Thứ trưởng Bộ KH-ĐT: “5 năm không quá dài nhưng đã đánh dấu bước trưởng thành rất quan trọng của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia”
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc, kể từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã từng bước khẳng định vai trò đầu mối quốc gia về đổi mới sáng tạo, là đơn vị dẫn dắt kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh cho Việt Nam.
Để thực hiện nhiệm vụ của Bộ Chính trị về chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo Nghị quyết 52-NQ/TW năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xác định doanh nghiệp sẽ là lực lượng dẫn dắt đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời tận dụng những cơ hội và phát huy được những lợi thế của Việt Nam trong kỷ nguyên công nghệ.
Với định hướng đó, trong năm 2019, Bộ đã cùng đối tác tư vấn quốc tế BCG tập trung nghiên cứu để xây dựng đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trình Chính phủ để nhanh chóng thiết lập một đầu mối quốc gia về đổi mới sáng tạo. Được sự ủng hộ của Lãnh đạo và thành viên Chính phủ, Trung tâm được thành lập ngày 2/10/2019 tạị Quyết định số 1269/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Hành trình 5 năm và dấu ấn “Khát vọng - Tiên phong - Bứt phá”
Phát biểu tại họp báo công bố chương trình Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, quá trình 5 năm phát triển của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia thực sự là một hành trình đầy thách thức và cũng rất đáng tự hào.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, sau 5 năm hoạt động, Trung tâm đã từng bước khẳng định vai trò đầu mối quốc gia về đổi mới sáng tạo, là đơn vị dẫn dắt kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh cho Việt Nam.
“5 năm cũng không phải là thời gian quá dài nhưng đã đánh dấu bước trưởng thành rất quan trọng của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
Các kết quả của Trung tâm thể hiện trên nhiều mặt. Cụ thể, về cơ sở hạ tầng hỗ trợ đổi mới sáng tạo, Trung tâm hoàn thiện hai cơ sở hoạt động tại Hà Nội và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với tổng diện tích gần 30 nghìn m2. Trong đó, cơ sở Hà Nội được đưa vào vận hành từ 2021 đã hỗ trợ cho hàng chục doanh nghiệp công nghệ, hàng trăm startups và thường xuyên là địa điểm kết nối các chủ thể hệ sinh thái.
Từ năm 2023, cơ sở Hoà Lạc được đưa vào vận hành với diện tích sử dụng gần 20 nghìn m2, trở thành không gian dành cho đổi mới sáng tạo lớn nhất cả nước. Cơ sở Hoà Lạc đang tích cực thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn từ các quốc gia, các Viện-trường để đặt phòng Lab, phòng kiểm thử, phòng R&D và các hạ tầng hỗ trợ, ươm tạo khác.
Về cơ chế chính sách, Trung tâm đã tham mưu, đề xuất nhiều quy định về hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại các văn bản pháp lý quan trọng như Luật Thủ đô năm 2024 và Nghị định dành riêng cho NIC về cơ chế ưu đãi đặc thù cho hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý cho việc hỗ trợ, phát triển bền vững hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
Về phát triển hệ sinh thái, Trung tâm đã thúc đẩy sự phát triển toàn diện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam với đầy đủ các thành tố: Nhà nước - Doanh nghiệp - Viện trường - Tổ chức ươm tạo, hỗ trợ - Tổ chức tài chính - Mạng lưới chuyên gia.
Đáng chú ý, Trung tâm thường xuyên tổ chức kết nối gần 200 quỹ đầu tư tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và vận hành Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam với hơn 2.000 chuyên gia tại 20 quốc gia. Trung tâm cũng đã hình thành và bảo trợ Mạng lưới các Trung tâm Đổi mới sáng tạo Trường Đại học, quy tụ gần 60 thành viên từ các trường đại học hàng đầu Việt Nam.
Về hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm đã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua các chương trình tư vấn, kết nối chuyên gia và hỗ trợ chuyển đổi số, sản xuất thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Hàng nghìn doanh nghiệp đã được tiếp cận thông tin và ứng dụng công nghệ mới, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Cuối cùng, về phát triển nguồn nhân lực, Trung tâm đóng vai trò dẫn dắt trong việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ trẻ với nhiều khoá học, đào tạo trong các lĩnh vực công nghệ như IOT, 5G, thiết kế bán dẫn, AI,...được cung cấp bởi các đối tác quốc tế lớn như Google, Siemens, Samsung, Cadence, Synopsis, Quovor.
Đặc biệt, Trung tâm đang triển khai xây dựng Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” trình Thủ tướng Chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cho ngành công nghiệp này trong tương lai.
Chưa bao giờ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam được hỗ trợ và phát triển mạnh mẽ như bây giờ
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, quá trình 5 năm phát triển của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia thực sự là một hành trình đầy thách thức và cũng rất đáng tự hào. Có thể nói, chưa bao giờ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam được hỗ trợ và phát triển đầy đủ, mạnh mẽ như bây giờ.
Chính vì lẽ đó, trong 2 ngày 01 và 02 tháng 10 năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tổ chức Lễ Kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm và Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 (Innovate Viet Nam 2024)
Được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm, Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 là nơi kết nối, gặp gỡ, nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển 5 năm, làm nổi bật dấu ấn “Khát vọng - Tiên phong - Bứt phá”.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, Việt Nam đang ngày càng khẳng định là điểm đến tiềm năng của đổi mới sáng tạo khu vực và thế giới. Do đó, sự kiện không chỉ là dịp nhìn lại 5 năm hình thành và phát triển của NIC mà còn gợi mở những tầm nhìn và định hướng tương lai cho đổi mới sáng tạo Việt Nam, tiếp tục lấy doanh nghiệp là trung tâm, đồng thời phát huy tối đa tiềm lực con người Việt Nam.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn dịp kỷ niệm 5 năm NIC cũng là một cơ hội để chúng ta tiếp tục lan toả mạnh mẽ khát vọng và quyết tâm đổi mới sáng tạo tới cộng đồng doanh nghiệp, người dân, để tiếp tục khơi gợi tiềm năng sáng tạo, ý chí và khát vọng đổi mới để đưa Việt Nam bứt phá, đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới”, Thứ trưởng bày tỏ.
Nhịp sống thị trường