Thử thách kiên nhẫn nhà đầu tư: Gọi tên cổ phiếu Dược Hậu Giang (DHG)
Giá cổ phiếu DHG đã giảm liên tục trong gần 3 tháng qua và chiết khấu gần 20% so với giá đỉnh với khối lượng "cạn dần". Liệu cơ hội hồi phục của DHG có trở lại?
- 24-08-2017Bà Phạm Thị Việt Nga từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc Dược Hậu Giang về làm cố vấn
- 31-07-2017ĐHĐCĐ của Dược Hậu Giang (DHG) thông qua việc nới room ngoại lên 100%
- 19-07-2017Dược Hậu Giang (DHG): 6 tháng lãi 359 tỷ đồng tăng 17% so với cùng kỳ
Sau một thời gian tăng giá mạnh và đạt đỉnh quanh vùng 130.000 đồng, cổ phiếu DHG của CTCP Dược Hậu Giang đã bước vào nhịp điều chỉnh mạnh từ giữa tháng 6/2017. Đáng chú ý, trong 6 phiên gần nhất, DHG đã giảm liên tục và chốt phiên cuối tuần tại mức giá 106.300 đồng, tương đương với việc giá đã giảm gần 20% kể từ đỉnh.
Theo phân tích kỹ thuật, đường giá DHG đã liên tục hình thành các lower hight và lower low trong 3 tháng. Với việc nối qua các lower hight này, đường trendline hỗ trợ cho xu hướng giảm là khá vững chắc, tuy nhiên thời gian gần đây giá cổ phiếu đã bắt đầu phá vỡ đường trendline này. Tương tự như vậy, đường trung bình đồng 5 tuần là hỗ trợ mạnh cho xu hướng giảm cũng bị phá vỡ. Đồng thời, khối lượng trở nên “cạn hơn”.
Chính vì vậy, DHG đã lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư với kỳ vọng DHG đang tạo đáy cho một chu kỳ tăng giá mới. Liệu cơ hội hồi phục tăng giá của DHG có trở lại hay không? Hãy xem lại doanh nghiệp sẽ có những câu chuyện gì sẽ được kể.
Thứ nhất, thông tin được nhà đầu tư chờ đợi ở Dược Hậu Giang không gì khác ngoài việc nới room cho khối ngoại đang được tiến hành các bước tiếp theo sau khi nghị quyết ĐHCĐ bất thường hồi cuối tháng 7 đã thông qua việc nới room ngoại lên 100%. Như vậy, việc nâng tỷ lệ sở hữu tại Dược Hậu Giang của cổ đông chiến lược Taisho chỉ còn là vấn đề thời gian và người ta chờ đợi SCIC – tổ chức đang nắm giữ 43,3% vốn DHG sẽ công bố việc thoái vốn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của CTCK Bảo Việt, việc nới room khối ngoại, nếu được cho phép, sẽ chỉ diễn ra sau khi DHG thay đổi ngành nghề kinh doanh (từ ngày 1/1/2018).
Thứ hai, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Doanh nghiệp khá chậm nhưng 6 tháng cuối năm có gì sáng?
Trong 6 tháng đầu năm 2017, DHG ghi nhận doanh thu thuần 1.808 tỷ đồng - tăng 7% so với cùng kỳ và hoàn thành 41% kế hoạch cả năm. Báo cáo của BVSC cho biết, doanh thu hàng tự sản xuất đạt 1.406 tỷ đồng, đóng góp 77,8% doanh thu thuần (cùng kỳ là 81,7%), chỉ tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ do công ty gặp khó khăn khi đi vào vận hành dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn PIC/S, dẫn tới sự thiếu hụt hàng bán so với nhu cầu khách hàng.
Hai nhãn hàng chủ lực (chiếm trên 50% doanh thu) tăng trưởng khá chậm là Hapacol (tăng 2%) và Klamentin (tăng 2%). Các nhãn hàng tăng trưởng tốt hơn là Naturenz (tăng 10%) và Natoenzym (tăng 43,9%).
Biên lợi nhuận gộp tiếp tục phục hồi đẩy lãi gộp tăng 8% yoy, đạt 816 tỷ đồng nhờ biên gộp mảng thuốc tự sản xuất tăng từ 53,4% ở 6T2016 lên 55,5% trong 6T2017. BVSC cho rằng tỷ suất lợi nhuận gộp thuốc tự sản xuất tăng do 2 nguyên nhân chính: (1) Giá nguyên phụ liệu dược phẩm nhập khẩu diễn biến theo hướng có lợi cho doanh nghiệp sản xuất. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ công thương, số nguyên phụ liệu giảm giá nhiều hơn số tăng giá và mức giảm cao hơn mức tăng; (2) Tái cơ cấu kênh bán hàng thành công làm giảm tỷ lệ chiết khấu/bán buôn, tác động tích cực đến biên lợi nhuận gộp.
Mặc dù chi phí bán hàng và quản lý tăng mạnh để giữ thị phần nhưng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp vẫn tăng 17,3%, đạt 358 tỷ đồng nhờ ưu đãi thuế. Lợi nhuận trước thuế đạt 352 tỷ đồng, chỉ tăng 4%.
Điều này có thể khiến cho các nhà đầu tư thất vọng phần nào về triển vọng của DHG. Tuy nhiên, điểm sáng trong những tháng cuối năm là DHG đã hoàn thành xong được mô hình giao hàng mới, và một số sản phẩm bị ngừng trệ do nâng cấp dây chuyền lên tiêu chuẩn PIC/S được sản xuất trở lại.
Trao đổi với cổ đông, ông Đoàn Đình Duy Khương – Tổng giám đốc của DHG cho rằng kế hoạch tăng trưởng 15% của các loại thuốc chủ lực như Hapacol, Naturenz có thể thực hiện được. Riêng Hapacol là nhãn hàng phấn đấu đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng vào năm 2020.
Hỗ trợ cho kế hoạch này chính là Luật Dược sửa đổi. Luật Dược sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2017 được đánh giá sẽ trở thành đòn bẩy cho sản xuất nội địa. Cụ thể, khoản 4a và 4b, điều 7 của luật sửa đổi quy định rõ: Đối với thuốc mua từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế công lập thì sẽ không chào thầu dược liệu, thuốc nhập khẩu nếu thuốc trong nước đáp ứng được yêu cầu về giá trị, giá thuốc và khả năng cung cấp.
Bên cạnh đó, cũng theo điều 7 của luật này, Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi về trình tự, thủ tục nộp đơn đăng ký lưu hành thuốc generic (thuốc có cùng dược chất, hàm lượng, dạng bào chế với biệt dược gốc) sắp hết hạn bằng sáng chế. Điều này sẽ giúp rút ngắn đáng kể thời gian đưa thuốc generic mới ra thị trường.
Tóm lại, theo đánh giá của các chuyên gia, Luật Dược sửa đổi mang đến cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp dược, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhà máy đạt chuẩn PIC/S và GMP-EU khi các điều khoản đều theo hướng tạo điều kiện phát triển thuốc nội địa, nhất là trong bối cảnh thuốc sản xuất trong nước hiện mới chỉ đáp ứng được 48% nhu cầu tiêu thụ.
Trí Thức Trẻ