị trường quặng sắt, là điều mà ngành sản xuất thép khắp nơi trên thế giới luôn kỳ vọng.

Mặt khác, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sắt thép lớn nhất của Việt Nam nên việc ngành thép nước này kiểm soát sản lượng sẽ tạo cơ hội cho xuất khẩu thép của nước ta gia tăng.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm nay, lượng sắt thép các loại xuất khẩu của cả nước đạt 1,69 triệu tấn, trị giá gần 1,15 tỷ USD tăng 44% về lượng và gần 76% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắt thép lớn nhất của Việt Nam với hơn 300.000 tấn, trị giá hơn 145 triệu USD.

Trong bối cảnh trên, các doanh nghiệp có thể khai thác các thị trường mang về giá trị lớn như Trung Quốc, Campuchia, trong đó Trung Quốc được kỳ vọng tiếp tục là thị trường xuất khẩu tỷ USD với nhiều dòng sản phẩm.

Tham khảo: Refinitif, Cnbc

Thu Ngân

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên