MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Thủ phủ" tôm hùm tan tác

12-11-2017 - 07:02 AM | Thị trường

Thiệt hại nặng nhất về tài sản do cơn bão số 12 phải kể đến những người nuôi tôm hùm. Chỉ riêng 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên, hàng ngàn tỉ đồng của bà con đã bị cuốn trôi ra biển.

Ông Võ Hoàn Hải - Bí thư Huyện ủy Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa - ngày 11-11 cho biết hàng ngàn hộ nuôi tôm hùm ở đây đã trắng tay chỉ sau 1 đêm bão số 12 đổ bộ. Toàn huyện với trên 12.400 lồng nuôi tôm hùm, trên 350 ha nuôi thủy sản giờ chỉ như một bãi chiến trường trên nước.

Nợ nần, trắng tay...

"Ngư dân nuôi tôm chưa bao giờ rơi vào cảnh khốn đốn như lúc này. Đa số tôm hùm, hải sản đều chuẩn bị thu hoạch, vậy mà tan nát hết. Hộ ít thì vài trăm triệu, hộ nhiều đến vài chục tỉ…, số tiền thiệt hại ước khoảng 3.888 tỉ đồng. Đó là chưa kể số tàu bè chìm, hư hỏng" - ông Hải chua xót.

Người dân huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa bán tháo tôm hùm với giá chỉ bằng 1/3-1/2 so với ngày thường. Ảnh: KỲ NAM

Chúng tôi đã không cầm được nước mắt khi đến xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh - nơi bị thiệt hại nặng nề về người và cả tài sản trong cơn bão vừa qua. Một phụ nữ ôm đứa con nhỏ vào lòng ngồi thất thần bên thềm nhà giờ đã tan hoang. Một người trong xóm bảo đó là vợ anh Lê Hồng Linh, một trong những người tử nạn trong cơn bão số 12.

"Gia đình ấy cũng khá, dồn hết vốn liếng, vay thêm ngân hàng đầu tư cho bè tôm hùm trị giá hàng tỉ đồng. Tôm chuẩn bị thu hoạch lấy tiền trả nợ nhưng không ngờ tai ương ập đến, tài sản thì mất hết, còn chồng thì cũng mất... Chỉ một đêm, gia đình tan nát" - một phụ nữ cám cảnh.

Nhiều hộ nuôi tôm hùm với số lượng lớn, ước thiệt hại hơn 100 tỉ đồng như gia đình ông Tám Tuân (Vạn Giã), ông Dương, ông Nhà, Mười Châu (xã Vạn Hưng)… Khuôn mặt thất thần, bà Nguyễn Thị Loan (thị trấn Vạn Giã) nghẹn ngào: "Gần 14.000 con tôm chuẩn bị thu hoạch đã trôi ra biển, thiệt hại gần 30 tỉ đồng. Bây giờ gia đình tay trắng, nợ nần chồng chất".

Tại Phú Yên, 2 "thủ phủ" tôm hùm lớn nhất là thị xã Sông Cầu và Vũng Rô (huyện Đông Hòa) cũng tan tác trong bão số 12. Trong đó, nặng nhất là vùng Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu. Những ngày này, khi về Vịnh Hòa, chúng tôi cứ nghe tiếng rưng rức khóc từ đầu đến cuối xóm. Không còn cảnh táo tác chạy bão, những bóng người chúng tôi gặp trên đường cứ liêu xiêu, uể oải, lặng lẽ như vô hồn. Tài sản của họ - cả những khoản nợ khổng lồ từ người thân, ngân hàng - đều đã bị cuốn trôi theo bão.

Khó khăn lắm mới có một người chịu nói chuyện. Chị là Trần Thị La, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuân Thịnh. "Cả làng này xem như trắng tay. Mất hết rồi anh à…" - chị vỡ òa trong nước mắt. Chị La kể riêng vợ chồng chị đã đổ hết vốn, vay nợ thêm hơn 1 tỉ đồng để thả nuôi 49 lồng tôm hùm, trong đó 19 lồng đã đến kỳ thu hoạch nhưng không còn được 1 con. "Ngay khi bão vừa tan, chồng tôi ra kiểm tra. Không còn lồng nào. Không còn con tôm nào sống hết..." - chị La lấy tay quệt nước mắt.

Dự kiến khoanh nợ 5-7 năm

Những ngày qua, tại thị trấn Vạn Giã, hàng chục ngư dân, chủ bè vớt vát số tôm hùm chết hoặc yếu bán chạy lỗ. Giá tôm hùm giờ chỉ còn 150.000 - 800.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/3-1/2 so với ngày thường.

Theo ông Võ Hoàn Hải, huyện Vạn Ninh đang kiểm đếm, thống kê các trường hợp thiệt hại, đồng thời sẽ làm việc với các ngân hàng đề nghị có kế hoạch khoanh nợ, giãn nợ giúp người dân. "Với số lượng lồng bè thiệt hại, vựa tôm hùm Vạn Ninh gần như xóa sổ. Rất khó để phục hồi được trong thời gian tới, do đó ngư dân rất cần tỉnh, bộ, ngành có kế hoạch, chính sách hỗ trợ tái sản xuất" - ông Hải bày tỏ.

Theo thống kê bước đầu của thị xã Sông Cầu, hơn 3.900 lồng với gần 900.000 con tôm hùm ở đây đã mất sạch, thiệt hại ước tính trên 175 tỉ đồng. "Nói về giá trị thiệt hại thì ở Phú Yên, có lẽ Sông Cầu là nặng nhất. Tuy nhiên, khổ một điều là thiệt hại về tôm hùm và tài sản nói chung khó lay động lòng người như thiệt hại về nhân mạng..." - ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, nhìn nhận.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, cho biết tỉnh đang thống kê thiệt hại của người nuôi tôm hùm. "Chỉ mới bước đầu đã thấy thiệt hại quá lớn. Chúng tôi đang thống kê để đề nghị trung ương hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ. Đối với ngân hàng, chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ có chỉ đạo giãn nợ, khoanh nợ giúp người nuôi tôm hùm gượng dậy chứ năm nay thiệt hại quá" - ông Phương băn khoăn.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hoài Chiểu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Khánh Hòa, cho rằng nếu các tổ chức tín dụng chỉ giãn nợ, giảm lãi suất thì khó mà giúp doanh nghiệp và người dân gượng dậy được sau bão. "Ngày 14-11, chúng tôi sẽ triệu tập các ngân hàng để lấy ý kiến, tìm phương án giúp đỡ đồng bào. Chúng tôi dự kiến sẽ thống nhất khoanh nợ 5-7 năm cho các cá nhân, tổ chức vay vốn ngân hàng bị thiệt hại. Tuy nhiên, việc khoanh nợ phải xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ. Chúng tôi sẽ có tờ trình kiến nghị các giải pháp sau khi bàn bạc thống nhất" - ông Chiểu nói.

Hiện 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa vẫn chưa thống kê hết con số thiệt hại từ người nuôi tôm hùm nhưng ước tính lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Công đoàn cả nước hướng về nạn nhân bão số 12

Ngày 11-11, ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đại diện cho Công đoàn cả nước đã đến tỉnh Khánh Hòa thăm hỏi, động viên, trao 1 tỉ đồng cho người dân bị bão 12 tàn phá.

Tại nhà của công nhân Đào Mạnh Hùng, có con trai là Đào Hoàng Tuấn Anh (SN 1995; ngụ xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang) bị tường sập đè tử vong, ông Bùi Văn Cường đã thắp nén nhang chia sẻ sâu sắc sự mất mát mà gia đình gánh chịu. "Bằng tấm lòng của những cán bộ Công đoàn, chúng tôi đã phát động phong trào tương thân tương ái, ủng hộ đồng bào gặp thiên tai ở các tỉnh miền Trung" - ông Cường cho biết. Ông đề nghị LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa thống kê số công nhân, viên chức, người lao động bị thiệt hại nặng để kịp thời động viên, giúp đỡ. Thời gian tới, Tổng LĐLĐ sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương phát động việc ủng hộ, chung tay khắc phục thiệt hại cho người dân.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa - thay mặt người dân cám ơn tấm lòng mà người dân cả nước đã hỗ trợ bà con tỉnh nhà trong lúc hoạn nạn.

Theo Ủy ban MTTQ tỉnh Khánh Hòa, tính đến chiều 10-11, đã có 31 tổ chức, cá nhân ủng hộ người dân bị thiệt hại do bão với tổng số tiền gần 35 tỉ đồng. Các tổ chức, cá nhân đã chuyển hơn 11,5 tỉ đồng, số tiền còn lại đã đăng ký ủng hộ nhưng chưa chuyển tới quỹ.

K.NAM

Theo Kỳ Nam - Hồng Ánh.

Người lao động

Trở lên trên