Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: Phí BOT của Việt Nam thấp nhất Đông Nam Á
Mức trung bình để thu hồi vốn cho các dự án BOT ở Việt Nam là 25 năm, nên so với số tiền phải trả cho 1km đường BOT ở Việt Nam là thấp nhất Đông Nam Á.
- 13-04-2016Tiếp tục rà soát, di dời các trạm BOT bảo đảm khoảng cách
- 06-04-2016Trạm BOT đua nhau tăng phí: Sao không tính thu 1 lần?
- 04-04-2016Tay không làm BOT nghìn tỷ: Thanh tra Bộ xây dựng vào cuộc
- 03-04-2016Góc khuất sau các dự án BOT
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường khi thông tin về việc thu phí các trạm BOT trong thời gian gần đây.
Theo Thứ trưởng, Thông tư 159 quy định đưa ra cự ly 70km, tức là đã tính toán một xe ô tô, một ngày chỉ đi qua 2 trạm là phù hợp với doanh thu trong ngày. Khi so sánh với các nước, chuẩn thu hồi vốn của dự án BOT là 20-30 năm, trong khi ở Việt Nam lấy mức trung bình là 25 năm.
Đã tính đến sức chịu đựng của người dân
"Từ 25 năm đó chúng ta đưa ra mức phí trong giai đoạn đó. Việt Nam thu BOT nếu nói về so tiền cho 1km thì Việt Nam thấp nhất Đông Nam Á. Trung Quốc thì 1 NDT cho 1 km nhưng bình quân đầu người gấp hơn 2 lần, còn NDT so với tiền Việt Nam mới bằng 70%, các nước châu Âu là 0,5 USD/km, mức thu nhập họ cao hơn mình" - Thứ trưởng so sánh.
Thứ trưởng cũng cho biết, trong quá trình xây dựng dự án BOT, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án tài chính, có lộ trình tăng phí theo CPI cũng như lộ trình hoàn vốn để đảm bảo lợi ích các bên. Do đó, đối với những dự án được xây dựng trong giai đoạn 2011 - 2015 sau 3 năm sẽ xem xét tăng phí, nên đây là thời điểm bắt đầu tiến hành tăng phí theo lộ trình.
Tuy nhiên, để giải quyết thấu đáo, đảm bảo sức chịu đựng của người dân, lãnh đạo Bộ này cho biết Bộ Giao thông Vận tải đã xem xét tổng thể. Tất cả các trạm, có 2 loại, trạm thu trên cao tốc thực hiện theo km, mức trần cho phép cao nhất là 2.000 đ/km, hiện đang thực hiện 1.000 đồng/km , 1.200 đồng/km và 1.500 đồng/km và đang đề xuất tăng mức cao nhất.
Trong đó, một số trạm đã thực hiện, một số trạm đề xuất đến 30/6 nhưng chưa được phê duyệt và có thể điều chỉnh vào cuối năm nay. Các trạm trên tuyến quốc lộ chủ yếu thu theo phương án tài chính, cao nhất là 45.000 đồng/xe tiêu chuẩn. Hiện Bộ đang xem xét tính toán lưu lượng cũng như sức chịu dựng của người dân vùng dự án để xem xét lộ trình tăng hợp lý.
Doanh nghiệp nói không thể chịu nổi
"Bộ Giao thông Vận tải đã tính toán đến yếu tố đầu vào, đầu ra, đảm bảo đi lại của người dân. Để giảm thiểu thiệt hại cho DN, Bộ cũng đề nghị nhà đầu tư BOT xem xét tăng cường vé tháng, với loại vé này doanh nghiệp đã được giảm 15-20%, với người dân xung quanh trạm thu phí, thực hiện giảm tiếp trong vé tháng, ví dụ trạm Hòa Bình, Hạc Trì" - Thứ trưởng nói.
Việc tăng phí đã được tính toán, và thực hiện theo lộ trình nhưng trong cuộc họp mới đây của Bộ Giao thông Vận tải, đại diện các doanh nghiệp vận tải đã phải lên tiếng về chuyện tăng phí BOT quá nhiều tạo nên nhiều sức ép. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng cần xem xét lại mức phí cũng như khoảng cách các trạm BOT.
"Nhà nước cần xem xét lại mức phí cũng như lộ trình tăng phí đường bộ vì hiện nay ở một số tuyến đường BOT, mức phí đường bộ đang tăng cao hơn chi phí nguyên liệu gây xáo trộn trong giá cước vận tải. Đồng thời, cần xem xét lại các cự ly của các trạm BOT, nên gom các trạm thu phí để cố gắng tiếp cận với quy định 70Km/trạm bởi hiện nay có tuyến Hà Nội – Thái Bình với 100km nhưng có 4 trạm thu phí là quá gần và quá ngắn" - ông Thanh chỉ rõ.
Trước phản ánh này, Thứ trưởng lý giải rằng thông thường các trạm thu phí cách nhau 70 km. Tuy nhiên, một số trạm do không có vị trí hợp lý để đặt, nếu đặt lại rơi vào đô thị, nhưng trong cùng một bán kính 50km không có quá 3 trạm.
"Bộ Giao thông Vận tải đã tiến hành di dời một số trạm để phù hợp thông tư 159 của Bộ Tài chính, sau này chúng tôi tiếp tục rà soát để phù hợp. Lộ trình tăng phí thì đã tính toán kỹ" - Thứ trưởng nói.
Còn đại diện DN vận tải thì kiến nghị Nhà nước cần buộc các nhà đầu tư BOT phải áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật để lắp đặt các trạm thu phí không dừng để giảm thời gian chờ đợi, tăng tốc độ lưu thông, gảm chi phí vận tải vì xe phải dừng lại để thu phí và đảm bảo công khai minh bạch trong thu phí.