MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Thủ phủ' tôm hùm Phú Yên năm nào cũng có thiệt hại: Làm sao khắc phục?

21-05-2024 - 15:26 PM | Thị trường

Hầu như năm nào cảnh tôm hùm chết cũng diễn ra ở thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên), vậy nguyên nhân do đâu và làm sao để khắc phục?

Đến trưa 21/5, các vùng nuôi tôm hùm thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, đã yên ắng, không còn cảnh tấp nập thu mua tôm chết.

Theo thống kê của UBND thị xã Sông Cầu, tính đến 13h ngày 20/5, vùng nuôi trồng thủy sản đầm Cù Mông có khoảng 160 hộ nuôi bị thiệt hại (chủ yếu người dân xã Xuân Thịnh) với số lượng gần 62 tấn tôm hùm và gần 30 tấn cá nuôi bị chết, giá bán chỉ từ 20.000 đồng đến 400.000 đồng/kg.

Trên thực tế, hầu như năm nào thực cảnh tôm chết cũng diễn ra đối với người dân thủ phủ tôm hùm thị xã Sông Cầu, Phú Yên. Điều này khiến nhiều người nuôi kiệt quệ vì phải vay vốn ngân hàng để đầu tư bè, giống...

Có thể kể đến như đầu năm 2023, bệnh sữa, bệnh đỏ thân trên tôm hùm đã xảy ra rải rác ở tất cả các vùng nuôi trên địa bàn thị xã, tỉ lệ tôm chết trung bình 25% trên tổng đàn, trong đó đối với 2 vùng nuôi ở Xuân Yên và Xuân Phương có tỉ lệ tôm chết cao hơn 5% so với tỉ lệ trung bình.

Tháng 11/2022, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày liền, nước ngọt đổ về nhiều làm thay đổi môi trường nước, làm cho tôm hùm nuôi trên Vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu chết hàng loạt. Thống kê có 22 hộ ở phường Xuân Thành có tôm nuôi bị chết, với thiệt hại khoảng 2 tấn.

Tháng 6/2017, tại các vùng nuôi xã Xuân Phương và phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu lại diễn ra tình trạng tôm hùm nuôi chết hàng loạt. Có hơn 1,6 triệu con tôm chết/693 hộ nuôi tại các vùng nuôi, gây thiệt hại hơn 700 tỷ đồng cho người nuôi. Nguyên nhân được xác định do điều kiện thời tiết bất lợi, tạo điều kiện cho các chất ô nhiễm tồn lưu trong môi trường phân hủy mạnh, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến điều kiện sống của thủy sản.

'Thủ phủ' tôm hùm Phú Yên năm nào cũng có thiệt hại: Làm sao khắc phục?- Ảnh 1.

Nguyên nhân tôm chết hàng loạt trong những năm qua đa số là do nuôi quá dày.

Vậy, làm sao để khắc phục tình trạng "đến hẹn tôm hùm lại chết"?

Bà Lê Thị Hằng Nga - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên, nguyên nhân tôm chết hàng loạt trong những năm qua đa số là do nuôi quá dày đặc khiến môi trường nước bị ô nhiễm, đồng thời gặp thời tiết nắng nóng kết hợp mưa dông dẫn đến môi trường nước thay đổi đột ngột, khiến tôm chết hàng loạt.

Theo bà Nga, để giảm thiểu rủi ro khi nuôi trồng thủy sản, người nuôi phải kiểm soát được mật độ thả nuôi, kiểm soát nguồn thức ăn, theo dõi tình hình thời tiết, trong quá trình nuôi phải có ý thức bảo vệ môi trường, thu gom thức ăn thừa.

Hiện Chi cục Thủy sản Phú Yên đang lập đề án nuôi trồng thủy sản của toàn tỉnh. Đồng thời khuyến cáo người nuôi tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mặt nước của địa phương để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững.

'Thủ phủ' tôm hùm Phú Yên năm nào cũng có thiệt hại: Làm sao khắc phục?- Ảnh 2.

Người nuôi tôm khóc ròng vì tôm chết, lâm cảnh trắng tay.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, trên địa bàn Phú Yên có hơn 100.000 lồng nuôi tôm hùm, trong đó thị xã Sông Cầu hơn 70.000 lồng. Mỗi năm, tại vùng nuôi này xuất bán đi các thị trường hàng trăm tấn tôm hùm các loại, trong đó 80-90% chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc.

Năm 2023, sản lượng tôm hùm của thị xã Sông Cầu là 2.070 tấn (tôm hùm xanh chiếm 90%, tôm hùm bông 10%), doanh thu từ nuôi tôm hùm đạt trên 2.000 tỷ đồng/năm. Giá bán tôm hùm bông, tôm hùm xanh ở Sông Cầu dao động khoảng 1,2 triệu đồng/kg.


Theo Minh Minh/VTC News

VTC News

Trở lên trên