MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu tiền “tươi” mỗi ngày, vì sao Phương Trang vướng nợ xấu 3.000 tỷ ?

09-06-2016 - 10:54 AM | Doanh nghiệp

Sa lầy vào kinh doanh bất động sản có thể là nguyên nhân lớn nhất khiến Phương Trang rơi vào cảnh nợ xấu ngàn tỷ.

Mới đây, ngân hàng Xây Dựng (CB) vừa công bố sẽ “mạnh tay” để thu khoản nợ xấu lên đến 3.000 tỷ đồng của công ty của Phương Trang.

Theo CB, nhóm nợ của Công ty Phương Trang là một trong những nhóm nợ lớn, tồn đọng suốt nhiều năm qua từ thời ngân hàng cổ phần với hồ sơ pháp lý khá phức tạp tại CB. Các khoản vay này chủ yếu dùng để phục vụ hoạt động kinh doanh của Phương Trang, như: mua xe, đầu tư các dự án bất động sản...

Ít ai ngờ rằng, đằng sau sự bề thế với dàn xe và hàng loạt tuyến đường mà xe khách này đang khai thác, Phương Trang lại đang tồn đọng những khoản nợ xấu lớn như vậy. Theo CB thì hiện nay khoản nợ xấu của Phương Trang chỉ riêng tại ngân hàng này là 3.000 tỷ đồng, hiện chưa biết Phương Trang còn đang nợ tại các ngân hàng khác bao nhiêu nữa, nhưng con số có thể sẽ lớn hơn nhiều con số tại CB.

Vì đâu nên nỗi ?

Với lĩnh vực kinh doanh xe khách, Phương Trang đang là một doanh nghiệp thuộc hạng lớn nhất hiện nay. Nhiều chuyên gia đánh giá rằng lĩnh vực kinh doanh xe khách có một lợi thế rất lớn đó chính là không bị chiếm dụng vốn và thu được tiền “tươi” hàng ngày. Trong khi đó, các khoản đầu tư cho cơ sở vật chất và phương tiện vận chuyển hầu hết đều được tài trợ bằng vốn vay dựa trên tài sản có là xe khách.

Nghĩa là, nếu đơn giản chỉ kinh doanh mảng dịch vụ vận chuyển, Phương Trang hoàn toàn đủ khả năng chi trả các khoản đầu tư và thu lời khá cao. Do đó, việc Phương Trang mất khả năng chi trả tại Ngân Hàng CB có thể là do các vấn đề khác liên quan đến chiến lược đầu tư.

Hiện nay, do Phương Trang không công bố các thông tin về tài chính và các khoản đầu tư nên không thể phân tích chi tiết về tình hình nợ vay và các khoản đầu tư cụ thể của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, nếu nhìn vào các hoạt động đầu tư trong khoảng thời gian trước đó, có thể suy luận rằng, dấn thân vào thị trường bất động sản vào lúc dầu sôi lữa bỗng là bước đi khiến doanh nghiệp này sa vào vũng lầy nợ xấu.

Sa lầy vào bất động sản cao cấp

Ngoài kinh doanh vận tải hành khách, Công ty Phương Trang còn phát triển sang các lĩnh vực về du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và đặc biệt là bất động sản.

Được biết, Phương Trang đã đầu tư bất động sản từ trước đó vài năm, nhưng thời gian doanh nghiệp này bước chân vào lớn nhất là vào năm 2010-2011 sau khi cho ra đời Công ty Bất động sản FutaLand.

Cũng trong năm 2010, Phương Trang còn phối hợp với Địa ốc Hưng Hưng Thịnh và Công ty Cổ phần Thế giới Căn hộ cho ra mắt sàn giao dịch bất động sản Phương Trang - Hưng Hưng Thịnh - Thế giới Căn hộ tại 76-82 Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM rất "hoành tráng".

Vào thời điểm đó, trao đổi với báo chí, Ông Đặng Đình Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Phương Trang (hiện không còn làm việc ở Futaland) đã không ngần ngại cho biết chiến lược đầu tư của FutaLand là tập trung vào các phân khúc căn hộ trung và cao cấp, biệt thự, nhà phố, đất nền và trung tâm thương mại phức hợp.

Một số dự án trọng điểm của FutaLand như New Pearl (192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM) với diện tích 2.200 m2, có giá bán lên đến 90 triệu đồng/m2. Sau đó là hàng loạt các dự án như The Landmark City, quận 1 (4.261 m2), dự án Quang Thuận, quận Thủ Đức (1,2 ha), Golden Gate, quận 7 (1,9 ha), dự án Han Riverview, Đà Nẵng (1,4 ha) và Khu đô thị mới Futa Cove, Đà Nẵng (120 ha).

Năm 2011, Futaland cũng đã rầm rộ ra mắt dự án Khu đô thị sinh thái biển Phương Trang – Vịnh Đà Nẵng với tổng diện tích lên đến 147ha, vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng nhưng nhìn chung không thành công.

Chiến lược đầu tư mạnh vào bất động sản của Phương Trang dường như bị trật đường ray khi lãi suất tăng phi mã giai đoạn 2011-2012. Có lẽ chính ban lãnh đạo Phương Trang cũng đã không thể ngờ được kịch bản lãi suất đột ngột tăng cao như vậy dẫn đến các dự án đói vốn và không thể tiếp tục triển khai thực hiện.


Dự án New Pearl từng được quảng bá với Slogan: Riêng một vị thế là dự án át chủ bài của Futaland đã phải chuyển nhượng lại cho Vạn Thịnh Phát.

Dự án New Pearl từng được quảng bá với Slogan: Riêng một vị thế là dự án át chủ bài của Futaland đã phải chuyển nhượng lại cho Vạn Thịnh Phát.

Đáng chú ý nhất trong số đó là dự án căn hộ hạng sang New Pearl, vốn được xem là át chủ bài của Futaland trong kế hoạch phát triển bất động sản của doanh nghiệp này nhưng không thành công và phải bán lại. Năm 2013, Futaland đã phải chuyển nhượng dự án New Pearl cho Vạn Thịnh Phát với giá trị chuyển nhượng khoảng 20 triệu USD sau khi mới thi công đến tầng 2.

Đằng sau nợ xấu lên đến 3.000 tỷ của Phương Trang đến từ đâu chỉ có ban lãnh đạo công ty này là hiểu rõ nhất. Tuy nhiên, những phân tích ở trên cho thấy nợ xấu của Phương Trang chắc chắn có sự bắt nguồn từ việc đầu tư lớn vào bất động sản.

Thực tế, cùng thời điểm đó, rất nhiều doanh nghiệp đang ăn nên làm ra cũng rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất mà cho đến nay vẫn chưa thể phục hồi sau giai đoạn gồng mình trả lãi năm 2012.

Theo Hoàng Trung

Người đồng hành

Trở lên trên