MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: "Củ đậu quê tôi bán 5.000 đồng, cách Hà Nội 120km mà đến đây lên 50.000 đồng"

Các khoản phí chính thức đang chiếm đến 40% lợi nhuận của doanh nghiệp là quá cao theo nhận định của Thứ trưởng Đặng Huy Đông, Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Buổi họp báo chuyên đề về Nghị quyết hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 (Nghị quyết 35) của Văn phòng Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra những rào cản lớn đang cản trở hoạt động kinh doanh của DN.

Một trong những nút thắt lớn cản trở hoạt động kinh doanh của DN, đó là hoạt động thanh kiểm tra quá dày đặc của các ban ngành chức năng, khiến cho DN bị mất nhiều chi phí. Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết sau khi khảo sát, nhiều Dn cho biết họ bị thanh kiểm tra quá nhiều; đặc biệt là bị hình sự hóa những hành vi không đáng.

Do đó, ông khẳng định với Nghị quyết 35, sẽ hạn chế việc thường xuyên kiểm tra những DN hoạt động bình thường, minh bạch. Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng cho biết việc đưa ra những quy định để hạn chế quyền lực của Nhà nước làm khó cho DN. Song điều đó không có nghĩa là dung túng bao che cho DN, nên khi DN vi phạm, đủ mức độ xử lý hình sự thì sẽ phải làm tới cùng.

Còn theo TS Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, để tránh tình trạng trùng lặp trong việc thanh tra kiểm tra, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết thì cần nêu cao vai trò của UBND tỉnh. Điều này cũng giúp cho DN dần loại bỏ được những chi phí không chính thức trong các cuộc thanh kiểm tra.

Tuy nhiên, liên quan đến những chi phí chính thức đại diện của VCCI cho rằng hiện nay gánh nặng chi phí này DN phải chịu đựng là rất lớn. Đó là thuế cao so với khu vực, chi phí liên quan đến lao động như BHXH, các khoản đóng góp khác vẫn còn cao, chi phí giao thông và các khoản phí khác… Theo bà Hằng, hiện nay các khoản thuế phí chiếm khoảng 40% lợi nhuận DN, là mức cao so với khu vực.

Đồng tình quan điểm, Thứ trưởng Đông cũng cho rằng các khoản phí chính thức chiếm 40% trên khoản lợi nhuận của DN thì quá cao. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DN, mà còn làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia.

"Quốc gia nào cũng huy động nguồn thu ngân sách thông qua thuế là đương nhiên. Riêng các khoản phí thì cần cân nhắc và hết sức minh bạch. Tôi không đồng tình câu: nếu không như thế, chúng tôi không đầu tư. Thực tế phí giao thông ảnh hưởng đến từng cân gạo cân thịt. Như củ đậu ở quê tôi bán 5.000 đồng, chỉ cách Hà Nội 120km mà đến đây là 50.000 đồng" - Thứ trưởng Đông dẫn chứng.

Dẫn dụ của vị Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ là minh chứng cho thấy, chi phí và giá cả hàng hóa đang bị đội lên rất nhiều do những chi phí hiện nay, trong đó có phí giao thông. Do đó, Thứ trưởng cho rằng việc thu phí BOT cần phải công khai, minh bạch. Theo đó, ngoài việc tính đúng, tính đủ để hài hòa lợi ích các bên, cần phải có công cụ giám sát chặt chẽ, tránh gian lận.

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thì kêu gọi DN đóng góp ý kiến, đưa ra những trường hợp liên quan đến việc phải đóng những khoản chi phí không chính thức. Ông Hà cho rằng, đây là vấn đề nhức nhối, làm méo mó môi trường, được gọi đó là nhóm thân hữu, nhóm lợi ích, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của DN.

Theo đó, điểm mới của Nghị quyết 35 lần này là phát huy vai trò của ban chỉ đạo phát triển DN, đặc biệt là phát triển DN tư nhân. Với tất cả những kiến nghị của DN gửi lên Thủ tướng, sẽ được đưa lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để theo dõi về việc xử lý và giải quyết. Lãnh đạo cơ quan Văn phòng Chính phủ cũng cam kết sẽ giám sát minh bạch hoạt động này, để đưa Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống và giúp ích cho DN.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên