Thu thuế chuyển nhượng BĐS tăng hàng nghìn tỷ sau 'siết' bán nhà hai giá
Sau những động thái “siết” việc bán nhà 2 giá, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2022, kết quả thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản đạt 16 nghìn tỷ đồng, tăng 68,6% so cùng kỳ năm 2021.
- 18-07-2022Siết nhà 'hai giá', tăng thu thuế chuyển nhượng bất động sản hàng nghìn tỷ
- 07-07-2022Bình Dương ngăn chặn, xử lý tình trạng khai sai, trốn thuế chuyển nhượng bất động sản
- 13-06-2022Đề xuất thanh toán chuyển nhượng bất động sản qua ngân hàng: Minh bạch nguồn tiền đầu tư
Thu thuế chuyển nhượng bất động sản tăng hàng nghìn tỷ
Để chống thất thu thuế hoạt động chuyển nhượng bất động sản, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Cục thuế địa phương tham mưu cho UBND cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất, hệ số điều chỉnh; xây dựng dữ liệu giá giao dịch bất động sản để công khai, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Công an, Bộ Tư pháp để phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp chống thất thu trong chuyển nhượng bất động sản .
Sau những động thái “siết” việc bán nhà 2 giá, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2022, kết quả thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản đạt 16 nghìn tỷ đồng, tăng 68,6% so cùng kỳ năm 2021. |
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, kết quả thu thuế từ hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản tăng mạnh.
Theo đó, tính chung trong cả nước, năm 2021, số thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản đạt 21 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 4,9 nghìn tỷ đồng (tăng 30%) so với năm 2020. Sang năm 2022, chỉ trong 5 tháng đầu năm, kết quả thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản đạt 16 nghìn tỷ đồng, tăng 68,6% so cùng kỳ năm 2021.
Trước đó, ngày 28/4, Tổng cục Thuế có văn bản gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản
Một là, Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thuế, chủ động tham mưu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chỉ đạo Sở Tài nguyên & Môi trường, các cơ quan liên quan thực hiện sát, đầy đủ các nội dung nêu tại công văn số 3849 ngày 28/4/2022 của Bộ Tài chính. Đối với nhiệm vụ thuộc chức năng, cần phối hợp cung cấp cơ sở dữ liệu mà người nộp thuế đã kê khai thuế trong trường hợp có phát sinh phát biến động về giá cao hơn giá UBND đã ban hành (bao gồm cả hệ số điều chỉnh giá đất) cho cơ quan Tài nguyên môi trường.
Hai là, chỉ đạo, quán triệt các phòng, đội tham gia vào công tác xử lý hồ sơ chuyển nhượng bất động sản thực hiện nghiêm túc các quy định về trình tự, thủ tục xử lý hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính và quy trình làm việc trực tiếp với người nộp thuế theo quy định tại Quy chế tiếp công dân tại cơ quan thuế các cấp và Quy trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thuế của người nộp thuế theo cơ chế một cửa liên thông.
Ba là, chỉ đạo và có cơ chế giám sát, tránh hiện tượng nhũng nhiễu gây khó khăn trong quá trình làm việc của cán bộ thuế; tuyên truyền, hướng dẫn việc kê khai giá chuyển nhượng bất động sản cho người nộp thuế…
Bốn là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp để chống thất thu trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp xử lý đối với hành vi trốn thuế trong hoạt động chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu sớm có quy định về thuế đối với bất động sản
Phát biểu tại Hội Nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất để ban hành quy định về thuế đối với việc sử dụng bất động sản, đối với hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động hạn chế tình trạng mua đi, bán lại nhiều lần, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ bất động sản... |
Đáng chú ý, người đứng đầu Chính phủ lưu ý Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản, đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Trước mắt, nghiên cứu một số vấn đề để làm thí điểm theo thẩm quyền của Chính phủ, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thành lập tổ công tác để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đối với nội dung chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn vướng mắc của pháp luật, thủ tục pháp lý của dự án.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất để ban hành quy định về thuế đối với việc sử dụng bất động sản, đối với hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản hạn chế tình trạng mua đi, bán lại nhiều lần, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ bất động sản và chống thất thoát nguồn thu của nhà nước.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi, kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường, với nghệ thuật điều hành mềm dẻo, linh hoạt, có hiệu quả. Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng ưu tiên cho vay đối với các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân đã được cấp phép và khởi công xây dựng để tạo nguồn cung cho thị trường…
Bộ Công an chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan thanh tra, kiểm toán và các cơ quan liên quan tăng cường công tác nắm bắt tình hình, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tiền phong